14/09/2003 07:00 GMT+7

Dấu ấn Yersin

LÂM VIÊN
LÂM VIÊN

TTCN - Cách đây 110 năm, vào chiều 21-6-1893, bác sĩ Alexandre Yersin ra khỏi rừng thông và từ trên cao nguyên Lang Biang mênh mông ông phát hiện nơi sau này là thành phố Đà Lạt. Trong số những công trình kiến trúc cổ còn được gìn giữ tại thành phố du lịch này có ngôi trường mang tên Yersin (grand lycée Yersin), nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; một công trình vừa được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc quốc gia.

whQhAS3c.jpgPhóng to
TTCN - Cách đây 110 năm, vào chiều 21-6-1893, bác sĩ Alexandre Yersin ra khỏi rừng thông và từ trên cao nguyên Lang Biang mênh mông ông phát hiện nơi sau này là thành phố Đà Lạt. Trong số những công trình kiến trúc cổ còn được gìn giữ tại thành phố du lịch này có ngôi trường mang tên Yersin (grand lycée Yersin), nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; một công trình vừa được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích kiến trúc quốc gia.

Ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi phía đông bắc TP Đà Lạt. Được xây dựng vào năm 1928 và đưa vào sử dụng từ năm 1933, công trình kiến trúc này do kiến trúc sư người Pháp Moncet thiết kế và chỉ đạo thi công. Khi thiết kế, Moncet muốn đưa những đường nét của kiến trúc Thụy Sĩ - quê hương của Yersin vào công trình, đồng thời thể hiện được tấm lòng cao cả cũng như cuộc đời bình dị của nhà bác học đã có nhiều đóng góp to lớn trong khoa học và hơn nửa cuộc đời gắn bó với VN, đặc biệt là với vùng đất Đà Lạt.

Sv9nbjqf.jpgPhóng to
Đứng ở trung tâm TP Đà Lạt, nhìn sang bên kia hồ Xuân Hương có thể nhìn thấy cái tháp chuông của ngôi trường cao vút trên bầu trời cao nguyên; và khi đến trường người ta càng bất ngờ trước kiến trúc độc đáo của ngôi trường.

Đánh giá công trình kiến trúc này, báo Đông Dương (Indochine) lúc bấy giờ đã viết: “Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua”. Khối kiến trúc lớn ấy đã sử dụng những vật liệu hiếm thấy ở Đà Lạt, hầu hết chúng được chở từ Pháp và các nước châu Âu sang như gạch ép đã tạo dáng đẹp cho các bức tường và ngói ardoise xanh để lợp mái.

Đặc sắc nhất phải kể đến dãy nhà vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học; cuối dãy nhà sát với nhà văn phòng là tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian bao la và màu xanh của ngàn thông. Tháp chuông nhưng không treo chuông mà đó chỉ là biểu tượng của sự vươn lên đỉnh cao văn hóa, đó cũng là nét kiến trúc đặc sắc của vùng Morger, quê nhà Yersin tại Thụy Sĩ.

Kiến trúc của Trường Yersin không chỉ đi vào lịch sử kiến trúc VN: khi các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới phối hợp với Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công bố các công trình kiến trúc tiêu biểu của nhân loại trong thế kỷ 20, ở VN duy nhất có công trình Trường Yersin tại Đà Lạt!

Có dịp tới Đà Lạt, bạn hãy dành chút ít thời gian đến chiêm ngắm vẻ đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này; đó cũng là dịp để bạn tìm lại dấu ấn của nhà bác học Alexandre Yersin.

_______________________________

(*) Alexandre Yersin sinh ngày 22-9-1863 ở Thụy Sĩ nhưng lại học hành và lớn lên tại Pháp, năm 1888 ông nhập quốc tịch Pháp, làm việc tại Viện Pasteur Paris.

LÂM VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên