27/09/2003 12:35 GMT+7

Tại sao tổng thư ký LHQ lại "rầu rĩ" đến thế?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTCN - Bài diễn văn của ông Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đọc hôm khai mạc khóa họp lần 58 của Đại hội đồng LHQ hôm thứ ba vừa qua có lẽ là một trong những bài diễn văn “buồn” nhất của ông kể từ bài diễn văn nhân dịp Kosovo bắt đầu bị ném bom.

eRHDTqvc.jpgPhóng to
Ông Kofi Annan trong phiên họp lần 58 của Đại hội đồng LHQ
TTCN - Bài diễn văn của ông Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đọc hôm khai mạc khóa họp lần 58 của Đại hội đồng LHQ hôm thứ ba vừa qua có lẽ là một trong những bài diễn văn “buồn” nhất của ông kể từ bài diễn văn nhân dịp Kosovo bắt đầu bị ném bom.

Nhà ngoại giao này, người mà khi mới nhậm chức vụ này vào năm 1997 được xem là “thân Mỹ”… để thay thế người tiền nhiệm Boutros - Boutros Ghali bị Mỹ đánh giá là “thân Pháp”, đã khởi đầu bài phát biểu của mình bằng những nhận xét hết sức chua chát: "12 tháng qua đã là rất khó khăn cho những ai trong chúng ta tin rằng các vấn đề và thách thức chung có thể có được những giải pháp tập thể. Cách đây ba năm, khi quí vị tụ họp ở đây nhân Hội nghị thượng đỉnh thiên niên kỷ, lúc đó dường như chúng ta đã có một cái nhìn chung về tính đoàn kết thế giới và về nền an ninh tập thể, vốn đã được phát biểu trong Tuyên cáo thiên niên kỷ”.

Đến đây, nhà lãnh đạo LHQ quay sang phát biểu cả một đoạn dài về những vụ khủng bố, trong đó có vụ nhắm vào trụ sở LHQ tại Baghdad. Theo dõi kỹ sẽ thấy vấn đề then chốt mà ông đề cập là:“Tiếp theo sau các biến cố gần đây, sự đồng thuận này ngày nay đang bị xét lại… Sự bất đồng ý kiến dường như do nơi cách thức chúng ta phản ứng trước các mối đe dọa (khủng bố).

Từ khi tổ chức chúng ta được thành lập, các quốc gia nói chung đều đã cố đối phó bằng phương cách ngăn chặn và thuyết phục răn đe, nhờ vào một hệ thống an ninh tập thể và hiến chương LHQ.

Điều 51 hiến chương xác định rằng các quốc gia khi bị tấn công vũ trang có thể hành xử quyền tự vệ chính đáng đương nhiên của mình. Song, cho đến ngày nay mọi người đều đã hiểu ngầm rằng cũng có khi các quốc gia vượt quá quyền tự vệ chính đáng đó và quyết định sử dụng vũ lực để chống lại những đe dọa lớn hơn, thì (trong trường hợp đó) đều cần đến một sự hợp pháp hóa mà chỉ LHQ mới có thể ban cho…

Ngày nay một số người cho rằng cách giải thích này không còn giá trị, do lẽ một cuộc tấn công vũ trang bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể được tung ra bất cứ lúc nào, không cần báo trước, bởi một nhóm giấu mặt nào đó.

Thay vì đợi cho cuộc tấn công diễn ra, họ khẳng định rằng các quốc gia có quyền và nghĩa vụ sử dụng vũ lực theo cách ra tay trước, ngay cả trên lãnh thổ các quốc gia khác, và ngay cả khi những vũ khí mà họ cho rằng có thể được sử dụng để tấn công họ mới còn ở giai đoạn hiệu chỉnh.

Theo cách giải thích này, các quốc gia không bị bắt buộc phải đợi đến khi có được một thỏa thuận trong Hội đồng Bảo an nữa. Thay vào đó, họ tự cho mình có quyền hành động đơn phương, hoặc trong khuôn khổ những liên minh định sẵn. Cái não trạng đó tạo thành một thách thức cơ bản đối với các nguyên tắc của hòa bình và ổn định, cho dù không hẳn là hoàn hảo, vốn đã được thiết lập từ 58 năm qua…

Điều làm cho tôi lo ngại chính là nếu như cái não trạng này được thông qua, điều đó sẽ tạo ra những tiền lệ dẫn đến việc tha hồ đơn phương sử dụng vũ lực, có hay không có lý do đáng tin cậy. Tố cáo chủ nghĩa đơn phương không thôi là không đủ, chúng ta phải chứng minh rằng các biện pháp tập thể có thể giải đáp được một cách hiệu quả cho các mối bận tâm này… Thưa quí ngài, chúng ta đang trải qua một thời điểm sinh tử”.

Tuy tổng thư ký LHQ không nêu đích danh nước nào là chủ nhân của cái não trạng mà ông xem như một nguy cơ cho LHQ, mọi người vẫn có thể hiểu và đoán được là ai, là nước nào.

Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ nhân dịp này đã công bố một bài viết mang tựa đề tóm lại như sau: “Hoa Kỳ quảng bá cải cách của LHQ”. Theo đó: “LHQ đã có nhiều thành tựu song cũng đã có nhiều thất bại và thường phung phí tài sản... Hoa Kỳ khuyến khích LHQ hoạt động hữu hiệu hơn, theo các tiêu chuẩn sau: LHQ phải dựa vào những nhà lãnh đạo và các nước thành viên nào...

Chúng tôi khuyến khích thuê dụng thêm nhiều công dân Hoa Kỳ nữa vào trong hệ thống LHQ. Việc thu nhận thêm thật nhiều công dân Hoa Kỳ sẽ góp phần vào các cố gắng của các cơ quan thuộc LHQ nhằm đạt đến thành tựu và hoàn thành các mục đích từ thuở sáng lập của các cơ quan này”.

Có thể hiểu tại sao ông tổng thư ký LHQ lại “rầu rĩ” đến thế trong ngày khai mạc Đại hội đồng LHQ.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên