Mỹ và cuộc đảo chính Diệm Nhu: Thực hư về ý định trung lập của Nhu

HỮU NGHỊ 28/09/2003 05:09 GMT+7

TTCN - Câu hỏi chính vẫn là: Nhu có chỗ và chỗ gì trong ván cờ trung lập đó? Qua đối đáp của đại sứ Pháp Alphand, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Nhu đã bước vào con đường này, nhất là khi đó tướng De Gaulle mới chỉ hô hào trung lập chung chung mà thôi.

Kỳ 7

Phóng to
Ngô Đình Nhu trong tầm ngắm của Mỹ
TTCN - Câu hỏi chính vẫn là: Nhu có chỗ và chỗ gì trong ván cờ trung lập đó? Qua đối đáp của đại sứ Pháp Alphand, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Nhu đã bước vào con đường này, nhất là khi đó tướng De Gaulle mới chỉ hô hào trung lập chung chung mà thôi.

Các nỗ lực kiểm tra Nhu được Mỹ ráo riết tung ra. Lúc 21g tối 31-8-1963, đại sứ Lodge đánh về Bộ Ngoại giao (BNG) bức điện sau: “Tôi được thông báo bởi một nguồn tin rất đáng tin cậy rằng đại sứ Pháp Lalouette đã gặp Nhu hôm 20-8 trong suốt bốn giờ.

Hôm thứ sáu, tức hôm tôi gặp Lalouette (30-8-1963), Lalouette đãi cơm trưa khâm sứ tòa thánh và đại sứ Ý cùng đại sứ Úc. Sau khi đại sứ Úc rời bữa tiệc, Lalouette nói: "Chúng ta phải cứu nhà Ngô", dường như nhà Ngô chính là mối quan tâm hàng đầu” (FRUS, volume IV, 34).

Bức điện trên của Lodge cho thấy đã có những tiếp xúc của đại sứ Pháp với Nhu. Có thể phân tích nội dung báo cáo trên của Lodge như sau:

1- Lodge không trực tiếp có mặt trong bữa tiệc tay tư khâm sứ tòa thánh + đại sứ Ý + đại sứ Úc ở tư dinh đại sứ Pháp, nên chỉ có thể nhận được tin tức về cuộc gặp kéo dài bốn giờ giữa Nhu và đại sứ Pháp qua lời kể của một trong những khách mời của đại sứ Pháp. Loại trừ dần, sau khi đại sứ Úc ra về, chỉ còn đại sứ Ý và khâm sứ tòa thánh là có khả năng thuật lại cho Lodge nghe về mục đích của bữa ăn trưa đó: làm gì để cứu nhà Ngô?

Nếu so với bức điện ngày 31-8-1963 của Lodge gửi BNG với nội dung “bà Nhu cần rời khỏi đất nước. Tổng giám mục Thục cần ra khỏi đất nước”, và với bức điện trả lời của BNG cùng ngày: “Đại sứ có nghĩ rằng việc chúng ta yêu cầu Vatican gọi tổng giám mục Thục qua La Mã để tham khảo lâu dài là hữu ích?”, có thể giả đoán rằng ý muốn “cứu nhà Ngô” của đại sứ Pháp đã được bắt đầu bằng việc tống khứ hai đối tượng gây căm phẫn nhất lúc đó là bà Nhu và tổng giám mục Thục ra khỏi nước. Và ý muốn này của đại sứ Pháp đã vọng đến tai Lodge bởi hoặc khâm sứ tòa thánh hoặc đại sứ Ý - hai vị khách cùng dự bữa tiệc trưa đó.

Từ đó, có thể thấy chuyện tiếp xúc là có, song những tiếp xúc đó là để nói chuyện nhà Ngô thoát thân. Chính Lodge nhấn mạnh là: “Lalouette nói “chúng ta phải cứu nhà Ngô”, dường như nhà Ngô chính là mối quan tâm hàng đầu”, là một dấu chỉ cho thấy mọi móc nối, trong mắt Lodge cùng CIA Mỹ tại Sài Gòn lúc đó, là để nhà Ngô thoát thân, chứ không vì Nhu trung lập.

Đoạn kế tiếp trong bức điện của Lodge cho thấy Lodge không loại trừ khả năng Nhu có thể nghĩ đến những tiếp xúc: "Tôi cũng được giải thích một cách rất đáng tin rằng Nhu đang ở trong một tâm trạng rất chao đảo, nên bất cứ hành động nào của Nhu về phía miền Bắc cũng không phải là không có thể".

Kiểm tra của CIA tại Sài Gòn và kết luận của BNG Mỹ về Nhu

Mỹ ráo riết điều tra về Nhu. Không gì rõ rệt bằng bức điện của trưởng trạm CIA tại Sài Gòn báo cáo nội dung cuộc gặp - làm việc với Nhu hôm 6-9-1963 (FRUS, IV, 69) trong suốt hai giờ:

“7- Về các cuộc thương thuyết với Hà Nội, Nhu bảo rằng đại sứ Ý D’Orlandi và cao ủy Ấn Độ trong Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến Goburdhun có yêu cầu Nhu gặp cao ủy Ba Lan Maneli để dò xem "trong bụng của Maneli có gì". T

rước đó Maneli đã nhiều lần tìm cách tiếp xúc với Nhu song không được tiếp. Lần này, bị D’Orlandi và Goburdhun thuyết phục, Nhu tiếp Maneli cách đây ba ngày. Maneli bảo Nhu nên khai thác các tuyên bố của De Gaulle… để tiếp xúc với Hà Nội. Maneli đề nghị miền Nam có thể bán gạo và bia cho miền Bắc đổi lấy than đá. Maneli cho biết sẽ sẵn sàng phục vụ Nhu bất cứ lúc nào, ngày hoặc đêm.

8- Về vấn đề này, Nhu cho biết đã trả lời Maneli rằng tuyên bố De Gaulle là hay ho thật đấy, song chỉ những ai đang chiến đấu mới có quyền ăn nói và hành động. Nam VN là đồng minh của Hoa Kỳ, cho nên sẽ là vô đạo đức nếu đơn phương khai thác vấn đề này sau lưng người Mỹ. Giao thương với Bắc Việt sẽ nhất định gây tác động bất lợi đến tinh thần chiến đấu và tính trong sáng chính trị của dân miền Nam.

Maneli hỏi Nhu tới đây định làm gì, Nhu cho biết đã trả lời “sẽ tiếp tục xây dựng ấp chiến lược”. Nhu nói với trạm CIA chúng tôi rằng không có kênh liên lạc mật với Hà Nội nhưng có thể liên lạc qua trung gian Goburdhun và Maneli, nếu muốn.

Nhu bảo có một số tiếp xúc trong hàng ngũ VC ở miền Nam và rằng mục đích của Nhu là cùng họ đánh bại miền Bắc. Nhu tuyên bố dứt khoát chống trung lập, cho dù CIA chúng tôi đã không đề cập đến vấn đề này. Theo Nhu, trung lập là hoàn toàn trái với quan điểm và chính sách của chính phủ VN.

Nhu bảo với CIA chúng tôi rằng chính phủ VN này hay chính phủ nào khác cũng sẽ không thể công khai hoặc bí mật thương thuyết với Hà Nội, trừ phi đã thắng cuộc chiến tranh du kích, và (trong trường hợp đó) không phải trên cơ sở thương thuyết mà là trong khuôn khổ một miền Nam hùng mạnh muốn đưa miền Bắc hội nhập với thế giới tự do…”.

Có thể thấy:
1. Vẫn chỉ ở giai đoạn Nhu được “tán tỉnh” tiếp xúc với cao ủy Ba Lan Maneli.
2. Nhu vẫn tin rằng mình còn một lá bài chiến thắng du kích CS mà Mỹ không thể loại bỏ, nên Nhu càng hùng hồn tuyên bố chống trung lập trước mặt trưởng trạm Trên cơ sở báo cáo từ nhiều nguồn, Cơ quan tình báo và nghiên cứu của BNG Mỹ đã đi đến đúc kết chung cuộc về vấn đề này bằng văn bản FRUS, IV, 92, đề ngày 11-9-1963.

V/v Hà Nội, Paris, Sài Gòn và tương lai Nam VN.
“Có nhiều báo cáo với độ tin cậy khác nhau về việc Ngô Đình Nhu thương thuyết với Hà Nội về tương lai Nam VN, có hoặc không có sự đồng lõa của Pháp. Ở thời điểm này, không thể khẳng định chắc chắn một cách trọn vẹn những báo cáo như thế.Song có thể được đánh giá dựa trên tính hợp lý và tính liên quan là: vì nhằm đối phó:

Tuyên bố của tổng thống De Gaulle ngày 29-8 phản ánh lập trường lâu dài của ông ta rằng trung lập ở Đông Nam Á là không thể tránh khỏi và đáng mong muốn. Tuy nhiên, không một từ ngữ nào của ông ta hoặc báo cáo nào về hoạt động ngoại giao của Pháp tại Sài Gòn cho thấy có một ý đồ rõ rệt sắp trung lập đến nơi rồi tại Nam VN.

Dẫu sao, tuyên bố của De Gaulle cùng các báo cáo này cũng đã tạo cơ sở để Ngô Đình Nhu đe dọa, trực tiếp hoặc gián tiếp, rằng các tiếp xúc mật giữa Sài Gòn và Hà Nội có thể được thu xếp trái nghịch với lợi ích của Hoa Kỳ. Mối đe dọa này chỉ là trò bịp nhằm làm cho sức ép của Hoa Kỳ giảm đi nơi Nhu”.

Hai tuần sau tuyên bố của De Gaulle, toàn thể bộ máy tình báo và ngoại giao của Mỹ cả tại Sài Gòn và Washington đều đã được huy động nhiều lần để thu thập, phân tích, tổng hợp trước khi đi đến kết luận như trên.

Từ góc nhìn của Mỹ, vấn đề loại bỏ Nhu chỉ do Nhu (nhất là vợ Nhu) đã phạm sai sót quá nhiều qua chính sách tôn giáo, chứ không phải do Nhu chủ trương trung lập, mà trong thực tế, theo đánh giá của Mỹ, Nhu mới chỉ “hù dọa”, “bày trò” với ý định làm giảm sức ép của Mỹ. Lịch sử đã chỉ là như thế. Và lịch sử không có chỗ cho các giả thiết: “nếu…, thì…”…

Từ sau tư liệu trên, không thấy nhắc đến vấn đề “Nhu - trung lập” nữa trong bộ tài liệu FRUS. Một tháng một ngày sau, một tư liệu khác có nhắc đến Nhu trong một góc độ khác:

- Điện tín của tòa đại sứ Mỹ tại VN gửi BNG. Sài Gòn, 7-10-1963, 19g tối.
"Theo hiểu biết của tôi, Hoa Kỳ cung cấp vũ khí, huấn luyện, tiền bạc để cho Nhu có được một quân đội hiệu quả, gồm những người được chọn lọc cẩn thận, được huấn luyện chính trị cao và được trả lương hậu.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Ý Gambino của tuần báo Espresso, Nhu nói rằng y có thể chiến thắng mà không cần đến người Mỹ. Y chỉ cần có những đơn vị trực thăng và tiền là đủ. Y không muốn có nhân viên quân sự Mỹ do lẽ các quân nhân này hoàn toàn không có khả năng chiến đấu trong một cuộc chiến tranh du kích.

Ngay cả lực lượng đặc biệt Mỹ cũng chẳng ra gì. Không thể chiến thắng với quân đội Mỹ do lẽ quân đội Mỹ chính là một trở ngại cho cuộc cách mạng biến đổi xã hội miền Nam vốn là điều kiện tiên quyết cho chiến thắng… Diệm, trong thông điệp đọc trước quốc hội sáng nay, cũng đã nói đến một thắng lợi sắp tới trước VC. Diệm nói: Thắng lợi đó sẽ cho các nước nhỏ trong khối không liên kết thấy rằng họ cũng có thể chiến thắng CS khuynh đảo”.

Bức điện trên của Lodge có thể khiến một số người nghĩ đến một vấn đề khác: Nhu muốn Mỹ rút ra khỏi miền Nam? Vấn đề không phải là Nhu có muốn Mỹ rút ra khỏi miền Nam hay không mà là để làm gì?

Câu trả lời là Nhu tự cho rằng có thể chiến thắng theo cách của mình, ấp chiến lược, chiến tranh chống nổi dậy. “Quân đội” mà Nhu tự hào với ký giả Gambino nêu trên không phải là quân đội chính qui do Mỹ nặn ra và đã thua tan tác (năm trực thăng bị bắn rơi) trong trận Ấp Bắc ở Định Tường hôm 2-1-1963, trong ưu thế quân số bốn đánh một và được trang bị pháo binh, trực thăng và thiết giáp trước một lực lượng du kích địa phương cấp tiểu đoàn (FRUS, III, 1); mà là lực lượng đặc biệt do Lê Quang Tung chỉ huy, trực thuộc Nhu chứ không trực thuộc Bộ tổng tham mưu. Nói cách khác, Nhu tin rằng sẽ chiến thắng bằng chiến tranh chống nổi dậy (chiến tranh đặc biệt), với chiến thuật chống du kích bằng biệt kích và chương trình “bình định” (ám sát, bắt bớ…), theo sách lược của chuyên viên chiến tranh du kích ở Mã Lai - Sir Thompson.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận