20/08/2022 11:24 GMT+7

Vì sao hơn 340.000 thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Tính đến 17h chiều qua 19-8, còn hơn 340.000 thí sinh chưa nhập nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống, trong khi 17h hôm nay 20-8 là hết hạn. Các chuyên gia lý giải việc này ra sao?

Vì sao hơn 340.000 thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học? - Ảnh 1.

Chuyên gia tuyển sinh giải đáp thắc mắc tuyển sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2022 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến 17h chiều hôm qua 19-8, cả nước có 941.580 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm.

Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 600.802, với hơn 2,9 triệu nguyện vọng (trung bình mỗi thí sinh có 4,84 nguyện vọng). Như vậy, còn đến hơn 340.000 trường hợp chưa nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Do tình trạng thí sinh ảo?

Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học FPT, việc còn tới hơn 1/3 số thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển (941.580 thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng mới có 600.802 thí sinh đã nhập nguyện vọng), không phải các em chờ "nước đến chân mới nhảy", mà đây là tình trạng ảo trong tuyển sinh đại học.

"Có thể nói con số hiện nay mới là ảo ‘tập 1’. Có nghĩa là các thí sinh đăng ký tài khoản cá nhân để đăng ký xét tuyển nhưng bỏ cuộc sớm bằng việc không khai báo nguyện vọng. Nhưng số thí sinh ‘ảo tập 1’ lên đến 35% thì hơi 'khủng'. 

Còn tiếp tục ‘ảo tập 2’ là có đăng ký nguyện vọng trên hệ thống nhưng sẽ không đóng phí xét tuyển trong 10 ngày tới..." - ông Tùng nói.

Có thể do thí sinh không nắm rõ 

Lý giải về việc đến nay vẫn còn quá nhiều thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển, ThS Nguyễn Hải Trường An - chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng có thể do quy định hoàn toàn khác biệt về đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 và việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay quá phức tạp với nhiều mốc thời gian khác nhau nên nhiều thí sinh không nắm rõ.

"Nhiều thí sinh vẫn nghĩ là mình đủ điều kiện trúng tuyển là đủ, cổng điện tử của Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ dành cho thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, một phần cũng là lý do nhiều trường đại học có trang đăng ký thông tin riêng.

Hiện nay, nhiều kênh truyền thông như báo, đài và các trường cũng đăng tải thông tin liên tục nhắc nhở thí sinh, nhưng vẫn còn nhiều em chưa đăng ký. Tôi lo rằng do các em ở vùng sâu vùng xa, thiếu thông tin nên không nắm rõ hoặc bị động trong việc đăng ký trực tuyến" - bà An nhận định.

Bên cạnh đó, theo bộ phận tuyển sinh của nhiều trường đại học, hiện khá nhiều phụ huynh và thí sinh, ngay cả thầy cô vẫn hiểu nhầm là từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8 vẫn được phép thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng để xác nhận nguyện vọng rồi mới đóng tiền, nên nhiều thí sinh không đăng ký mà chờ để đóng lệ phí luôn.

ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương - phó trưởng phòng truyền thông Trường đại học Công nghệ TP.HCM - cũng cho rằng thí sinh chưa đăng ký nguyện vọng có nhiều nguyên nhân như: sự đa dạng của các phương thức tuyển sinh năm nay; một bộ phận thí sinh có thể bị ngộ nhận về việc đủ điều kiện trúng tuyển nghĩa là trúng tuyển rồi, nên có thể không để tâm đến việc đăng ký trên hệ thống.

"Trong các chương trình tư vấn, chúng tôi luôn được nhận những thắc mắc tương tự như thế từ rất nhiều thí sinh. Cũng có thể các bạn gặp trục trặc khi đăng ký trực tuyến, hoặc bỏ qua các bước xác nhận cuối cùng nên kết quả chưa được hệ thống xác nhận" - ông Phương nhấn mạnh.

Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường

ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - suy đoán: "Có lẽ do các thí sinh đã đăng ký học ở cao đẳng, trung cấp rồi chăng? 

Những năm qua, thí sinh thường xuyên được nghe tư vấn từ nhiều chuyên gia hướng nghiệp rằng học cao đẳng, trung cấp xong là có việc làm ổn định, nên đã tác động đến các em trong kỳ tuyển sinh năm nay. Nếu như vậy thì đây là tín hiệu đáng mừng chứ không đáng lo".

Tuy nhiên, điều mà ông Sơn lo ngại là sự cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và cố tình làm trái quy chế của các trường đại học. 

"Theo đó, với xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực…), nếu các trường đại học không làm đúng theo quy định hướng dẫn của bộ và cho phép thí sinh đóng học phí và nhập học sớm thì số thí sinh này hiện cũng không cần đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung nữa" - ông Sơn nhận định.

Tiếp tục nhắc nhở thí sinh

Theo quy định, 17h ngày 20-8 là hạn cuối để thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay trên hệ thống tuyển sinh của bộ. Sau thời điểm trên, hệ thống sẽ khóa chức năng đăng ký xét tuyển và thí sinh sẽ không còn đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng được nữa.

Trước thực tế hiện nay, ông Sơn nêu ý kiến: "Tôi nghĩ trong hôm nay, các trường THPT, phụ huynh… cần có những giải pháp tổng thể nhắc nhở các bạn học sinh để thực hiện kiểm tra lại việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nếu thí sinh nào chưa nhập nguyện vọng trên hệ thống cần nhanh chóng thực hiện ngay".

17h chiều nay 20-8, kết thúc đăng ký xét tuyển đại học: Thí sinh cần làm gì? 17h chiều nay 20-8, kết thúc đăng ký xét tuyển đại học: Thí sinh cần làm gì?

TTO - 17h hôm nay (20-8), hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ khóa chức năng đăng ký xét tuyển và thí sinh không còn có thể đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng được nữa.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên