10/10/2003 09:49 GMT+7

Dũng khí cũng cần phương pháp...

ĐÌNH THẮNG ghi
ĐÌNH THẮNG ghi

TT - Ngay sau khi bài báo “Sống hèn nhát - Tôi xin tạ lỗi với người đã khuất” (Tuổi Trẻ 24-9-2003) xuất hiện, có rất nhiều người trẻ đã cảm thấy đó thật sự là vấn đề của chính mình, dù đồng tình hoặc không... Riêng nhóm bạn Lá Trung Quân (nhóm trí thức trẻ trong diện qui hoạch dài hạn của Thành ủy TP.HCM) đã đưa diễn đàn “Từ thư của một đảng viên trẻ” vào buổi sinh hoạt của mình...

zTYGCzD6.jpgPhóng to

Nhóm Lá Trung Quân tại buổi tọa đàm, người đang phát biểu là Bùi Thị Thúy Hiền

TT - Ngay sau khi bài báo “Sống hèn nhát - Tôi xin tạ lỗi với người đã khuất” (Tuổi Trẻ 24-9-2003) xuất hiện, có rất nhiều người trẻ đã cảm thấy đó thật sự là vấn đề của chính mình, dù đồng tình hoặc không... Riêng nhóm bạn Lá Trung Quân (nhóm trí thức trẻ trong diện qui hoạch dài hạn của Thành ủy TP.HCM) đã đưa diễn đàn “Từ thư của một đảng viên trẻ” vào buổi sinh hoạt của mình...

Không thiếu dũng khí

Bùi Thị Thúy Hiền, cán bộ Thanh tra quận Phú Nhuận, mở đầu bằng chính công việc của chị - một công việc mà như Hiền nói, quá nhạy cảm và dễ đụng chạm: “Quận Phú Nhuận là trọng điểm trong giải tỏa đền bù với khu Rạch Miễu và kênh Nhiêu Lộc, chưa kể những phức tạp trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh karaoke! Tôi về nhận công tác đầy háo hức, gặp vấn đề là cứ căng luật pháp ra làm tới nơi tới chốn, thẳng thắn trước sai phạm của cả những cán bộ!”.

Và chính vì vậy Hiền trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Hồ sơ xin vào Đảng của Hiền nhiều lần bị trả lại vì “còn trẻ quá, phải thử thách thêm!”. Phải mất rất nhiều thời gian cô mới được hiểu và khuyến khích. Hiền đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cộng sản trẻ tuổi. Sự chọn lựa của cô hẳn không phải dễ dàng. Có khi con ốm, đồng lương nhà nước không đủ chăm sóc em bé, những nhà hàng karaoke “có vấn đề” đã đặt vấn đề với cô thanh tra trẻ này, nhưng câu trả lời là: “Không”!

Trương Thị Ngọc Yến - nguyên bí thư Đoàn phường 1, quận 11, giờ là cán bộ Ban ngoài quốc doanh Thành đoàn - kể rằng năm năm làm bí thư đoàn phường, mỗi năm... một lần cô đều phải đấu tranh. “Trước tiên là lề thói làm việc với cung cách gia đình mà thủ trưởng là gia trưởng. Nhưng có lẽ lần to chuyện nhất là lần đấu tranh chống tiêu cực trong xét tuyển nghĩa vụ quân sự!”.

Cuộc “đấu tranh” với chính những đồng chí của mình thật gay go và phức tạp, cô bị qui là “vu khống cán bộ”. Những tưởng Yến phải bỏ cuộc, nếu cô không tìm ra được phương cách là “hãy nói thẳng một lần nữa” trước những lãnh đạo cấp cao hơn. Và lẽ phải đã thắng, khi nghe cô trình bày có đảng viên đã sẵn sàng bênh vực: “Đồng chí Yến rất anh hùng!”.

Phương thức đấu tranh, hành trang cần thiết!

Thúy Hiền nhận ra rằng luật pháp luôn đúng nhưng biểu hiện nó một cách lạnh lùng sẽ dẫn đến sốc và ác cảm. Cô đã khóc khi kể lại những ngày cô độc, bị đánh giá sai của mình, để rồi cô đã biết lắng nghe để tìm ra một cách “diễn đạt điều đúng phù hợp”.

Hồ Xuân Lâm - tác giả của bài viết “Ký ức niềm tin”, người đã dám chống lại tiêu cực trong lần tuyển sinh đại học ngay tại trường mình - cũng nhận ra chính việc kêu gọi bạn bè, những người trí thức trẻ ở trường lúc ấy, tập hợp họ lại để bảo vệ lẽ phải đã mang tới thắng lợi cuối cùng.

Nguyễn Viết Đại (Quận đoàn 11) kể rằng hồi anh còn tại ngũ, là phó bí thư chi đoàn, gặp nhiều định kiến từ cấp ủy. Tỉ như khi chi đoàn nhận công trình thanh niên chỉnh trang lại thư viện, đang bày sách ra để sắp xếp lại thì chính đồng chí bí thư bảo phải dẹp ngay, vì công việc này không phù hợp chuyên môn! Anh đã đi tìm sự ủng hộ từ những cán bô đồng cảm, nhưng bằng cách đó những thành kiến vẫn âm thầm lớn lên. Bây giờ thì... trưởng thành hơn, anh thấy: “Cách đấu tranh đúng nhất trong trường hợp đó, lẽ ra phải là thẳng thắn trao đổi ngay tại các cuộc họp”.

Nguyễn Thị Phương Duyên (văn phòng Quận ủy quận 11) lại đưa ra một nhận xét: “Không thể có qui chuẩn chung nhất cho phương pháp đấu tranh. Ở đây đòi hỏi sự linh hoạt của từng cá nhân. Người trẻ tụi mình thường nôn nóng muốn thay đổi thế giới ngay, và đấy chính là nhược điểm lớn nhất. Đấu tranh phải có hệ thống, phải biết tận dụng tối đa các nguồn lực chung quanh!”.

Nguồn lực đó là gì? Khi Ngọc Yến chao đảo niềm tin, cô có gia đình: mẹ, các anh chị, chồng... đều là những đảng viên. Chính “chi bộ gia đình” đã chỉ cho cô phương pháp mềm dẻo đấu tranh và cũng là điểm tựa của niềm tin! Nhiều bạn trẻ trong buổi tọa đàm cũng cho rằng khi bế tắc hãy đi tìm những đảng viên lão thành, những người cách mạng hưu trí, hãy tựa vào họ để đứng lên và bảo vệ điều đúng.

Khi buộc phải "sống chung"...

Cả nhóm không đồng tình với thái độ trốn tránh của một vài tác giả bài báo chung quanh dũng khí của người cộng sản trẻ - như một thái độ chưa tích cực.

Nhưng đó cũng là một thông điệp khi một bộ phận bạn trẻ đang khó khăn trong việc đương đầu với cái xấu. Chia sẻ với tác giả một bài viết về những khuất tất trong đấu thầu, Trần Đoàn Trung - Công ty Nông sản xuất khẩu thành phố - cho rằng với doanh nghiệp, áp lực tìm việc, tìm đối tác... là quá lớn, tìm được một gói thầu nghĩa là giải quyết được công việc cho cả ngàn lao động. Tiêu cực trong đấu thầu là chuyện không phải một sớm một chiều có thể biến mất, bao giờ những lề thói của xã hội còn tiêu cực thì còn có những bạn trẻ bị cuốn theo.

Nhưng “sống chung” như thế nào để mình vẫn là mình? Với Trung: “Tôi làm công tác chuyên môn nhưng cũng là phó bí thư chi bộ, mà trong chi bộ người trẻ nhất kề tôi, lớn hơn tôi 15 tuổi. Tôi nhận thêm công tác Đoàn, làm bí thư Đoàn cơ sở, và trong tập thể của mình, chúng tôi làm những công trình thanh niên với một phong cách trung thực. Chính những người trẻ phải thiết lập một lề lối làm việc mới trong khả năng của mình...”.

Trung cũng thêm: “Ở môi trường chúng tôi, cám dỗ nhiều. 50, 100 triệu đồng để cho qua một lô hàng kém chất lượng không phải dễ từ chối. Nhưng, nếu có lý tưởng, nếu thật sự yêu mến công ty thì cá nhân không phải không thể dừng lại ham muốn”.

ĐÌNH THẮNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên