Trợ nông và rào cản xuất khẩu nông nghiệp: Bài học nào cho Việt Nam ?

TTCN - Sự đổ vỡ của hội nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Cancun do bất đồng ý kiến trong thương thảo về thương mại nông nghiệp, cũng như các bế tắc tương tự của kỳ họp sau cùng vào tháng 2-2003 ở Tokyo đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề trợ cấp nông nghiệp (trợ nông) được áp dụng mạnh mẽ ở các nước phát triển và được hỗ trợ bởi thuế quan cao là rào cản xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển.

Họ đã và đang trợ nông như thế nào?

Trợ nông là một vấn đề tranh chấp gay go trên thương trường quốc tế: một bên là các nước phát triển cao (như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay Nhật Bản) không chịu giảm bớt chi phí trợ nông hay mở cửa thị trường nông phẩm quốc nội; còn bên kia là các nước đang phát triển và xuất khẩu nông nghiệp mà lại không vào được thị trường các nước này để bán. 

Thí dụ điển hình nhất của trợ nông là Luật nông trại (Farm Bill) 2002 của Hoa Kỳ được ban hành năm 2001 với ngân sách dự chi lên tới 135 tỉ USD để trợ giúp nông dân Mỹ cho cả thập niên 2001-2011. 

Chính sách trợ nông là một hiện tượng chung xuất hiện trên toàn thế giới, nhất là ở các nước phát triển chứ không chỉ riêng cho nước Mỹ.

Ví dụ điển hình là các nước trong Tổ chức OECD (như Liên minh châu Âu, đông âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản) vẫn giữ mức trợ nông rất cao. Noi chung, ước lượng mức trợ cấp sản xuất là khoảng 38% trong năm 1986-1988 và 31% trong năm 2001 - nghĩa là chỉ giảm có 7% trong suốt 15 năm từ 1986 cho tới 2001. Tuy nhiên, mức trợ nông của các nước khác biệt nhau rất nhiều. 

Tính theo mức độ thì ước luợng trợ cấp sản xuất trong năm 2001 như sau:

Thụy Sĩ: 69%

Na Uy: 67%

Nhật: 59%

Liên minh châu Âu: 35%

Mỹ: 21%

Canada: 17%

Úc: 4%

Tân Tây Lan: 1%

Như vậy, thị trường nông phẩm ở Tân Tây Lan và Úc có thể được coi là thị trường tự do nhất bởi chính phủ thả lỏng chứ không dùng các chính sách trợ nông, trợ giá để can thiệp vào hoạt động của thị trường. 

Ngược lại, ba nước Thụy Sĩ, Na Uy và Nhật Bản là đứng đầu về chính sách can thiêp tích cực vào cơ chế thị trường. 

Tính theo nông phẩm, ước luợng mức trợ cấp sản xuất trong năm 2001 xếp hạng như sau:

Gạo: 81%

Đường: 45%

Sữa: 45%

Lúa mì: 36%

Ngô: 29%

Hạt có dầu: 28%

Bảng xếp hạng trên cho thấy gạo là một nông phẩm được các chính phủ không quản ngại xuất tiền để bảo vệ nhiều nhất. 

Ví dụ: Nhật còn triệt để bảo vệ nông dân trồng gạo bằng cách đánh thêm thuế quan nhập khẩu lên tới 490% để giữ thị trường gạo trong nước hoan toàn biệt lập với thị trường quốc tế. 

Vòng đàm phán Uruguay về nông nghiệp đòi hỏi các nước thành viên phải giảm thiểu các biện pháp trợ nông trong bốn lãnh vực chính như sau: bao cấp xuất khẩu, bao cấp quốc nội, đóng cửa thị trường và rào cản kỹ thuật. 

Vấn đề giảm trợ nông và mở cửa thị trường nông nghiệp là một trong những tranh chấp gay go nhất trong các hội nghị thương thuyết thương mại quốc tế trước khi WTO được thành lập. Ngay cả các kỳ họp WTO mới nhất ở Tokyo và Cancun cũng bị thất bại bởi vì quan điểm của 22 nước thành viên vẫn còn quá cách xa. 

Một điểm đáng lưu ý là chính sách trợ nông dễ đưa đến trường hợp bán phá giá bởi vì trợ cấp của chính phủ, dù trực tiếp hay gián tiếp, chỉ là cách giúp nông dân giảm bớt chi phí sản xuất. Nhờ có trợ cấp chính phủ, nông dân có thể xuất khẩu và bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất thường lệ ở trong nước. 

Ngược lại, nông dân nước bị bán phá giá sẽ không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu nếu không có (hoặc có ít hơn) trợ cấp chính phủ; kết quả là sẽ bị phá sản, mất cơ nghiệp nếu hàng nông phẩm ngoại quốc ồ ạt tràn vào bán phá giá.

Trong những trường hợp đó, chính phủ thường dùng biện pháp chống bán phá giá bằng cách đánh thêm thuế quan trừng phạt để buộc giá hàng nhập khẩu phải tăng cho bằng (hoặc cao hơn) giá hàng trong nước. Ví dụ gần nhất Chính phu Mỹ đổ tội VN bán phá giá cá ba sa để đánh thuế quan rất nặng.

Tuy nhiên, không phải chỉ riêng các nước đang phát triển là mang tiếng bán phá giá. Thật ra các nước phát triển (nhất là Mỹ và châu Âu) cũng bán phá giá ở cac nước đang phát triển và gây nên tình trạng phá sản của nông dân các nước này. 

Riêng ở Mỹ, trong vòng thập niên vừa qua, nhờ có trợ nông dồi dào, nông dân Mỹ đã có thể bán nông phẩm (như gạo, lúa mì, ngô, đỗ tương và bông) dưới 40% chi phí sản xuất trong nước. 

Sự phản đối quyết liệt của các nước đang phát triển và ngay cả của vài nước phát triển trong các cuộc hội nghị của WTO đòi giảm trợ nông và mở cửa thị trường cho thấy rõ tầm mức quan trọng của một thỏa hiệp về trợ nông cho toàn thế giới. Và đó cũng là điều đáng nhấn mạnh về thời điểm cấp bách cho VN gấp rút gia nhập WTO để có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của nông dân trên thương trường quốc tế.

Rút tỉa gì cho VN?

Rõ ràng là nông dân ở các nước tiên tiến được giúp đỡ rất nhiều về mặt kinh tế, tài chính, phát triển, kỹ thuật và hành chính. 

Ở các nước này, nhờ có nền nông nghiệp cơ giới phát triển cộng thêm sự giúp sức của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất của nông dân rất cao. Trung bình một nông dân có thể sản xuất thực phẩm đủ nuôi tới 200-300 người. 

Tuy nhiên, cũng chính vì mức năng suất quá cao này mà sức cung vượt sức cầu, thanh ra nông phẩm sản xuất dư thừa, giá cả xuống thấp, mức thu nhập sa sút; nông dân muốn bỏ lên thành thị. Nghĩa là nền nông nghiệp phát triển quá mạnh so với các khu vực khác nên bắt đầu đi vào con đường suy yếu. 

Do đó một trong những điểm oái oăm của chương trình trợ nông là phải khuyến khích nông dân giảm (chứ không phải tăng) số đất đai trồng trọt. Ví dụ như chính phủ trả phụ cấp nếu nông dân chịu bỏ ruộng hoang thay vì trồng trọt thêm. 

Trong khi đó, nền nông nghiệp VN hoàn toàn đi theo hướng ngược lại. Trên 70%-80% dân số sống ở nông thôn, kỹ thuật canh tác còn thô sơ, thủ công, năng suất chưa cao. Cộng thêm yếu tố văn hóa và phong tục, ý tưởng bỏ ruộng hoang là một điều không thể chấp nhận được đối với nông dân. 

Do đó chính sách khuyên dân bỏ ruộng hoang khó có thể được áp dụng cho VN, ít nhất trong giai đoạn hiện thời. Tuy nhiên, nông dân sẽ rất cần được trợ giúp về kỹ thuật, kinh tế, tài chính, thị trường để tăng năng suất nông phẩm và cạnh tranh trên thương trường quốc tế. 

Thí dụ như về mặt tài chính, các chương trình tín dụng như cho vay nhẹ lãi, trả vật thay tiền, giúp vốn làm mùa, tài chính vi mô, xóa nợ hay triển hạn những khi túng bấn chắc chắn sẽ giúp nông dân vừa có thêm vốn để sản xuất mà cũng vừa bớt được vấn đề tương lai bấp bênh. 

Về mặt thị trường, cũng cần có thêm chương trình giúp nông dân áp dụng kỹ thuật tiếp thị (như chất lượng, giá cả, bao bì, quảng cáo, dịch vụ) để cạnh tranh với nông dân nước khác.

Mặt khác VN chưa vào được WTO nên không có tiếng nói hay ra tòa kiện tụng để bảo vệ quyền lợi trong thương trường quốc tế; cộng thêm nước vừa nhỏ vừa nghèo nên không có nhiều “bùa chú” khi cần đòi hỏi thương mại đối với các nước khác. Thương thuyết là phương tiện độc nhất hiện có để bảo vệ nông dân về phương diện đối ngoại. 

Ngoài việc bảo tồn cơ sở sản xuất nông nghiệp bằng cách giúp đỡ ngắn hạn các trại cá cho khỏi bị phá sản, đẩy mạnh thị trường nội địa, phát triển thêm thị trường ở nước khác, VN cần tăng cường các cuộc vận động hành lang (lobby) thuận lợi cho mình ngay trong nội địa nước Mỹ - đây là một điểm rất quan trọng cho các nước nhỏ muốn thương thuyết thành công.

VN cần gấp rút gia nhập WTO, liên minh với các nước bạn, tăng cường khả năng thương thuyết cùng lobby để có thêm phương tiện bảo vệ nông dân trong nền kinh tế toàn cầu. 

 Phụ cấp

Phụ cấp là một trong những phương pháp thông dụng vừa để giúp nông dân có thêm thu nhập mà cũng vừa để ổn định thị trường nông phẩm trong nước. Phụ cấp thường chia ra làm hai loại như sau:

* Phụ cấp trực tiếp: chính phủ trả phụ cấp thẳng cho nông dân trồng gạo, ngũ cốc và một số nông phẩm đặc biệt. Phụ cấp trực tiếp hoàn toàn tách rời khỏi thị trường; nghĩa là giá cao hay giá thấp, nông dân vẫn được nhận tiền phụ cấp của chính phủ.

* Phụ cấp nghịch kỳ: khác với phụ cấp trực tiếp, ở đây chính phủ chỉ trả tiền phụ cấp cho nông dân khi nào giá nông phẩm xuống thấp hơn giá mục tiêu qui định theo Luật phụ cấp nghịch kỳ giúp nông dân khỏi bị lệ thuộc vào chu kỳ lên xuống của thị trường.

Trợ giá

Chương trình trợ giá được áp dụng cho một số nông phẩm đặc biệt như bơ sữa, đậu phộng và đường. Trợ giá khác với phụ cấp ở chỗ chính phủ tích cực can thiệp vào trong thị trường để giữ giá nông phẩm lúc nào cũng cao hơn giá mục tiêu bằng cách mua lại tất cả các lượng nông phẩm bị ứ đọng. Theo lẽ thông thường, với gia mục tiêu cao hơn giá quân bình thị trường, lượng cung sẽ vượt lượng cầu.

Tuy nhiên, với chương trình trợ giá, chính phủ sẽ xuất tiền mua hết tất cả các số hàng ứ đọng; kết quả là giá nông phẩm vẫn cao mà hàng ứ đọng thì không còn nữa. Nông dân có thêm thu nhập, nhưng không phải bằng tiền phụ cấp, mà bằng tiền bán nông phẩm cho chính phủ theo giá mục tiêu qui định theo luật.

Luật còn thiết lập chương trình trợ giá riêng cho ba nông phẩm đặc biệt này đặc biệt về đường, có những khi chính phủ phải mua quá nhiều đường để giữ giá cho nông dân thành thử đường bị ứ đọng đầy trong kho.

Trong trường hợp này, luật thiết lập chương trình trả hiện vật thay tiền như sau: nông dân trồng củ cải đường ký giao kèo cam kết bỏ một phần ruộng hoang, không trồng trọt; để bù lại, chính phủ xuất đường trong kho ra trả cho nông dân, rồi nông dân mang đường ra bán trong thị trường. Như vậy, nông dân dù không trồng trọt vẫn có thu nhập; còn chính phủ thì giảm được số lượng đường tồn kho.

Tín dụng

Dù rằng nền khoa học kỹ thuật canh nông của Mỹ đã tiến vượt bực, làm nghề nông vẫn không thể tránh khỏi những hiểm họa mất mùa vì thiên tai như hạn hán, lũ lụt, mưa đá, mưa tuyết, sâu bọ, bệnh tật. Nông dân có thể phòng ngừa những trường hợp rủi ro đưa tới tình trạng phá sản bằng cách mua bảo hiểm mùa màng. Chính phủ trợ giúp nông dân bằng cách hoàn lại một phần tiền mua bảo hiểm, nghĩa là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho phí tổn sản xuất. Ngoài bảo hiểm, luật còn qui định chính phủ phải thiết lập nhiều chương trình giúp nông dân vay tiền làm mùa.

Chương trình cho vay vốn làm mùa cho phép nông dân dùng nông phẩm sẽ thu hoạch trong năm tới để làm vật bảo đảm cho các khoản vay làm mùa. Ngoài những chương trình cho vay của chính phủ, còn có thêm hệ thống tín dụng nông trại gồm có các ngân hàng và hiệp hội tín dụng chuyên cho nông dân vay tiền để mua ruộng đất, nhà cửa ở nông thôn, và trang trải chi phí vận hành.

Phát triển nông thôn

Luật qui định ngân sách dự trù cho các chương trình phát triển nông thôn như xây dựng cộng đồng nông thôn, hệ thống dẫn nước và cống rãnh, cơ sở viễn thông, kỹ thuật viễn y (telemedicine), giáo dục từ xa, truyền hình địa phương, và thương mại điện tử nông thôn.

Thương mại quốc tế

Luật qui định các chương trình phát triển thị trường quốc tế cho các nông phẩm sản xuất trong nước, ví dụ như mở rộng thị trường, phát triển thị trường ngoại quốc, trợ giúp xuất khẩu và bảo đảm tín dụng xuất khẩu. Ngoài ra còn có các chương trình phát triển quôc tế và trợ giúp thực phẩm để giúp tiêu thụ nông sản, như Thực phẩm cho hòa bình, Thực phẩm cho tiến bộ, Thực phẩm cho giáo dục và dinh dưỡng...

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận