27/09/2003 18:00 GMT+7

Thứ sót lại từ chiến tranh

TRẦN HOÀI
TRẦN HOÀI

TTCN - Sau lưng là Trường Sơn, ba mặt xung quanh là sông A Sáp bao bọc, đội sản xuất 4 (Đoàn kinh tế - quốc phòng 92, Quân khu 4) như một ốc đảo biệt lập. Trong đội có một gia đình trẻ - vợ chồng chuẩn úy Thế Tài và cô giáo Thanh Hương đã có một chú bé bốn tháng tuổi ra đời trên vùng đất được gọi là "điểm nóng dioxin" này.

uF75LTfu.jpgPhóng to
TTCN - Sau lưng là Trường Sơn, ba mặt xung quanh là sông A Sáp bao bọc, đội sản xuất 4 (Đoàn kinh tế - quốc phòng 92, Quân khu 4) như một ốc đảo biệt lập. Trong đội có một gia đình trẻ - vợ chồng chuẩn úy Thế Tài và cô giáo Thanh Hương đã có một chú bé bốn tháng tuổi ra đời trên vùng đất được gọi là "điểm nóng dioxin" này.

Trên bàn làm việc của thiếu tá đội trưởng Nguyễn Kim Chất có một vật dụng đặc biệt: cái chặn giấy làm bằng một khối kim loại sơn màu xanh lá cây, nước sơn còn rất tốt. Nó chính là một chi tiết được tháo ra từ "cây nhiệt đới" - một thiết bị kỹ thuật điện tử mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược VN để trinh sát, phát hiện và chỉ điểm cho máy bay, phi pháo địch tìm diệt lực lượng ta. Đã mấy chục năm dãi dầu nắng gió Trường Sơn nhưng nó vẫn như còn mới...

Tôi theo chân người đội trưởng đã có mấy chục năm quân ngũ ấy vào rừng sâu Trường Sơn. Nhờ những dấu tích còn sót lại chúng tôi biết rằng nơi đây vốn là trạm phẫu tiền phương của một binh trạm trên đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh.

Trên những gốc cây cổ thụ vẫn nhìn thấy nhiều tuyến đường dây điện thoại, và đây đó dưới chân chúng tôi là vết tích những công sự chiến đấu, những chiếc hầm chữ A, hầm thương binh... Cứ ngỡ như mới hôm qua đây thôi đã có một đơn vị giải phóng quân vừa mới chuyển đi, hành quân tiếp vào mặt trận. Và dưới căn hầm rộng rãi có hai ngách dẫn ra giao thông hào kia như mới diễn ra cuộc họp của những người chỉ huy quân giải phóng. Rồi những hố bom... Hố bom B52 rải thảm, hố pháo 105 li cày xới... mà cỏ cây Trường Sơn đã mọc lên xanh rì, che khuất.

Năm kia, nhân dân xã Hương Phong (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã tổ chức lên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để thu dây điện, dây cáp, ống dẫn xăng dầu và các vật liệu khác còn sót lại từ chiến tranh mang về xây dựng một chiếc cầu treo nhỏ vượt qua sông A Sáp.

Có chiếc cầu, mùa mưa nước lũ dâng cao nhưng đồng bào hai bên sông vẫn giao lưu, đi lại bình thường, không còn cảnh phải trồng hai cột cao hai bên bờ sông, căng một dây thép ngang qua rồi buộc thư từ, thực phẩm... cho người ở bên kia kéo sang trong suốt mùa mưa như trước nữa. Thế nhưng cũng chỉ được ba mùa lũ, đến cơn lũ lịch sử năm 1999 cầu bị cuốn trôi. Rồi thay cho chiếc cầu là một chiếc "phà" tự chế của anh em bộ đội đoàn 92, được làm từ bốn chiếc thùng phuy sắt đựng xăng máy bay nhặt trong sân bay A Sho cũ.

Ngồi trên chiếc phà tự chế, chông chênh vượt qua sông dữ, tôi thầm nghĩ những đồ vật sót lại từ cuộc chiến tranh đã qua được tận dụng lại đã phục vụ rất tốt cho cuộc sống hôm nay. Và tôi thử tính con số hàng nghìn tỉ đôla Mỹ được ném vào cuộc chiến tranh VN để sản xuất bom đạn, súng ống, chất độc hóa học… sẽ làm được bao nhiêu chiếc phà, bao nhiêu chiếc cầu và bao nhiêu cuốn sách cho con trẻ đến trường.

Ở xã A Đớt sát biên giới Việt - Lào, mới đây có một nhóm người tìm đến để xác minh một phi công Mỹ bị ta bắn rơi năm 1968. Bằng các thứ máy móc chuyên dùng hiện đại họ đã tìm kiếm, xác định được đúng địa điểm máy bay rơi, đúng tông tích, lai lịch người phi công Mỹ.

Trong đám trẻ con A Đớt tò mò đến xem họ làm việc, có những đứa bố mẹ của chúng đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ khác ở A Đớt, A Lưới đã không được làm một con người trọn vẹn vì thứ chất độc ác nghiệt mà có lẽ người phi công Mỹ kia đã gieo rắc xuống đất này trong chiến tranh.

TRẦN HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên