Thức ăn đường phố: người bán chỉ sợ...công an!

LÊ THANH HÀ THỰC HIỆN 15/09/2003 03:09 GMT+7

TTCN - Có thể nói hầu như mọi con đường, con hẻm ở TP.HCM đều có bán thức ăn đường phố (TAĐP). Muốn ăn tô bún bò, tô phở gà, đĩa cơm sườn, tô cháo lòng, đĩa bánh bèo, gói xôi với ly trà đá, sữa đậu nành? Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là có ngay.

Phóng to
Tòan bộ đường Lý Chính Thắng (trước nhà sách Văn Nghệ), nơi buôn bán nhiều loại thức ăn đường phố
TTCN - Có thể nói hầu như mọi con đường, con hẻm ở TP.HCM đều có bán thức ăn đường phố (TAĐP). Muốn ăn tô bún bò, tô phở gà, đĩa cơm sườn, tô cháo lòng, đĩa bánh bèo, gói xôi với ly trà đá, sữa đậu nành? Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là có ngay.

Bất cứ chỗ trống nào trên đường phố, ngõ hẻm có thể tận dụng được làm nơi buôn bán thức ăn thì người dân... lấn chiếm ngay! Ai kiếm được chỗ cố định trên vỉa hè, lề đường - kể cả gần nhà vệ sinh hay cống rãnh - thì cố bám trụ để buôn bán. Khi có cảnh sát trật tự tuần tra thì dọn đồ... chạy làm nhốn nháo cả một đoạn đường.

Cảnh sát đi khỏi thì mọi chuyện đâu lại vào đấy. Ai không kiếm được chỗ thì quẩy gánh, đẩy xe lang thang bán dạo với đủ thứ các món ăn ba miền đất nước. Buôn bán cả ngày nhưng trên những gánh hàng rong, xe đẩy này chỉ có vài xô nước rửa chén đũa “phục vụ” hàng trăm khách. Thức ăn cặn thừa thì gặp đâu đổ đấy. Trên những con đường ngay trung tâm thành phố như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi... cũng không hiếm những cảnh buôn bán TAĐP nhếch nhác như vậy!

Quanh một số quận nội thành có thể thấy cơ man TAĐP với hàng trăm chủng loại được bày bán, được dựng, che bằng đủ thứ dù, lọng, bạt khác nhau. Suốt con đường Lý Chính Thắng từ ngã sáu Dân Chủ đến Hai Bà Trưng (sáng đến tối) có hàng trăm hàng quán rong lấn chiếm lòng lề đường với vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thật đáng sợ! Xe cộ rầm rầm lao qua kéo đầy bụi khói bay bám vào những quán TAĐP bên đường.

Trên lề đường Nguyễn Thượng Hiền, vô số các điểm bán TAĐP với cơm bình dân, nghêu, sò, ốc, hến, bánh xèo, bánh bèo... chen chúc nhau. Đoạn đường này chật hẹp, nhiều hộ dân bán TAĐP trưng dụng vỉa hè làm nơi nấu nướng, giặt giũ, để đồ dùng linh tinh, rác rến mất vệ sinh. Người ăn uống cứ... vô tư!

Dài theo đường Võ Văn Tần, Q.3 cũng dày đặc điểm bán bột chiên. Người ăn xúm đen xúm đỏ cả lòng đường. Con hẻm 306 Võ Văn Tần, Q.3 đã được trưng dụng hết 2/3 chiều dài với khoảng 30 -40 hàng quán. Xe cộ tấp nập, người ăn uống xì xụp, hối hả. Đầu hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 buổi sáng là khu vực chợ ve chai thì chiều đến đã xực nức đủ mùi TAĐP.

Tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ là quán lẩu dê 300 với một lò than to đùng đặt sát lòng đường. Khói thịt nướng theo gió “bám” lấy khách đi đường, khói bụi xe trên đường cũng len lỏi vào những miếng thịt dê. Ngay dốc cầu Bông, đường Đinh Tiên Hoàng (Q. Bình Thạnh) đổ xuống Võ Thị Sáu là các điểm bán vịt quay. Vịt quay được treo toòng teng ngoài trời vô tư với bụi khói.

Vào chiều tối, con đường Lê Văn Sỹ kéo dài từ Q.3 đến Q.Tân Bình xuất hiện rất nhiều điểm TAĐP bán chim cút chiên, gà nướng, bê thui, sinh tố, bánh mì, bánh bao... với những bồn thui bê, lu nướng gà để ngay lề đường bụi khói mù mịt. Đặc biệt, ngay cổng xe lửa số 6, góc ngã năm Huỳnh Văn Bánh - Lê Văn Sỹ - Trần Hữu Trang có mấy quán bán thịt heo quay, vịt quay, bánh bao, bánh gai, bành giò lấn chiếm hết toàn bộ lề đường.

Những quán này còn cho người ra giữa đường để chèo kéo khách mua, gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm. Xin miễn bàn về VSATTP ở các điểm này!

Chị Vương Thị Chanh - ở Q. Bình Thạnh: “Tôi bán chè đậu xanh, bánh lọt. Lúc đầu tôi không để trong tủ kính, sau khi được trạm y tế phường kiểm tra nhắc nhở, tôi mua ngay một tủ kính. Sau đó, khách hàng đến ăn chè nhiều hơn. Nếu giải tỏa lòng lề đường không cho buôn bán thì người buôn bán chúng tôi rất khổ, có khi rơi vào bước đường cùng”.

Chị Nguyễn Thị Năm - ở P.13, Q.Bình Thạnh: “Tôi buôn bán đã 17 năm rồi. Trước kia tôi bán cóc, xoài, ổi, mía ghim... Tôi ngâm các loại trái cây với chút đường hóa học, thêm một tô mắm ruốc. Tôi biết những thức ăn này không đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng vẫn bán vì không bán thì lấy gì ăn? Với lại, dù biết là không vệ sinh nhưng vẫn có người mua thì tội gì mình không bán!

Tôi đã ba lần bị công an phạt vì lấn chiếm lòng lề đường. Tôi chỉ sợ công an thôi, còn thanh tra VSATTP thì tôi không sợ vì không bị phạt. Sau đó tôi đổi nghề bán hủ tiếu. Tôi chỉ mua loại thịt heo rẻ (12.000đ/kg) vì bán mắc không ai mua, mà muốn rẻ thì phải mua thịt chợ chiều thôi... Nếu được địa phương sắp xếp chỗ buôn bán ổn định, hoặc được vay vốn xóa đói giảm nghèo thì tôi không còn chiếm dụng lòng lề đường, cũng như sẽ đảm bảo được vấn đề VSATTP”.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Phương - Trạm Y tế P.1, Q. Bình Thạnh: Phường tôi đang ở đã làm thành công việc giải tỏa những hộ buôn bán TAĐP ở đường Vũ Tùng. Hộ nào là người của địa phương thì bố trí chỗ buôn bán phù hợp. Người ở địa phương khác đến, chúng tôi vận động trở về địa phương họ.

Kế đó là giao nhiệm vụ cho khu phố, tổ dân phố quản lý những người bán hàng rong trên địa bàn mình. Kèm theo là những nhắc nhở, nếu như họ vi phạm sẽ đưa ra họp cảnh cáo. Nếu tiếp tục vi phạm, trạm y tế phường sẽ kiến nghị với UBND phường hướng giải quyết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận