24/09/2003 11:54 GMT+7

Kiếm tìm người tuyết

THÀNH DANH (tổng hợp)
THÀNH DANH (tổng hợp)

TT - Trong hai ngày 14 và 15-9, 220 người từ 22 nước trong đó có Canada, Bỉ, Scotland, Anh, Nga... đã tập trung tại một vùng núi xa xôi ở bắc California (nơi họ tin người tuyết từng hiện diện) để xem xét những bằng chứng ủng hộ giả thiết về sự tồn tại của người tuyết hay còn được gọi là “Bigfoot”, “Sasquatch”, “Yeti”.

jZcWxnNh.jpgPhóng to

Người tuyết đã đi vào cả nghệ thuật... Đây là một minh họa người tuyết của họa sĩ J. Greenwood

TT - Trong hai ngày 14 và 15-9, 220 người từ 22 nước trong đó có Canada, Bỉ, Scotland, Anh, Nga... đã tập trung tại một vùng núi xa xôi ở bắc California (nơi họ tin người tuyết từng hiện diện) để xem xét những bằng chứng ủng hộ giả thiết về sự tồn tại của người tuyết hay còn được gọi là “Bigfoot”, “Sasquatch”, “Yeti”.

Thị trấn Willow Creek ở một vùng hẻo lánh của thung lũng Trinity trở nên rộn rịp bởi sự hiện diện của hơn 200 con người hiếu kỳ khắp thế giới nhằm làm sáng tỏ mối hoài nghi về sự hiện hữu của một sinh vật khổng lồ có hình dáng giống người, mình đầy lông lá được loài người biết dưới những cái tên khác nhau là “Bigfoot” (quái vật chân to), “Sasquatch” (theo cách gọi của vùng tây bắc Mỹ và Canada) hay “Yeti” (theo cách gọi tại vùng Tây Tạng và Himalaya, có nghĩa là “tạo vật thần bí”).

Cuộc họp thảo luận những đặc điểm cơ thể và hành vi của sinh vật này, phân tích chi tiết về nó qua những hình ảnh từ một bộ phim về người tuyết. Rudy Breuning, một trong những thành viên của cuộc họp, cho biết mục tiêu của cuộc họp này là “nhằm thay đổi cách nhìn về người tuyết, từ quái vật thành một hiện tượng học thuật”.

Quanh một đoạn phim

Ngày 27-9 tới, Hội Người tuyết Pennsylvania lại tổ chức hội nghị hằng năm tại Jeannette để giới thiệu các bằng chứng mới từ Pennsylvania, Ohio, Tennessee, Virginia và Maine.

Cuộc thảo luận tại hội nghị xoay quanh đoạn phim quay năm 1967 của Roger Patterson và Bob Gimlin (Mỹ), cho thấy một linh trưởng thấp thoáng trong cánh rừng thuộc thung lũng Trinity, cách nơi diễn ra hội nghị khoảng 56km. Những người chỉ trích bảo đoạn phim là dàn dựng nhưng các nhà nghiên cứu lại nói đó là bằng chứng then chốt nhất.

Một cư dân lâu đời của Willow Creek, ông Al Hodgson, cho biết ngay sau khi được xem đoạn phim: “Tôi thật tình không nghĩ đó là trò lừa đảo. Đoạn phim được thực hiện 37 năm trước, khi chưa có những kỹ thuật tạo hiệu ứng đặc biệt như bây giờ. Tôi không nghĩ là một người trong bộ quần áo bắt chước người tuyết có thể làm những động tác như ta thấy trong phim”.

Một đạo diễn của kênh truyền hình Discovery cũng đã sử dụng kiến thức nghề nghiệp để chứng minh đoạn phim trên không phải là trò lừa đảo. Ông cho biết những phân tích kỹ thuật số cho thấy không thể làm giả đoạn phim trên.

Dimitri Bayanov, một nhà nghiên cứu linh trưởng tại Viện Darwin của Nga, nói: “Ở Nga, chúng tôi tin vào sự hiện hữu của Bigfoot từ năm 1973, sau khi hoàn tất phân tích chi tiết đoạn phim của Patterson - Gimlin”.

Ông đơn cử một con số: các nhà nghiên cứu đã kết luận được rằng khoảng 2.000 Sasquatch hiện đang sống trong những cánh rừng ở tây bắc Thái Bình Dương. Theo Bayanov, những khái niệm đầu tiên về người tuyết có thể tìm thấy trong tư liệu thời cổ đại, thậm chí cả trong Kinh thánh.

ncAy3pRc.jpgPhóng to

Hình ảnh Bigfoot được ghi nhận tại Mỹ

Ngoài đoạn phim, hội nghị còn giới thiệu nhà điều tra hình sự và chuyên gia dấu tay Jimmy Chilcutt của Sở Cảnh sát Monroe (Texas). Chilcutt, hiện đang nghiên cứu các mẫu đúc nhựa từ những dấu vết được cho là của Sasquatch, cho biết dấu chân người tuyết hoàn toàn không giống của con người hay bất cứ loài khỉ nào từng được biết.

Hơn thế, có dấu chân người tuyết còn thể hiện cả vết sẹo ở đầu ngón, hệt như những vết sẹo tay, chân thường thấy ở người. Chilcutt khẳng định: “Khó mà bắt chước được như thế, dẫu cho rằng người ta biết những vết sẹo sẽ làm cho vân tay biến đổi thế nào”.

Những bằng chứng khác

Cũng giống như nhiều hiện tượng chưa giải thích được trên thế giới, ngày càng có nhiều thông tin từ nhiều nơi về việc “bắt gặp người tuyết”. Trường hợp gần đây nhất được ghi nhận tại Ohio ngày 15-8. Theo tờ The Vindicator, một phụ nữ ở thị trấn nhỏ Derry (Pennsylvania) trong khi đang hái rau ngoài vườn đã phát hiện một sinh vật kềnh càng, mình đầy lông lá, đang nhìn bà. Sinh vật này cao khoảng 2,40m, vai to và đứng cách bà hơn 20m.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân thị trấn Derry trông thấy Bigfoot. Một buổi chiều tháng 4-2003, ba người đi dạo (cách nhà người phụ nữ hái rau khoảng 8km) đã phát hiện một sinh vật giống người mình đầy lông lá đi về phía họ. Nó đột ngột dừng lại khi phát hiện nhóm này lúc còn cách họ chừng 150m, rồi vội quay đi bằng “những sải chân lớn”.

Một nhóm nghiên cứu liền được gửi tới nơi nhưng không tìm thấy dấu vết nào đặc biệt. Chỉ riêng ở Pennsylvania đã có khoảng 20 trường hợp thấy Bigfoot trong năm qua. Tại những vùng khác trong bang người dân còn nghe thấy những tiếng gầm thét lớn như của loài cầm thú ở khu rừng phía sau nhà...

Tại hội nghị, người ta có thể nghe vô số câu chuyện như thế, từ những truyền thuyết về “người nhiều lông lá” (hairy man) cổ xưa, ẩn hiện trên phạm vi rộng từ Trung Quốc, Nepal, tới Đức rồi Canada, Mỹ... cho tới lần gặp cuối cùng tại Ohio nêu trên.

Một huyền thoại?

Y1zadftF.jpgPhóng to
Một dấu chân được cho là của Bigfoot
Ngày 17-8-2003, những nhà thám hiểm Nhật trang bị 17 camera có cảm biến hồng ngoại (để phát hiện nhanh thân nhiệt của một cơ thể sống nào đó) đã lên đường đi săn tìm người tuyết trong dãy Himalaya ở Nepal. Cuộc hành trình dự kiến kéo dài 40 ngày này là lần thám hiểm thứ hai của trưởng nhóm, nhà động vật học Yoshiteru Takahashi.

Trong chuyến đi tìm kiếm đầu tiên năm 1964, Takahashi kể ông đã phát hiện mùi thú rất mạnh và những dấu vết giống như dấu chân của một đứa trẻ trong một hang núi ở độ cao 4.600m trên Dhaulagiri, ngọn núi cao thứ bảy của thế giới. Tuy nhiên ông đã không ghi lại được hình ảnh nào vì không sẵn thiết bị trong tay...

Một người Nhật khác - nhà leo núi Makoto Nebuka, người từng dành 12 năm tìm hiểu về người tuyết - đã cương quyết khẳng định: không có người tuyết! Nebuka đã quả quyết như thế tại cuộc họp báo tuần trước ở Tokyo để giới thiệu quyển sách tổng kết những gì ông tìm kiếm.

Ngoài những tấm ảnh độc đáo sưu tầm được, Nebuka còn nghiên cứu cả khía cạnh ngôn ngữ của “huyền thoại”. Các cuộc phỏng vấn cư dân Nepal, Tây Tạng và Bhutan cho thấy cái tên “Yeti” chính là nói trại ra từ chữ “meti”, có nghĩa là “con gấu” theo thổ ngữ địa phương.

Và huyền thoại đã trở thành sự thật vì những dòng tộc Tây Tạng cho rằng loài gấu là sinh vật đáng sợ và mạnh mẽ với những sức mạnh siêu nhiên. Các khái niệm này trùng hợp với hình dung của người châu Âu về người tuyết, theo Nebuka.

Để chứng minh luận điểm của mình, Nebuka giới thiệu những tấm ảnh “Yeti” - con gấu mà đầu và chân của nó còn được một người dẫn đường Tây Tạng gìn giữ như một loại bùa. Thế còn đoàn thám hiểm đồng hương của ông đang tìm kiếm Yeti trên Himalaya? Nebuka cười: “Cứ để họ tìm. Những gì họ có thể tìm được sẽ không là gì hơn ngoài những dấu vết của một con gấu nâu!”.

THÀNH DANH (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên