25/05/2023 09:15 GMT+7

Vắc xin của tình thương và trách nhiệm

Gần nhà tôi có vợ chồng công nhân sinh con đầu lòng tròn 2 tháng tuổi. Lẽ thường, đây là thời điểm lý tưởng để tiêm vắc xin "5 trong 1" ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi...

Nhưng mỗi lần đến trạm y tế lại phải thất thểu ra về vì "hết sạch vắc xin". Con gần 5 tháng tuổi, họ không thể chờ được nữa và đành chấp nhận tiêm vắc xin dịch vụ.

Đó là "con đường" rất nhiều gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng đang phải cắn răng đi qua khi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cạn kiệt. Vì bảo vệ sức khỏe cho con, họ có thể tằn tiện chi tiêu, thậm chí vay mượn, để tiêm vắc xin dịch vụ. Thế nhưng, giá như có vắc xin tiêm chủng mở rộng (miễn phí) thì cuộc sống của họ sẽ bớt đi gánh nặng không đáng có này.

Lịch sử tiêm chủng mở rộng hiếm khi thiếu nhiều loại vắc xin và thiếu triền miên đến vậy. Là nhu cầu tối thiểu cho trẻ nhỏ phòng ngừa các loại bệnh nguy hiểm, vậy mà cao điểm khoảng một năm qua luôn trong tình trạng "ăn đong", khiến nhiều nơi phải gửi văn bản "cầu cứu". Nghịch lý này, cộng với điệp khúc "xin - cho", nhưng số lượng phân phối nhỏ giọt đang đẩy dự án, vốn là chương trình mục tiêu y tế quốc gia, rơi vào ngưng trệ chưa từng có.

Cạn vắc xin cũng khiến các khuyến cáo của Bộ Y tế về việc đưa trẻ nhỏ tiêm chủng "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ" trở nên bị "vô hiệu". Dù muốn cũng không có vắc xin để tiêm chứ đừng nghĩ đến chuyện "tiêm đúng lịch".

Tuy vậy, trong lúc dầu sôi lửa bỏng lại xảy ra một nghịch lý, đó là vắc xin dịch vụ rất dồi dào. Nhưng thử hỏi với một đất nước có khoảng 65% dân số sống ở nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, ai đủ điều kiện tiêm vắc xin dịch vụ!?

Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng đang kéo theo một "hệ lụy dây chuyền". Tỉ lệ hoãn hoặc bỏ tiêm tăng cao khiến hàng rào ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm bị đe dọa. Điều này tạo nguy cơ dịch bệnh bùng phát gia tăng và điểm đến cuối cùng không đâu khác ngoài các bệnh viện. Và hậu quả xa hơn sẽ rất khó hình thành những thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, phát triển đầy đủ về tinh thần như kỳ vọng.

Gần một năm qua, Bộ Y tế - cơ quan được Nhà nước phân bổ ngân sách và giao đàm phán, đấu thầu, mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng - có nhiều giải thích, có cả hứa hẹn cung ứng vắc xin đầy đủ. Nhưng sự thật chưa có giải pháp nào có thể chấm dứt ngay tình trạng này. Vẫn luẩn quẩn cơ chế "xin - cho", chưa kể nhiều nhà sản xuất cho rằng Bộ Y tế cần phải chủ động hơn trong ký kết hợp đồng đặt hàng sản xuất vắc xin.

Rõ ràng trước một vấn đề kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn của hàng triệu trẻ em, chắc chắn có vai trò và trách nhiệm từ Bộ Y tế. Và mới nhất, khi Bộ Y tế "đẩy" nhiệm vụ trên cho địa phương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã "chốt" lại: "Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm", đồng thời chỉ đạo nhiều biện pháp tháo gỡ chính sách về giá cũng như cơ chế đấu thầu mua sắm vắc xin.

Không có gì phải bàn cãi nữa. Xin hãy bắt tay vào giải quyết các vướng mắc, nhanh chóng cung ứng vắc xin tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em bằng tình thương và trách nhiệm.

Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng nghiêm trọng, Bộ Y tế nói gì?Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng nghiêm trọng, Bộ Y tế nói gì?

Vắc xin tiêm chủng mở rộng đang rất thiếu. Tháng 6 tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng vắc xin và dự kiến thời gian bao lâu địa phương nhận được vắc xin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên