29/09/2003 07:14 GMT+7

"Hung thần" cào bay

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT (Kiên Giang) - Thời gian gần đây trên vùng biển Tây Nam đột ngột xuất hiện một loại phương tiện khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt ngư trường, mà ngư dân trong vùng gọi chúng là những “hung thần” trên biển, đó là cào bay.

5BxWaH3g.jpgPhóng to

Những dàn lưới cào bay đang được chuẩn bị để ra biển

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền tỉnh Kiên Giang, những “hung thần”này ngang nhiên cày xéo, quần đảo trên biển gây bao nỗi kinh hoàng cho ngư dân.

Ngư dân điêu đứng vì... cào bay

Ngư dân Nguyễn Văn Mùi - ngụ ấp Hòn Ngang, xã đảo An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang - tức tưởi kể: “Tui vừa sắm dàn lưới ghẹ hết gần 10 triệu đồng, mới đi được hai chuyến biển, chưa lấy được vốn thì bị tụi “cào bay” phá mất. Hôm đó khoảng 19g tàu tui vừa thả mẻ lưới xong thì bất ngờ có hai “hung thần” trờ tới, tui cố sức khoát tay ra hiệu cho chúng tránh nhưng không kịp, gần phân nửa mẻ lưới bị chúng kéo mất toi...”.

Không thể thống kê hết mỗi đêm trên vùng biển này có bao nhiêu dàn lưới của ngư dân bị những “hung thần” cuốn mất, nhưng chắc chắn rất nhiều. Những “hung thần” này hoạt động rất tinh vi, thường khi trời chập choạng tối họ mới bắt đầu bỏ cào hoạt động, điều rất đáng sợ là mỗi lần xuất quân họ không mở đèn nên ngư dân không biết đường nào mà tránh.

Nhiều ngư dân cho biết do đã biết được qui luật này nên các tàu công suất nhỏ hành nghề lưới ghẹ, lưới thưng đã tìm giải pháp an toàn là tránh chúng bằng cách cuốn lưới lên trước giờ “hung thần” xuất hiện. Thế nhưng vì miếng cơm manh áo, cố kéo dài thêm thời gian bủa mẻ lưới nên đã có không ít trường hợp phải trả giá vì bị những “hung thần” phá nát hoặc kéo mất lưới.

Đã có hàng loạt vụ khẩu chiến, xô xát xảy ra giữa ngư dân hành nghề lưới ghẹ, lưới thưng với các “hung thần” cào bay, hàng chục lá đơn kêu cứu của bà con ngư dân gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang nhưng đều vô vọng.

Lý do đơn giản mà cơ quan chức năng đưa ra là: cào bay cũng là nghề lưới kéo cá, tôm - nghề mà Bộ Thủy sản VN không cấm. Đầu tháng 8-2003 đã có một cuộc đình công xảy ra, gần 20 ngư dân xã Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc đồng loạt kéo lên trụ sở UBND xã cầu cứu, yêu cầu chính quyền can thiệp xử lý những “hung thần” cào bay, nhưng chính quyền xã, huyện đều bối rối không xử lý được vì Nhà nước chưa có chủ trương cấm cào bay.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều ngư dân có thâm niên hàng chục năm gắn bó với vùng biển Kiên Giang bức xúc: “Nếu Nhà nước không sớm can thiệp thì chắc chắn không lâu nữa vùng biển Tây Nam không còn con gì để bắt”.

Theo ngư dân, loại lưới cào bay ở trên bờ thì trông mắt lưới thưa, nhưng khi xuống nước nó xếp “teo” lại, trở thành như cái vợt, thế nên hầu như tất cả các loại hải sản lớn, bé từ cá cơm để làm nước mắm đến các loài động vật biển quí hiếm đều đang có nguy cơ bị cào bay làm tuyệt chủng.

Cào bay: không dễ xử lý

wyyBFKD3.jpgPhóng to

Một “hung thần” cào bay đang bị bắt giữ trên biển Kiên Giang

Đưa những bức xúc này trao đổi với lãnh đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang, ông Đỗ Thành Măng - phó chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Kiên Giang - cho biết tình trạng cào bay phát triển mạnh và đang gây nỗi bức xúc cho ngư dân Kiên Giang là có thật. Các chủ tàu cào bay hầu hết là ngư dân trong tỉnh Kiên Giang.

Ngành biết điều này và từ nhiều tháng nay đã tăng cường tuần tra tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong số đó có đến trên 80% đối tượng vi phạm là các phương tiện hành nghề cào bay.

Tuy nhiên, do đây là loại nghề lưới kéo mà Bộ Thủy sản không cấm khai thác nên Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang chỉ kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản (vi phạm vùng cấm khai thác và qui định mắt lưới), khung phạt tối đa cho hai lỗi vi phạm trên chỉ ở mức 5 triệu đồng/trường hợp chứ không thể xử lý gì khác hơn.

Thế nên dù bị kiểm ngư xử phạt rồi, song những người hành nghề cào bay luôn sẵn sàng nộp phạt ngay trên biển vì mức phạt trên không ăn nhằm gì, chỉ một vài mẻ cào là đã dư sức lấy lại được tiền nộp phạt.

Một cán bộ có thâm niên trong ngành thủy sản Kiên Giang cho rằng để giải quyết nạn cào bay, cứu lấy ngư trường biển Tây Nam, chính quyền không chỉ xử phạt hành chính nặng mà còn phải tịch thu tang vật, vì hiện mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe. Về lâu dài, cần khoanh vùng, xây dựng các khu bảo tồn biển (bãi đẻ) cho các loài hải sản.

Khát vọng khai thác hải sản để làm giàu của ngư dân sẽ khó có cơ may thành hiện thực khi ngư trường đang ngày đêm bị vắt kiệt như hiện nay. Ngư dân Kiên Giang đang rất cần sự vào cuộc của các cấp thẩm quyền nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi ngư trường.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên