22/09/2003 08:01 GMT+7

Thép VN: Phi nước đại trên chân...người khác!

Q.THIỆN - L.NAM
Q.THIỆN - L.NAM

TT - Hàn Quốc, Đài Loan...do sớm tập trung cho lĩnh vực luyện phôi nên nay đã trở thành những "đại gia" về luyện kim. Còn thép VN chỉ quan tâm sản xuất thép thành phẩm trước, luyện phôi sau.

jY2n8TQU.jpgPhóng to
Sản xuất Thép tại công ty Thép Pomina (KCN Sóng Thần 2 -Bình Dương)

Phát triển phần ngọn

Theo tài liệu của Hiệp hội Thép VN, hiện tổng công suất các nhà máy thép đã đạt 5 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng tới 80%. Năm 2002 các nhà máy bình quân hoạt động 60% công suất nhưng sản lượng vẫn đạt 2,8 triệu tấn.

Tuy nhiên sản lượng phôi sản xuất trong nước hiện chỉ mới đạt 500.000 tấn/năm, đáp ứng 20% nhu cầu. Tức là ngành thép phát triển với tốc độ “phi nước đại” trên “đôi chân” phụ thuộc tới 80% vào người khác.

Cũng theo tài liệu trên, Hàn Quốc, Đài Loan... tuy cũng có nền công nghiệp thép non trẻ nhưng do sớm đầu tư “một cục” cho lĩnh vực luyện phôi nên nay họ đã là những “đại gia” trong ngành luyện kim. Còn VN chỉ chú trọng phát triển phần ngọn; tức là sản xuất thép thành phẩm trước, luyện phôi sau.

Các nhà phân tích chia những dự án cán thép làm hai dạng: vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài.

Vốn trong nước gồm một số DN đa dạng hóa sản phẩm và ngành nghề, chỉ dùng thép xây dựng làm mục tiêu trước mắt. Nay thị trường gặp khó, DN đa dạng sản phẩm chỉ dừng hoặc sản xuất cầm chừng thép cuộn, thép dây chờ qua cơn biến động là có thể phục hồi. DN đơn điệu sản phẩm sẽ lỗ dài...

Khối có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đa dạng công nghệ, đầu tư sớm, qui mô lớn, nhập phôi hãng “mẹ” hoặc các nguồn “thân thiết” nhanh chóng kết thúc khấu hao, gặt hái lợi nhuận nay có thể tạm ngừng hoạt động, thậm chí đóng cửa mà không sợ thua thiệt.

VN bước vào nền kinh tế thị trường, nhu cầu xây dựng trong đó có thép xây dựng luôn tăng với tốc độ rất cao. Nhà nước có chủ trương phát triển ngành này nên đã đặt những chính sách bảo hộ hết sức “hậu hĩnh”, mong tạo cơ hội cho ngành “đủ lông đủ cánh” trước khi hội nhập.

Đó là đánh thuế thép nhập khẩu 40% và đặt 10% phụ thu. Với chính sách bảo hộ trên, quả thật đầu tư sản xuất thép là hốt bạc!

Thống kê của Hiệp hội Thép cho thấy hầu như tất cả cơ sở cán thép từ công nghệ Châu Âu đến thủ công đều lãi lớn. Các loại hình kinh tế, các ngành, các cấp vì thế hăm hở lao vào đầu tư sản xuất thép cán...

Chỉ hai DN “bị giao trách nhiệm” mới đầu tư luyện phôi là Gang thép Thái Nguyên và Thép miền Nam (sau thêm Thép miền Trung), đáp ứng được trên dưới 50% nhu cầu bản thân.

Các chuyên gia phân tích: những dự án luyện phôi ở VN chỉ có thể tồn tại khi gắn liền hạch toán cùng các dự án cán thép. Nếu bóc riêng luyện phôi thì lỗ là chính (vì công nghệ lạc hậu, qui mô manh mún, chắp vá). Đã vậy vốn đầu tư cho luyện phôi luôn cao gấp bốn lần cán thép.

Một bất cập khác là chính sách đầu tư theo phương châm cào bằng, bỏ qua việc khai thác lợi thế kinh tế.

Theo các cán bộ thị trường, miền Nam chiếm 45% thị phần cả nước nhưng chỉ góp 30% tổng sản lượng thép, còn thị trường miền Bắc chiếm 30% thị phần mà lại giữ 50% tổng sản lượng. Sự bất hợp lý này là vì chính sách đầu tư được nhìn từ góc độ cân đối vốn đầu tư giữa các địa phương và vì các mục đích chính trị xã hội khác.

Khi “trời yên bể lặng” thì sự mất cân đối này ít bộc lộ tác hại, nhưng khi gặp “bão gió” như hiện nay thì khu vực sản xuất nhiều bị ế thừa nhưng không thể đưa vào khu vực còn nhu cầu vì cước vận chuyển thép chiếm tỉ trọng khá lớn trong giá thành (200.000đ/tấn, bằng 4%).

Chiến lược... vỡ

Theo chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2020, vào năm 2000 VN chỉ cần 1,9 triệu tấn thép thanh (thép xây dựng đơn giản), đến năm 2005 khoảng 3,3 triệu tấn. Song song là lượng phôi có tốc độ tăng trưởng 15%/năm và đạt 1,5 triệu tấn vào 2005.

Tuy nhiên thực hiện hai chỉ tiêu này có hai tốc độ hoàn toàn khác nhau. Theo biểu đồ thống kê của Hiệp hội Thép, năm 1990 khi chỉ có Gang thép Thái Nguyên và Thép miền Nam hằng năm cung cấp cho cả nước một sản lượng thép 100.000 tấn.

Trong vòng 10 năm, các DN này đã không ngừng cải tạo nâng qui mô lớn gấp nhiều lần, cộng thêm gần 20 DN mới ra đời (đó là chưa tính hàng chục DN có công suất dưới 50.000 tấn/năm), đưa tổng công suất lên 5 triệu tấn/năm, gấp 50 lần so với năm 1990 và vượt mức cung của năm 2005 gần 2 triệu tấn.

Hiện một số dự án nữa sắp đi vào hoạt động và đến 2004 tổng công suất cả nước có thể lên đến 6 triệu tấn/năm. Còn sản lượng phôi đến nay vẫn chỉ đạt 500.000 tấn/năm.

Theo giấy phép đầu tư của các dự án cán thép, những nhà máy này đều phải sản xuất phôi khi bước vào giai đoạn hai. Tuy nhiên khi giai đoạn hai đã qua nhiều năm rồi nhưng cũng chưa DN nào đả động đến luyện phôi. Chỉ tiêu đến 2005 đạt 1,5 triệu tấn chỉ có VSC phải lo và hiện chương trình này mới đang khởi động.

Ông Phạm Chí Cường, phó chủ tịch Hiệp hội Thép, cho biết ngay khi thép xây dựng cung sắp vượt cầu (năm 2000), VSC, Bộ Công nghiệp và Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo các ngành, địa phương ngừng cấp phép cho các dự án thép cán nhưng hàng loạt nhà máy mới ở Hải Phòng, Ninh Bình... của Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục mọc. Và đến nay qui hoạch của ngành thép đã không như mong muốn của những người lập ra nó.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu VSC, ở đây có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, Nhà nước qui định phân cấp phê duyệt đầu tư ở nhiều cơ quan khiến các ngành, địa phương bỏ qua qui hoạch ngành chủ quản (thép), chạy theo chiến lược cục bộ, vẫn xây dựng các nhà máy cán thép. Các địa phương cho rằng có nhà máy thép là có cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là bàn đạp công nghiệp hóa.

Thứ hai, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ dự án khi xin cấp phép đã “ép” vốn đầu tư xuống dưới 100 tỉ đồng để vừa mức cấp địa phương đủ thẩm quyền xét duyệt. Sau khi được cấp phép họ từng bước xin tăng vốn. Có DN đã tăng gần gấp đôi số vốn đăng ký ban đầu. Có DN khi xin cấp phép thì đăng ký sản xuất chủng loại thép ống, nhưng vào sản xuất họ lại xin chuyển sản phẩm sang thép cuộn, thép dây.

Q.THIỆN - L.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    th\u00e9p VN ch\u1ec9 quan t\u00e2m s\u1ea3n xu\u1ea5t th\u00e9p th\u00e0nh ph\u1ea9m tr\u01b0\u1edbc, luy\u1ec7n ph\u00f4i sau." />