09/10/2003 07:15 GMT+7

Khi nhà nông bắt tay doanh nghiệp

ĐÌNH LONG
ĐÌNH LONG

TT - Không còn là những hỗ trợ chung chung, mà phải chuyển thành những gắn kết chặt chẽ bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể. Nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học gắn với nhau tạo ra những mặt hàng nông sản có giá trị cạnh tranh cao và tìm thị trường tiêu thụ cho chúng...

6F7N2uBB.jpgPhóng to

Nông dân Bình Chánh ký hợp đồng bán rau an toàn cho Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang

TT - Không còn là những hỗ trợ chung chung, mà phải chuyển thành những gắn kết chặt chẽ bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể. Nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học gắn với nhau tạo ra những mặt hàng nông sản có giá trị cạnh tranh cao và tìm thị trường tiêu thụ cho chúng...

Tìm giống mới, giúp vay vốn...

Hơn 1.000 nông dân tại Đồng Nai đã hợp tác với Công ty cổ phần mía đường La Ngà để trồng mía nguyên liệu. Anh Phạm Trung Thành - nông dân xã Ngọc Thịnh, Định Quán - cho biết công ty đầu tư giống mía cao sản, phân bón phù hợp cây mía, hướng dẫn kỹ thuật canh tác mía... “Nhờ vậy, nông dân không mua phải giống mía kém chất lượng, phân giả, không phải vay nóng với lãi suất cao, lại học được kỹ thuật canh tác mới”.

Về phía công ty, ông Trần Văn Ngà - phó tổng giám đốc công ty - cho rằng: “Chỉ có giải pháp này năng suất, chất lượng mía mới tăng lên, công ty mới có thể xây dựng vùng mía nguyên liệu ổn định”.

Để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật, Hợp tác xã Tân Ba (Tân Uyên, Bình Dương) ký hợp đồng với Công ty Kawakita (Nhật) để sản xuất và bao tiêu cà tím, cải xanh, dưa chuột...

Theo chủ nhiệm HTX này, Công ty Kawakita đầu tư toàn bộ về giống, vật tư, khuyến nông (hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn) cho nông dân xã viên. Đồng thời công ty trả công lao động cho nông dân xã viên HTX với mức khá cao: 1,4 triệu đồng/tháng.

Khi nông dân làm ra sản phẩm, công ty thu hồi toàn bộ sản phẩm chế biến, đóng gói (theo công nghệ Nhật) và xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Một nông dân của HTX này phát biểu: “Từng nông dân không thể nào xuất khẩu cải, dưa chuột, cà tím... sang Nhật được. Chỉ có thể thông qua công ty với đầu mối là HTX mới làm được việc này”.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giá thành sản xuất 1kg lúa trung bình 1.000 - 1.100 đồng/kg.

Một nhóm thanh niên nông dân tại xã Phú Điền (Đồng Tháp) đã tìm cách giảm giá thành sản xuất 1kg xuống chỉ còn 400 đồng. Nghĩa là với giá lúa 1.600-1.700 đồng/kg, họ lãi 1.200 - 1.300 đồng/kg lúa.

Họ cho biết có được kết quả này chính là nhờ mạnh dạn ký kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) đồng thời được sự tiếp sức của các nhà khoa học. Cụ thể nhờ việc sạ hàng bằng máy tiết kiệm được 80kg lúa giống/ha, phòng trừ dịch hại theo phương pháp tổng hợp và bón phân theo bảng so màu lá lúa nên tiết kiệm được thuốc phòng trừ sâu bệnh, phân bón.

Lâu nay nông dân luôn kêu ca thiếu vốn sản xuất, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kênh tín dụng chính thức nên phải vay bên ngoài với lãi suất cao.

Hiểu thực trạng này, nhiều công ty căn cứ vào hợp đồng đã ký với nông dân, đứng ra vay vốn của các ngân hàng rồi cho nông dân vay dưới hình thức bán chịu vật tư, cây, con giống hay ứng trước một phần tiền mặt. Đến khi thu hoạch nông dân trả nợ bằng sản phẩm hay bằng tiền, có tính lãi theo lãi suất ngân hàng.

Với hình thức này, ngân hàng có căn cứ để đầu tư, giảm được chi phí đi lại, không phải tăng thêm bộ máy nhân sự; nông dân không phải vay nóng, không mất công đi lại nhiều lần, dồn sức tập trung lo sản xuất. Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn thực hiện khá tốt mô hình trên.

Một số viện, trường cũng đã “xắn tay áo” hỗ trợ DN, nông dân. Như tại Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp với các công ty, trung tâm khuyến nông ký hợp đồng sản xuất lúa sạch với nông dân.

Công ty Bông VN được xem là mô hình tương đối hoàn chỉnh trong việc kết hợp “bốn nhà”: Viện Nghiên cứu Nha Hố chuyên nghiên cứu các giống mới năng suất cao, kháng bệnh và qui trình kỹ thuật; đội ngũ khuyến nông giỏi đủ sức đồng hành cùng các hộ nông dân triển khai sản xuất; DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài cho nông dân và đứng ra chế biến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phối hợp với ngân hàng địa phương giúp nông dân vay vốn.

Sẽ thúc đẩy ra đời các HTX

PGS.TS Vũ Trọng Khải - hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý NN&PTNT2 kiêm giám đốc Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ quản lý - cho rằng chỉ có DN mới thực hiện được việc xây dựng thương hiệu, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản VN; tức tạo dựng thương hiệu của nông sản VN trên thị trường thông qua các thương hiệu của DN chế biến, tiêu thụ nông sản. Còn các hộ nông dân riêng lẻ dù có muốn cũng khó mà làm được!

Tiến sĩ Phạm Văn Biên - viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam - nói thực tế sẽ thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp kiểu mới bởi “DN không thể ký hợp đồng riêng lẻ với từng nông dân mà phải qua HTX”.

Và theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, điều này sẽ chia đều rủi ro cho cả nông dân và DN, chứ không chỉ một mình nông dân gánh chịu như lâu nay.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khắc phục cho được tập quán sản xuất “mạnh ai nấy làm” hoặc “ăn xổi” của cả DN và nông dân.

Bằng cách nào? Ông Nguyễn Phượng Vỹ - vụ trưởng Vụ Chính sách NN&PTNT kiêm viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) - cho rằng: “Hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa DN với nông dân là hợp đồng kinh tế. Vì vậy, việc tổ chức và thực hiện xử lý vi phạm kinh tế phải trên cơ sở luật pháp mới bền vững”.

Từ lập luận này, ông Vỹ cho rằng cần sửa đổi, bổ sung khung pháp lệnh về hợp đồng kinh tế (ban hành từ năm 1992) để làm căn cứ pháp lý xử lý những vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các bên. Ban hành sớm các bộ tiêu chuẩn chất lượng nông sản nhằm tạo điều kiện cho các bên tham gia hợp đồng xác định nhanh chóng và đúng chất lượng sản phẩm khi giao nhận, giảm tình trạng thắc mắc, kiện cáo.

ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên