09/10/2003 06:12 GMT+7

Bao giờ mới thi trắc nghiệm?

TS NGUYỄN HỘI NGHĨA (giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng - ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS NGUYỄN HỘI NGHĨA (giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng - ĐH Quốc gia TP.HCM)

TT (TP.HCM) - Mặc dù vẫn còn nhiều “hệ quả” cần phải giải quyết ở các trường, nhưng cơ bản đến thời điểm này kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 có thể xem như đã khép lại. Cũng như nhiều kỳ thi trước, tất nhiên tuyển sinh năm nay cũng có một vài ưu điểm, song nhìn trên bình diện tổng thể, “chuyện dài nhiều tập” này vẫn bộc lộ không ít hạn chế và chắc chắn sẽ còn khiến những người có trách nhiệm phải “lao tâm khổ trí” dài dài!

DHgUJMoT.jpgPhóng to

Các thí sinh dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giữa hai buổi thi. Tuyển sinh luôn gây cho thí sinh căng thẳng và mệt mỏi như thế này!

TT (TP.HCM) - Mặc dù vẫn còn nhiều “hệ quả” cần phải giải quyết ở các trường, nhưng cơ bản đến thời điểm này kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2003 có thể xem như đã khép lại. Cũng như nhiều kỳ thi trước, tất nhiên tuyển sinh năm nay cũng có một vài ưu điểm, song nhìn trên bình diện tổng thể, “chuyện dài nhiều tập” này vẫn bộc lộ không ít hạn chế và chắc chắn sẽ còn khiến những người có trách nhiệm phải “lao tâm khổ trí” dài dài!

Đề chung, nhưng chấm không chung!

Đề thi chung là đúng, là tốt, song đề thi nào, kiểu gì vẫn cần bàn tiếp. Có vị quan chức cấp cao đưa ra lý lẽ: thi trắc nghiệm, thí sinh (TS) chưa quen, ảnh hưởng tâm lý xã hội, cần phải hết sức thận trọng, tiến hành từng bước, ở THPT cần làm trước cho quen dần...

Cứ theo kiểu lập luận ấy, có lẽ phải tiến hành thi trắc nghiệm từ lớp 1 rồi mới đến lớp 2, cứ thế mất bao nhiêu năm mới có thể thi trắc nghiệm tuyển sinh? Làm sao “đi tắt, đón đầu”? TS ngày nay được học bao nhiêu kiến thức cao siêu, chuyện trả lời trắc nghiệm đầy rẫy trên báo chí, trên truyền hình, ai cũng có thể hiểu chỉ trong vòng vài phút nghiên cứu, tại sao lại lo TS không quen?

Hơn nữa, nếu trước khi thi sớm phát hành những hướng dẫn trên báo, đài, truyền hình, trong các trường học... và tự thân các trung tâm luyện thi (hiện vẫn tồn tại khách quan, chưa có cách gì hạn chế được - và có thể hạn chế được không?) sẽ giup TS làm quen bằng nhiều cách, thiết nghĩ sẽ không có vấn đề gì.

Gần đây, một vị quan chức cấp bộ lại nhấn mạnh: cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để có được một ngân hàng đề thi tốt. Hoàn toàn đúng! Phải mạnh dạn đầu tư về thời gian, về kinh phí mới có ngân hàng tốt.

Ở các nước tiên tiến, một bộ câu hỏi phải tốn cả triệu USD, phải qua bao nhiêu công đoạn (soạn đề, phản biện, nhập câu hỏi, thi thử, tính toán số liệu thi thử, đưa ra kết luận câu hay câu dở) mới có thê trở thành đề thi chính thức.

Ở ta, nghèo, có thể không cần quá tốn như thế, song phải biết đầu tư cho khá đủ. Một vị lãnh đạo cấp trường mới nghe giá một câu hỏi trắc nghiệm có thể lên đến 100.000 đồng đã... hoảng! Thấy cây mà không thấy rừng, tốn kinh phí làm đề nhưng lại tiết kiệm kinh phí chấm bài, vì chấm trắc nghiệm bằng máy, nhanh, rẻ, chính xác.

Cứ thử tính ngay: tiền chấm bài ba môn tự luận ít ra cũng 8.000 đồng, để lại 3.000 đồng chi phí chấm bài bằng máy, còn 5.000 đồng chuyển sang cho làm đề, thì 800.000 thí sinh (TS) sẽ được 4 tỉ đồng, trừ các chi phí, ít ra cũng được 3 tỉ chỉ để làm đề. Mỗi câu 100.000 đồng, vậy mỗi năm ta được thêm 30.000 câu mới! Có 11 môn thi tuyển ở cả bốn khối thi, vị chi mỗi môn thêm được 2.700 câu mới/năm. Quá nhiều! Đấy là nói về số lượng, còn chất lượng, đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản của ta rất mạnh, rất đông đảo, đủ sức tạo nên ngân hàng đề thi chất lượng tốt.

Một nước láng giềng của ta đã tổ chức thi bằng trắc nghiệm từ năm 1988. Không kể các nước tiên tiến đã thi trắc nghiệm từ vài chục năm rồi. Ta đến nay vẫn chưa thấy động thái gì tích cực cả, ngoại trừ việc mới ra quyết định thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng!

Đề tự luận dẫn tới nhiều phiền phức, ai cũng biết chấm thi không thống nhất, đề chung nhưng chấm không thể chung, do đó sẽ có sai lệch về cách đánh giá. Có sự khác biệt về quan điểm chấm bài giữa các trường, nhưng các trường vẫn phải sử dụng chung kết quả, liên thông toàn quốc, mâu thuẫn quá!

"Ngày hội" sao quá ít niềm vui?!

Tổ chức thi tại nhiều địa điểm như vừa qua nhìn chung là có cải tiến hơn, các trường nhận về mình những khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho TS. Về mặt kinh tế, TS tiết kiệm chi phí, còn các trường tốn kém hơn. Một số trường kêu vì chỉ có vài TS ở tỉnh cũng phải đi tổ chức thi, không hiệu quả. Nhưng tính tổng thể vẫn tiết kiệm hơn so với thi kiểu cũ. Và các vấn đề xã hội khác như giao thông, an ninh... cũng khá hơn.

Tuy nhiên, nếu nhiều địa điểm quá thì trường không đủ nhân lực. Vả lại, ta vẫn chưa giải quyết vấn đề một cách triệt để. Đó là tình trạng TS ở gần trung tâm thi mới (Cần Thơ, Qui Nhơn, Vinh...) thì được lợi, nhưng TS ở Hà Nội muốn thi vào trường ở TP.HCM vẫn phải vượt hơn ngàn cây số để dự thi!

Rồi chuyện rùm beng trước và trong khi thi: chép bài của nhau. Kiểu thi tự luận, TS có thể đọc đề ra ngoài hoặc chuyển bài làm cho nhau, khó tránh xảy ra trong hàng chục ngàn phòng thi. Nếu thi trắc nghiệm, tránh được ngay chuyện này một cách triệt để. Vì đề trắc nghiệm có nhiều câu hỏi, thậm chí nhiều nước ra rất nhiều câu hỏi để TS có quyền lựa chọn, TS không còn đủ thời gian mà gian dối. Đề thi lại được làm thành nhiều phiên bản, tuy cùng nội dung nhưng hoán đổi các câu hỏi, ngay một câu cũng được hoán đổi thứ tự phần trả lời chọn lựa, TS có ngồi cạnh nhau cũng không thể có đề giống y nhau như kiểu tự luận. Càng không thể đọc đề ra ngoài vì đề quá lắt nhắt, quá dài - thường vài trang giấy (chứ không chỉ một trang như tự luận).

Trước đây có nghe nói: “Thi là ngày hội của toàn dân”. Suy nghĩ kỹ khó có thể đồng ý. Đi “hội” gì mà tất cả mọi người lo lắng quá mức như thế? “Hội” gì mà quá ít niềm vui? Có địa phương quán triệt chuyện thi cử đến từng người dân, tất cả thành phố phải nỗ lực hỗ trợ thi cử. Các trường rất cảm ơn vì chuyện đó, nhưng thi cử đã trở thành chuyện to quá, thành vấn đề xã hội lớn, có đáng không? Chắc còn nhiều chuyện khác quan trọng hơn chứ!

Nên chăng để tránh căng thẳng xã hội, trước mắt mỗi năm tổ chức hai lần thi (như một số nước đã làm), lần tháng bảy như thường lệ chủ yếu cho đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THPT, còn lần hai vào giữa tháng một, cho những đối tượng khác (diện thi rớt các năm trước, những người đang đi làm...). Các trường sợ cực? Vậy thì giao hẳn chuyện thi tuyển cho những “đơn vị đặc nhiệm”, tức Cục Khảo thí, các trung tâm khảo thí, các bộ phận tuyển sinh độc lập của các trường.

____________________

Kỳ sau: Bỏ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH theo nhiều môn?

TS NGUYỄN HỘI NGHĨA (giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên