16/09/2003 10:17 GMT+7

Tính nhân văn đằng sau một tên gọi

longhp
longhp

Đó là dùng cụm từ “trẻ đường phố” thay cho cụm từ “trẻ lang thang” đang được dùng phổ biến ở nước ta hiện nay. Cụm từ này chỉ các cháu bé đang trong tuổi ăn, tuổi học với sự nâng niu chăm sóc của gia đình, vì một hoàn cảnh éo le nào đó hiện đang phải kiếm sống trên đường phố.

1A40fBei.jpgPhóng to
Đó là dùng cụm từ “trẻ đường phố” thay cho cụm từ “trẻ lang thang” đang được dùng phổ biến ở nước ta hiện nay. Cụm từ này chỉ các cháu bé đang trong tuổi ăn, tuổi học với sự nâng niu chăm sóc của gia đình, vì một hoàn cảnh éo le nào đó hiện đang phải kiếm sống trên đường phố.

Thật ra từ rất lâu, cách gọi “trẻ đường phố” đã được sử dụng quen thuộc trong đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở ta, cũng đã có những công trình nghiên cứu về đề tài này được công bố. Ở đó, tuyệt đối không còn sử dụng cụm từ “trẻ lang thang” nữa.

Điều này không phải là ngẫu nhiên. Đằng sau tên gọi đó là những tấm lòng, là cách nhìn nhận về những thân phận bé bỏng dễ bị tổn thương đã sớm phải gánh chịu cuộc sống “lang thang” trên đường phố, không nhà cửa, xa gia đình.

Cách gọi “trẻ đường phố” mà không gọi là “trẻ lang thang” chính là nhằm biểu thị sự cảm thông với các cháu bé đang phải chịu đựng số phận “lang thang” đó. Đồng thời đó cũng là cách làm giảm bớt đi, nếu chưa gạt bỏ được hẳn, sự ứng xử phũ phàng, cách nhìn nhận miệt thị đối với những thân phận đáng thương cần được sự cảm thông giúp đỡ.

Chính vì chưa có cách nhìn nhận đúng về đối tượng trong “sự giao lưu” giữa những người thực hành nhiệm vụ “thu gom” theo chỉ thị của UBND tỉnh, dẫn đến ứng xử thô bạo đối với hai cháu học sinh ở Nha Trang bị khép nhầm tội “lang thang”, bị bắt giữ và “cách ly khỏi xã hội” gần ba ngày hai đêm mà Tuổi Trẻ ngày 8-9-2003 đã đưa tin!

Ấy vậy mà lại có cả một “Chương trình thu gom trẻ lang thang” (báo Lao Động ngày 13-9-2003) chứ đâu phải chỉ là chuyện vài cái đầu nôn nóng ở một tỉnh hay là những bàn tay thô bạo ở một phường! Trời đất! Không còn từ nào hay hơn từ “thu gom” sao?

Tôi tưởng chỉ thu gom trái cây, thu gom hải sản, thu gom khoai sắn… chứ con người cũng “thu gom” sao? Các cháu bé, cho dù chúng phạm tội “lang thang” làm mất mỹ quan thành phố đang cần thu hút khách du lịch, đang chào đón SEA Games... nhưng các cháu cũng là những con người, là đối tượng của Bộ luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em đấy thôi, đâu phải củ khoai, củ sắn... mà “thu gom”! Sao không là “tập hợp”, là “thu hút”, là “qui tụ”…?

Qui tụ các cháu lại một chỗ để rồi tùy theo hoàn cảnh riêng, đặc điểm riêng của các cháu mà có cách giải quyết thích hợp cũng là điều cần làm. Nhưng dù cách gì thì điều cần nhất vẫn là có sự nhìn nhận thật thấu đáo và thấm đượm nhân tình về một đối tượng nhạy cảm đang bị tổn thương này.

Không chỉ là sự nhìn nhận của người quản lý đô thị có cả một bộ máy “thu gom”, mà là sự nhìn nhận của toàn xã hội vốn có thừa lòng thương đối với các cháu có một tuổi trẻ bất hạnh, phải lang thang kiếm sống, trong chúng chắc cũng sẽ có những bóng dáng của Ga-vơ-rốt VN.

Có trái tim nhân hậu dành cho các cháu, khắc có những giải pháp đượm tính nhân văn để thực thi một chủ trương nhằm hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

GS TƯƠNG LAI

longhp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên