SWP - một thương hiệu cho rối nước

ANH THƯ  22/09/2003 02:09 GMT+7

TTCN - Theo họa sĩ tạo hình Nguyễn Đức Thế - trưởng Đoàn múa rối TP.HCM, thương hiệu SWP (Saigon Water Puppet - Múa rối nước Sài Gòn) đã được chấp nhận tại thị trường Bắc Mỹ trong suốt sáu năm qua.

Phóng to
Sân khấu rối nước tại Boston
TTCN - Theo họa sĩ tạo hình Nguyễn Đức Thế - trưởng Đoàn múa rối TP.HCM, thương hiệu SWP (Saigon Water Puppet - Múa rối nước Sài Gòn) đã được chấp nhận tại thị trường Bắc Mỹ trong suốt sáu năm qua.

Mỗi cuối tuần tại công viên Đầm Sen đều có chương trình rối nước của Đoàn múa rối TP.HCM (giữa tháng 9 - 2003 đoàn vừa ra mắt vở mới sáng tác Tình mẹ - kịch bản và đạo diễn: Đinh Trọng Dũng). Mỗi ngày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong Thảo cầm viên Sài Gòn các nghệ sĩ rối nước còn có các suất diễn phục vụ chủ yếu khách du lịch nước ngoài.

Đời sống "nội địa" khá yên ổn, nhưng theo họa sĩ tạo hình Nguyễn Đức Thế, đoàn vẫn liên tục xúc tiến những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài.

Họa sĩ Nguyễn Đức Thế cho biết thương hiệu SWP (Saigon Water Puppet - Múa rối nước Sài Gòn) đã được chấp nhận tại thị trường Bắc Mỹ trong suốt sáu năm qua.

Phóng to
SWP tại Hawaii
Mới đây, vào trung tuần tháng 8-2003, một nhóm rối nước với tám diễn viên, năm nhạc công của SWP đã có chuyến đi biểu diễn tại địa bàn quen thuộc Bắc Mỹ, đồng thời lần đầu tiên thăm dò thị trường mới cho SWP tại châu Âu.

Bắt đầu ở nước Mỹ, sau hai suất diễn tại Hawaii, nhóm bay qua Minnesota diễn bốn suất, rồi 16 suất tại Boston; kế tiếp sang Toronto (Canada) diễn 10 suất.

Theo diễn viên trẻ Thái Ngọc Hải - người có bảy năm sống với những con rối, tại Minnesota anh em SWP đã tham dự một trại hè văn hóa (culture camp) để vừa biểu diễn những trò rối nước cổ truyền vừa thuyết trình về môn nghệ thuật múa rối độc đáo của VN.

Đối tượng dự trại hè là các em 12 tuổi trở xuống, trong đó có nhiều trẻ VN là con nuôi trong các gia đình Mỹ. "Các em xúm lại, sờ vào các con rối và luôn miệng hỏi về các con rối rồng, lân... Sau đó, trong cuộc thi vẽ tranh đề tài tự do tại trại, điều rất thú vị là hầu hết các em đều vẽ rồng do có ấn tượng mạnh về con rối này sau khi xem rối nước" - diễn viên Nguyễn Thanh Phương, 30 tuổi, có mười năm trong nghề diễn rối, kể.

Khán giả ở Boston, Toronto... đều hào hứng khi xem rối nước dù SWP đã diễn nhiều lần tại các thành phố này trong các năm trước: "Họ vỗ tay liên tục cổ vũ anh em diễn viên đứng diễn dưới thủy đình. Khi nghe giới thiệu về lịch sử rối nước VN, ban đầu họ cứ tưởng diễn viên phải là người có tuổi mới nắm được kỹ xảo nghề nghiệp như thế, nhưng họ không ngờ diễn viên của SWP còn trẻ quá..." - diễn viên Nguyễn Tư Hùng, 25 tuổi, phấn chấn kể chuyện lưu diễn.

Một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực văn hóa không chỉ được căn cứ qua các con số (suất diễn, doanh thu...) mà còn từ ấn tượng sau những buổi diễn giao lưu như thế.

Phóng to
Khán giả Ireland lần đầu tiên biết đến múa rối nước
Diễn trong nhà hát trang nhã ở Boston hay diễn ngoài trời ở Minnesota, Hawaii hoặc diễn ngay trên đường phố tại Toronto trong khuôn khổ một festival, tất cả những buổi diễn đó đều mang lại nhiều kinh nghiệm quí giá cho các diễn viên rối nước trẻ của SWP khi đem chú Tễu đến với khán giả nước ngoài.

Sau Toronto, nhóm rối SWP bay sang Bắc Ireland để từ đó xuôi về miền Nam. Tại thủ đô Dublin của Ireland, Đoàn rối SWP đã diễn liên tục 1-2 suất/ngày trong suốt 12 ngày, với giá vé vào xem lên đến 30 euro.

Những trò rối Bát tiên, Cáo bắt vịt, Long lân qui phụng... từ nền văn hóa lúa nước nghìn đời của VN đã gây được sự quan tâm tại một vùng đất xa xôi để xây dựng thương hiệu trong thời cạnh tranh và hội nhập.

Chuyến đi thăm dò tại ấy còn "gợi cảm hứng và thúc đẩy quyết tâm đa dạng hóa thị trường biểu diễn cho rối nước VN" - theo lời trưởng đoàn Nguyễn Đức Thế: "Chúng tôi cũng đã liên hệ để sắp tới đưa rối nước "thương hiệu SWP" đến Thái Lan, Singapore... và khu vực Đông Nam Á cùng lúc tìm thêm đất diễn tại châu Âu".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận