27/09/2003 07:15 GMT+7

Sống giữa hàng khơi

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Mỗi tháng chỉ vào bờ được vài ngày, họ sống trong những căn chòi chơ vơ giữa biển khơi như những ... tổ chim. Mùa chướng về, họ vật lộn với sóng biển canh từng miệng đáy. Họ là những bạn chòi làm thuê nghề đáy hàng khơi, cái nghề hạ bạc đói no thất thường và lắm lúc họ phải đánh đổi sinh mạng mình cho cuộc mưu sinh...

Guk8Dh9K.jpgPhóng to

Một trong những căn chòi giữa biển khơi mà các bạn chòi nghỉ ngơi ngày đêm giữa hàng khơi

TT - Mỗi tháng chỉ vào bờ được vài ngày, họ sống trong những căn chòi chơ vơ giữa biển khơi như những ... tổ chim. Mùa chướng về, họ vật lộn với sóng biển canh từng miệng đáy. Họ là những bạn chòi làm thuê nghề đáy hàng khơi, cái nghề hạ bạc đói no thất thường và lắm lúc họ phải đánh đổi sinh mạng mình cho cuộc mưu sinh...

Ngày và đêm trên đáy hàng khơi...

Chiếc ghe từ từ rời bến Rạch Gốc (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đưa tôi cùng sáu bạn ghe nhằm hướng biển Tây thẳng tiến.

Tài công Hồng Chí Tâm nói lớn: “Tụi tôi ra rước bạn chòi vào. Mùa này thất bát lắm, con nước chảy nhẹ nên chẳng cá tôm gì, cho anh em vào nghỉ ít hôm”.

Hơn hai tiếng đồng hồ vượt quãng đường hơn 10 hải lý... Xa xa, thấp thoáng những dãy cọc san sát liền nhau giống như những hàng cột điện giữa biển khơi mà bạn ghe gọi là cột kè đáy. Bên trên những dãy cọc, cách nhau khoảng 50m là một cái chòi nhìn từ xa chẳng khác nào những... tổ chim.

Chiếc ghe chạy sát những cột kè, trong từng căn chòi vài chiếc đầu nhô ra vẫy tay chào chúng tôi. Tài công Chí Tâm từ từ cho ghe cập sát vào hai cột kè bên dưới một căn chòi rồi nói lớn át tiếng sóng biển: “Chú Hai ơi! Chuẩn bị nấu ăn rồi kéo đáy, hôm nay được vào bờ hết đấy”.

Những căn chòi cao hơn mặt nước gần 10m. Hai sợi dây nilông lớn bằng ngón chân cái được thả xuống, tôi lên phía mũi ghe nắm sợi dây chuẩn bị leo lên, từng đợt sóng dồn dập như muốn hất tôi văng xuống biển. Không tài nào tôi leo lên dây được, các bạn chòi bèn buộc dây vào chiếc cần xé thả xuống cho tôi ngồi vào rồi kéo lên. Căn chòi rộng chừng hơn 1m2 cho hai người ở. Lại chứa nào xoong, nồi, chén bát, củi, gạo...

Ở giữa chòi có một cái lò nấu ăn bằng củi. Hai bên chòi thấy hai chiếc võng của hai bạn chòi là anh Thái Văn Thanh (thường gọi là Hai Chiểu) và anh Võ Văn Hải. Đó là hai người bạn cùng quê ở tận miệt Trà Vinh, trước cả hai cùng theo nghề đáy gần bờ ở quê nhà, mùa màng thất bát phải dắt díu gia đình trôi dạt về tận cửa Rạch Gốc để làm thuê nghề đáy hàng khơi cho ông Bảy Hoàng. Hai anh phải bám riết lấy biển trên những căn chòi cheo leo này giữa muôn trùng sóng nước.

Anh Hải nói: “Cứ phải ngày đêm bám biển, canh con nước chảy mà đóng đáy. Đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn vì phải canh chừng những con tàu buôn, nếu họ chạy đúng vào hướng dàn đáy thì báo hiệu bằng đèn cho họ đổi hướng, nếu không cả dàn đáy sẽ tiêu tan. Những ngày gió chướng thổi mạnh, sóng biển chồm từng cơn cao như nóc nhà, ngồi trong chòi mà ướt như chuột lột”.

Hiện nay các miệng đáy đều nằm cách bờ chừng hơn 10 hải lý. Để có được những miệng đáy xa khơi như vậy, chủ hàng đáy phải lên tận vùng cao nguyên mua các cây kè cao 20 - 25m, giá mỗi cây một lượng vàng.

Sau đó mua lưới làm đáy chờ tới con nước đi đóng đáy. Mỗi một chủ hàng đáy thường có 20 miệng đáy trở lên. Mỗi bạn chòi giữ năm miệng đáy thì được hưởng trọn một miệng đáy. Đa số họ đều là người Trà Vinh, nơi họ từng làm qua nghề hàng đáy gần bờ nên khi đến Rạch Gốc cũng chỉ biết theo nghề này.

Anh Thạch Văn Thống, theo nghề bạn chòi đáy hàng khơi gần 10 năm, cho biết: “Mùa gió chướng là mùa thu nhập chính của bạn chòi. Con nước nào trúng thì được 1 - 2 triệu đồng, ít thì trên dưới 500.000 đồng. Nhưng cũng lắm khi kéo đáy lên chẳng có gì trong đáy, buồn héo cả ruột”. Bởi hai mùa no đói nên hầu hết cuộc sống gia đình bạn chòi đều nghèo khó.

“Có những lúc vợ đau con ốm, không được vào bờ tôi phải liên hệ với chủ hàng đáy qua máy bộ đàm, vay tiền thuốc thang chờ khi mùa chướng về làm trừ nợ ” - anh Thống tâm sự. Gia cảnh của anh Thống cũng chính là gia cảnh của hầu hết bạn chòi.

Anh Lưu Văn Thọ, chủ tịch xã Tân Ân, cho biết: “Hiện trong xã có tới 60 hộ làm nghề đáy hàng khơi, trong đó mỗi hộ thuê 10 - 30 nhân công. Chỉ những chủ hàng đáy là có thu nhập ổn định, nhiều ông chủ giàu sụ nhờ nghề này. Đại đa số những người làm thuê đều có cuộc sống kham khổ, đã vậy nhiều người phải bỏ mạng oan uổng ngoài biển vì nghề này”.

Đến xóm...chờ chồng!

8G6KkXhz.jpgPhóng to

Bạn chòi Hai Chiểu đang đi kiểm tra các miệng đáy

Sau một ngày vật lộn với sóng biển kéo đáy, chiếc ghe chở tôi cùng gần 20 bạn chòi trở về, cập bến. Ở bến đã có hàng chục phụ nữ cùng mấy đứa nhỏ tay thúng, tay rổ đứng chờ sẵn từ lúc nào. Hỏi ra mới biết họ là vợ con của những bạn chòi đến nhận phần chia của chồng mình. Chị Diệp - vợ anh Thạch Văn Thống, vừa thấy chồng bước xuống đã cùng con vui mừng vây lấy mà không màng tới phần cá tôm được chia. Vợ anh Hai Chiểu nói: “Ngày nào chị em tụi tui cũng ngóng ra biển chờ mấy ổng”.

Lẫn trong số những phụ nữ ấy, có nhiều người không phải đến chia phần mà đến để nhặt cá thuê hay mua lại ra chợ bán kiếm tiền. Nhìn mặt họ phảng phất nét buồn tủi, nhiều người quay mặt giấu những giọt nước mắt lặng lẽ khi chứng kiến cảnh vợ con người khác vui mừng đón chồng. Anh Như, cán bộ xã, ghé tai tôi nói nhỏ: “Đó là những phụ nữ có chồng mất ngoài đáy hàng khơi! Họ ở chung một xóm tại bến Rạch Gốc. Ngày nào họ cũng ngóng ra biển khơi ngậm ngùi...”.

Về cái xóm chỉ toàn những phụ nữ góa chồng và những đứa trẻ không cha ấy, có bao nhiêu chuyện kể đau lòng gắn với biển khơi. Ngày... ngày..., cơn dông bão đến, chiếc ghe bị nhận chìm... Đặc biệt không ai quên được cơn bão số 5 năm ấy đã cướp đi sinh mạng hàng chục bạn chòi ở cửa Rạch Gốc, Rạch Tàu và các vùng ven biển mũi Cà Mau. Cũng từ đó dọc theo các bờ biển mũi Cà Mau đã hình thành nhiều “xóm không chồng”.

Bão biển, dông tố hằng năm gây bao nỗi khổ đau cho những gia đình bạn chòi nghề đáy hàng khơi, nó cũng khiến bao nhiêu ông chủ hàng đáy lâm vào cảnh lao đao phá sản. Theo ông Bảy Hoàng, một chủ đáy, nghề đáy hàng khơi bắt đầu từ những thập niên 1990. Hồi ấy có hàng trăm người làm chủ với hàng nghìn bạn chòi làm thuê. Nhưng qua nhiều đợt sóng gió, nhiều người trắng tay vì hàng trăm miệng đáy cùng dãy cột kè trị giá gần cả tỉ đồng trôi theo những cơn cuồng phong của biển.

Nhiều người phải đoạn tuyệt với nghề đáy bỏ lên rừng kiếm sống, hàng trăm bạn chòi phải tha phương tìm cuộc sống mới. “Nghề đáy hàng khơi là vậy, lắm lúc biển bao dung mang lại cơm no áo ấm cho họ, nhưng đôi khi biển cũng giận dữ lấy lại những gì đã ban phát và lấy luôn cả mạng người” - chủ tịch xã Lưu Văn Thọ ngậm ngùi nói.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên