24/09/2003 07:16 GMT+7

Cty Kwang Nam và DNTN Đông Nam: Tuy 2 mà 1 ?

ĐỒNG HƯNG
ĐỒNG HƯNG

TT (TP.HCM)- Chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM đã có liên tiếp hai văn bản đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Kwang Nam (426 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận) và doanh nghiệp tư nhân Đông Nam (431A Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình) để bảo vệ quyền lợi của gần 300 lao động đang bị xâm hại.

rOuu3eYy.jpgPhóng to

Một cuộc họp giải quyết đình công của công nhân Kwang Nam

Nhập nhằng trách nhiệm đối với công nhân

Ngày 16-8-2003, 285 lao động của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đông Nam đã vây văn phòng chính của DN này đòi thanh toán lương tháng bảy và 13 ngày lương tháng tám cũng như các khoản chế độ liên quan khi DN đồng ý cho họ nghỉ việc.

Theo kết quả đối chiếu của cơ quan Bảo hiểm xã hội TP, từ năm 1994 tới nay Công ty Kwang Nam sử dụng thường xuyên trên 1.300 lao động.

Tuy nhiên từ năm 1996 đến nay công ty mới chỉ tham gia bảo hiểm cho 400 lao động. Ước tính số tiền bảo hiểm xã hội bị chiếm dụng trong chín năm (1994- 2003) khoảng 13 tỉ đồng.

Tại cuộc họp giải quyết, các bên đã cam kết: bà Vũ Ngọc Nhung (giám đốc DNTN Đông Nam) phải chịu trách nhiệm giải quyết nợ lương, các khoản trợ cấp, bảo hiểm, phép năm cho người lao động và giữa tháng chín phải giải quyết dứt điểm; nếu không thì bán máy móc thiết bị của xưởng mũ giày để trả cho công nhân.

Tuy nhiên sau đó bà Nhung cho biết bà chỉ là giám đốc trên danh nghĩa và người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Kang Young Hwang, tổng giám đốc Công ty Kwang Nam, do đó phía Kwang Nam phải có trách nhiệm giải quyết.

Trước tình hình này, LĐLĐ TP đã có công văn đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra toàn diện đối với DNTN Đông Nam và Công ty Kwang Nam để ngăn chặn những nguy cơ phát sinh, bảo vệ người lao động.

Sau đó, giữa Đông Nam và Kwang Nam đã thỏa thuận được việc cho bà Nhung mượn tiền trả nợ lương cho người lao động, nhưng các khoản chi trả trợ cấp thôi việc cho gần 300 lao động, bảo hiểm... thì hai bên bắt đầu đẩy trách nhiệm qua lại và kết quả là tất cả những quyền lợi hợp pháp của gần 300 lao động bị “treo” lại.

Trước tình hình này, LĐLĐ buộc phải có công văn lần hai đề nghị thanh tra làm rõ mối quan hệ giữa Đông Nam và Kwang Nam để bảo vệ người lao động.

Cho tới ngày 20-9-2003, vụ việc mới tạm gọi là giải quyết xong. Ông Trần Minh Vũ, phó chủ tịch LĐLĐ Tân Bình, cho biết sau một cuộc làm việc kéo dài sáu giờ, phía Kwang Nam và bà Nhung mới chịu thanh toán các khoản trợ cấp và phép năm cho người lao động. Tuy nhiên phía công ty vẫn còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khoảng 50 triệu đồng.

Tuy 2 mà 1!

Theo bà Vũ Ngọc Nhung, bà nguyên là trưởng phòng tổ chức Công ty Kwang Nam từ tháng 11-1995. Tới năm 1997, ông Kang và bà Nhung đã thỏa thuận thành lập DNTN Đông Nam do bà Nhung đứng tên làm chủ.

Thỏa thuận này cũng ghi rõ ông Kang chịu trách nhiệm mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, trả lương cho lao động, tiêu thụ sản phẩm, tiền thuê nhà xưởng, điện nước... đảm bảo cho DN hoạt động; còn bà Nhung chỉ là người đại diện DN trước các cơ quan nhà nước của VN và tuân theo mọi sắp xếp của ông Kang.

Ông Kang đã xác nhận: “Nếu như việc kinh doanh của xưởng may mũ giày Đông Nam không đủ chi trả cho công nhân và các chi phí phát sinh, bà Nhung sẽ viết giấy mượn từ Công ty Kwang Nam để chi trả các khoản đó. Đây chỉ là hình thức giao dịch giữa Đông Nam và Kwang Nam nhằm hợp pháp hóa đối với xưởng giày (Đông Nam), vì thế không bao giờ tôi đề nghị bà Nhung hoàn lại số tiền đã mượn”.

Bà Nhung cũng thưa nhận việc vay mượn này là những giao dịch giả tạo nhằm che giấu việc ông Kang chuyển tiền chi trả chi phí cho hoạt động của Đông Nam.

Nhờ thế, phía Kwang Nam đã hưởng lợi rất lớn khi lập ra DNTN Đông Nam: gần 300 lao động chỉ được hưởng mức lương căn bản 320.000 đồng/tháng thay vì mức lương tối thiểu theo qui định của Nhà nước đối với khu vực đầu tư nước ngoài (45 USD/tháng).

Kéo theo đó, tất cả quyền lợi liên quan của người lao động cũng bị cắt xén theo tỉ lệ tương ứng. Trong bản báo cáo gửi các cơ quan chức năng quận và TP, bà Nhung cũng tố cáo trong thời gian điều hành xưởng, ông Kang đã không nộp thuế, không cho nhân viên kế toán của DN lập báo cáo thuế hằng tháng để nộp cơ quan quản lý thuế... , thậm chí còn buộc bà phải giao con dấu của DNTN.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động cũng như quản lý nhà nước về lao động, vấn đề của Công ty Đông Nam và Kwang Nam không chỉ dừng lại ở việc giải quyết chế độ cho người lao động.

ĐỒNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên