09/10/2003 06:00 GMT+7

Một cuộc "cách mạng" về dạy nghề đã được đặt ra!

THANH HÀ
THANH HÀ

TT (Hà Nội) - Đã đến lúc thủ tiêu mô hình đào tạo trung học chuyên nghiệp (THCN)? Có nên đặt bậc đào tạo cao đẳng vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN)? Dạy nghề (DN) có nên để Bộ Lao động - thương binh & xã hội quản lý hay cần phải tìm một hình thức quản lý nhà nước phù hợp hơn?... Những vấn đề khá “nóng” và vốn được coi là “nhạy cảm” trên lần đầu tiên đã được các đại biểu thảo luận hết sức sôi nổi tại cuộc hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 8-10.

utFL25Jm.jpgPhóng to
Nghề hàn khóa 2002 của Trường trung học Công nghiệp TP.HCM hiện chỉ còn 11/23 HS theo học
TT (Hà Nội) - Đã đến lúc thủ tiêu mô hình đào tạo trung học chuyên nghiệp (THCN)? Có nên đặt bậc đào tạo cao đẳng vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN)? Dạy nghề (DN) có nên để Bộ Lao động - thương binh & xã hội quản lý hay cần phải tìm một hình thức quản lý nhà nước phù hợp hơn?... Những vấn đề khá “nóng” và vốn được coi là “nhạy cảm” trên lần đầu tiên đã được các đại biểu thảo luận hết sức sôi nổi tại cuộc hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp - thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội ngày 8-10.

“Quả bóng” dạy nghề lại về chân Bộ GD-ĐT?

GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, người đã có hơn 30 năm gắn bó với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - thẳng thắn nhận định:

“Về mặt quản lý, bất hợp lý lớn nhất chính là việc bốn năm trước đây, dạy nghề được giao về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Từ quyết định này, khiến quản lý GDNN đứng trước nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đào tạo.

Cùng trong hệ thống GDNN nhưng THCN do Bộ GD-ĐT quản lý, dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Ở cấp trường, hầu hết các trường THCN hiện nay do yêu cầu của xã hội đều đang đào tạo đa hệ từ dạy nghề ngắn hạn trở lên nên họ phải chịu sự quản lý của cả hai bộ với những chủ trương chính sách được ban hành khác nhau, và vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý qui trình đào tạo. Trong khi đó, Tổng cục Dạy nghề lại đang chuẩn bị cho ra đời trường đào tạo nghề trình độ cao đến CĐ - cấp trình độ do Bộ GD-ĐT quản lý".

GS Đường cũng phân tích: trong giai đoạn hiện nay, để cạnh tranh và hội nhập ngày càng cần đội quân “công nhân áo trắng” được đào tạo với trình độ cao, nhưng với cơ cấu chia cắt của hệ thống GDNN như hiện tại, chủ trương này sẽ gặp trở ngại lớn vì ai sẽ là người thực hiện loại hình dạy nghề bậc cao khi dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn CĐ lại thuộc Bộ GD-ĐT?

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 đã đề ra chủ trương quan trọng là “GDNN liên thông với các trình độ đào tạo khác”, nhưng làm sao có thể xây dựng và thực hiện được các chương trình liên thông giữa các cấp bậc trình độ đào tạo khi các bậc học đó đang bị một hàng rào ngăn cách gây nên bởi các cơ quan quản lý.

Và GS.TSKH Nguyễn Minh Đường kiến nghị phải nhanh chóng sáp nhập Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Dạy nghề thành một đơn vị với hai phương án quản lý: một là thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Chính phủ, hai là trực thuộc Bộ GD-ĐT với lý do nó là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện liên thông các cấp bậc trình độ đào tạo cũng như phân luồng hệ thống giáo dục.

Phương án thứ hai, đưa dạy nghề về cho Bộ GD-ĐT quản lý, được đông đảo đại biểu có mặt tại hội thảo ủng hộ. Ông Nguyễn Đình Cường, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Hà Nội), khẳng định: “Đó cũng là nguyện vọng của phần lớn các trường dạy nghề, các cơ sở đào tạo có tham gia dạy nghề”.

“Khai tử” bậc THCN?

pawpdYgN.jpgPhóng to
Học sinh học nghề tiện Trường trung học Công nghiệp TP.HCM - một trong những nghề rất ít HS theo học
GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng xu hướng của THCN sẽ “teo” dần đi tiến tới không còn bậc đào tạo này nữa. Nguyên nhân, ông Hải cho rằng là do bản thân bậc đào tạo này không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội. Việc HS sau khi đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tiếp hai năm cũng chỉ nhận một tấm bằng trung học khác là không hợp lý.

Về điểm này, ông Nguyễn Đại Thành, vụ trưởng vụ Giáo dục nghề nghiệp Bộ GD-ĐT cũng nhận xét “Theo thiết kế trước đây (năm 1993) bậc THCN phải nhận HS có đầu vào tốt nghiệp THCS, nhưng những năm gần đây thiết kế này không còn phù hợp do không phân luồng được HS tốt nghiệp THCS... Với hơn 95% HS tốt nghiệp THPT học trong các trường THCN đã làm cho tên gọi “trung học chuyên nghiệp” chỉ mang tính mặc định trong khi nội dung đào tạo của các trường này đã thay đổi”.

Ông Thành cho biết việc công nhận trình độ cho người học trong các trường THCN hiện nay gây thiệt thòi cho người học, đặc biệt là khi tuyển chọn vào học ĐH hoặc công nhận trình độ và trao đổi đi học tập, lao động ở nước ngoài.

Chính vì lẽ đó, ông Vũ Ngọc Hải khẳng định cần phải “khai tử” bậc THCN, nhưng “khai tử” theo một hướng tích cực để mang thêm sinh lực cho GDNN, không nên để THCN “sống lắt lẻo”.

Đối với các trường THCN hiện có sẽ giải quyết như thế nào GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đề xuất: nên để cho các trường THCN một khoảng thời gian ba năm để chuẩn bị nhân lực, đội ngũ, nếu phấn đấu đạt được các tiêu chí nhất định thì sẽ thành các trường CĐ công nghệ; còn nếu không thể đạt thì chuyển thành các trường dạy nghề.

Trên thực tế, hiện nay những trường THCN yếu đã khó tuyển sinh, dạy nghề còn nhiều hơn đào tạo bậc THCN. GS Vũ Văn Tảo trình bày: “Việc thủ tiêu THCN là hợp cả tâm lý xã hội, cả về mặt lý luận. Về mặt tâm lý hiện nay vào THCN chỉ vì hai lý do, đối với người tốt nghiệp THCS là do không có chỗ học tiếp lên, đối với người tốt nghiệp THPT là do bần cùng bất đắc dĩ vì trượt ĐH, CĐ. Sau bậc THPT chỉ nên coi là giáo dục sau trung học với công thức chung 12+n (n là số năm tùy vào từng bậc đào tạo)”.

Có thể nói, một cuộc cách mạng về hệ thống GDNN đã được đặt ra tại hội thảo này, khi bên cạnh những ý kiến đề nghị xóa tên bậc THCN thì vấn đề đặt bậc CĐ vào GDNN cũng được đặt ra và nhận được nhiều ý kiến đồng tình, tuy vẫn còn tranh luận xung quanh tên gọi, phân loại các trường.

GS.TS Võ Tòng Xuân cũng ủng hộ: “Nên để CĐ về GDNN, trong đó xây dựng nhiều trường CĐ cộng đồng đào tạo được nhiều nghề, nhiều trình độ”.

Trước một vài ý kiến lo ngại về khoảng trống do THCN để lại, GS Đường, GS Tảo cho rằng sự đa dạng hóa, mềm dẻo trong thời gian đào tạo, loại hình đào tạo của dạy nghề và CĐ hoàn toàn đáp ứng được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Khánh Đức (Viện Chiến lược và chương trình giáo dục) cho rằng khi chuyển CĐ sang GDNN, các trường CĐ cần có ba loại trường: một số trường CĐ vẫn có tính hàn lâm dành cho một số lĩnh vực đặc biệt, còn lại chiếm đa số là các trường CĐ công nghệ (dạy nghề bậc cao) và các trường CĐ cộng đồng (đào tạo mọi trình độ, kể từ ngắn hạn, cấp chứng chỉ, đáp ứng mọi nhu cầu học tập tại chỗ).

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên