21/10/2003 09:13 GMT+7

Kỳ 2: Vụ án bị chôn vùi như thế nào?

Cam Ly (trích dịch)
Cam Ly (trích dịch)

TT - Cuộc điều tra vụ án Tiger Force kéo dài từ tháng 2-1971 đến tháng 6-1975, qui tụ hơn 100 nhân viên điều tra quân đội, thẩm vấn 137 người tại 63 thành phố trên toàn nước Mỹ và tại Đức, Hàn Quốc, Philippines. Cuộc điều tra vụ án Tiger Force (còn được gọi là vụ “Cáo buộc của Coy”) được xếp loại “khẩn cấp bậc 1”, là vụ điều tra về tội ác chiến tranh dài nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Tiger Force và những cuộc thảm sát tại Quảng Ngãi:

FFzPZc8T.jpgPhóng to
Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger (bên trái), trung úy Donald Wood (bên phải)
TT - Cuộc điều tra vụ án Tiger Force kéo dài từ tháng 2-1971 đến tháng 6-1975, qui tụ hơn 100 nhân viên điều tra quân đội, thẩm vấn 137 người tại 63 thành phố trên toàn nước Mỹ và tại Đức, Hàn Quốc, Philippines. Cuộc điều tra vụ án Tiger Force (còn được gọi là vụ “Cáo buộc của Coy”) được xếp loại “khẩn cấp bậc 1”, là vụ điều tra về tội ác chiến tranh dài nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Tháng 7-1967, đại úy Carl James đi thị sát thung lũng sông Vệ không báo trước, và phát hiện thi thể một lão nông trên cánh đồng. James chất vấn người đứng đầu trung đội Tiger Force lúc đó là trung úy James Hawkins, nhưng Hawkins đã không trả lời một cách thỏa đáng. Đại úy James khiển trách trung úy Hawkins nhưng không báo cáo lên cấp trên theo đúng nguyên tắc quân đội. Theo điều tra của The Blade, đó là lần đầu tiên một chỉ huy cấp trên của Tiger Force làm ngơ trong việc ngăn chặn các vụ bắn giết tại Quảng Ngãi.

Nhiều trường hợp tương tự diễn ra trong suốt năm 1967. Harold Austin, chỉ huy tiểu đoàn, phụ trách trung đội Tiger Force, cho biết văn phòng của ông ngay từ đầu năm 1967 đã nhận được những báo cáo về việc thành viên Tiger Force cắt các phần thân thể của người Việt bị giết hại, nhưng họ đã không tiến hành điều tra. Từ tháng 8-1967, hai lính dù của Tiger Force - trung úy Donald Wood và trung sĩ Gerald Bruner - liên tục báo cáo cho các chỉ huy cấp trên rằng Tiger Force đang sát hại thường dân không vũ trang nhưng không nhận được phản hồi. Trung úy Wood sau đó tiếp tục gửi thư đến văn phòng tổng điều tra lục quân ở Fort Bragg.

Sự tắc trách của cơ quan điều tra

Ngày 19-10, trả lời chất vấn của Hãng tin AFP, người phát ngôn Lầu Năm Góc tuyên bố: “Bộ Nội vụ Mỹ không có kế hoạch xem xét lại hồ sơ vụ án Tiger Force vì không có những chứng cứ mới và đáng thuyết phục. Vụ việc này đã diễn ra hơn 30 năm qua”.

Ngày 3-2-1971, trung sĩ Gary Coy lên tiếng về vụ một lính Tiger Force chặt đầu một em bé người Việt. Văn phòng điều tra tội ác quân đội bắt đầu tiến hành điều tra theo lệnh của đại tá Henry H. Tuffs. Theo hồ sơ giải mật, ít nhất sáu thành viên Tiger Force bị tình nghi tham gia thảm sát đã được cho phép giải ngũ trong thời gian điều tra; ba kẻ tình nghi khác chết trong các cuộc giao tranh; 11 lính Mỹ có khả năng làm nhân chứng cũng đã bị thuyên chuyển hoặc giải ngũ nên không bị bắt buộc ra điều trần. Các nhà điều tra Mỹ cũng đã không đến VN để tìm kiếm nhân chứng sống trong quá trình điều tra.

Hai cựu binh Tiger Force tiết lộ cho The Blade biết họ đã được các nhà điều tra khuyến khích giữ im lặng. Dan Clint, một trong hai nhân chứng, nói một nhân viên điều tra tên Robert DeMario đã gọi điện yêu cầu: “Làm ơn hãy nói rằng anh không nhớ gì cả, để tôi có thể bỏ qua vụ này”. Sau đó, trong cuộc thẩm vấn chính thức ngày 17-1-1974, Clint tuyên bố không chứng kiến một tội ác chiến tranh nào tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới đây với The Blade, Clint thừa nhận lực lượng Tiger Force đã hãm hiếp và bắn giết dân làng dù không bị khiêu chiến. Cựu binh thứ hai, William Doyle, trả lời “không bình luận” trong cuộc thẩm vấn ngày 17-2-1975, nhưng trong cuộc phỏng vấn mới đây đã thú nhận chính mình có tham gia các vụ thảm sát.

Sai lệch của báo cáo cuối cùng

Các nhà điều tra lục quân Mỹ đưa ra kết luận điều tra vào tháng 6-1975 để xem xét khả năng khởi tố. Bản báo cáo cuối cùng nêu rõ 20 tội ác chiến tranh trong đó có mức tội danh cao nhất là giết người. Tuy nhiên, nhiều thông tin trong báo cáo này đã bị làm sai lệch đi.

Vụ sai lệch lớn nhất trong báo cáo kết luận điều tra liên quan đến vụ sát hại phụ nữ và trẻ em trong các hầm trú gần Chu Lai. Bốn lính Tiger Force bị thẩm vấn khẳng định phụ nữ và trẻ em trốn trong các hầm trú này không mang vũ khí. Cựu binh nhì Ken Kerney thú nhận đã thấy trẻ em chạy vào các hầm này. Tiger Force đã đặt lựu đạn ở tất cả các cửa hầm, giết toàn bộ người trong hầm, sau đó chui vào hầm để xác định không có một người nào là “đối phương”. Tuy nhiên trong báo cáo cuối cùng, người đứng đầu nhóm điều tra Gustav Apsey viết rằng không rõ những người bị giết trong các hầm trú ấy có phải là đối phương có vũ trang hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Gustav Apsey không thể giải thích được vì sao có những sai lệch như vậy trong bản báo cáo kết luận cuối cùng. Ông cũng thừa nhận việc sát hại phụ nữ và trẻ em trong các hầm trú “là tội ác chiến tranh”. Ông giải thích có lẽ vì trong thời điểm đó các chứng cứ không rõ ràng. Tuy nhiên, hồ sơ giải mật nêu rõ vào năm 1975, các nhân chứng của những vụ thảm sát hoàn toàn có thể ra điều trần để tiếp tục cuộc điều tra.

Vụ án Tiger Force bị chôn vùi vì lý do chính trị?

Theo số liệu của Cục Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, 1/3 trong số 242 cuộc điều tra liên quan đến tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã được khởi tố, trong đó có 21 vụ bị kết án với mức án từ 30 ngày đến 20 năm tù giam.

Theo hồ sơ, các bản tóm tắt kết quả điều tra được chuyển đến Nhà Trắng hằng tuần, bắt đầu từ tháng 5-1971 theo yêu cầu của cố vấn trưởng của tổng thống Richard Nixon, ông John Dean. Đến năm 1973, các văn bản này được chuyển đến Nhà Trắng theo định kỳ hằng tháng. Cùng một văn bản này đã được chuyển từ văn phòng chỉ huy lục quân Howard “Bo” Callaway đến văn phòng bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là James Schlesinger.

Tháng 6-1973, thiếu tướng DeWitt Smith thuộc lục quân chấm dứt gửi tóm tắt báo cáo điều tra vì lý do “mối quan tâm của công luận và báo chí Mỹ đã giảm sút đi”. Trong cuộc phỏng vấn với The Blade mới đây, John Dean cho biết “chính phủ (thời điểm đó) không thích nghe những chuyện xấu xa”.

Cho đến đầu năm 1974, Tiger Force là vụ án chiến tranh cuối cùng đang trong vòng điều tra nhưng không hề được công luận Mỹ biết đến. Không một trường hợp nào được nêu trong kết luận điều tra (18 người với 20 tội danh) bị khởi tố. Ngay cả một cuộc điều trần theo điều khoản 32 (tương đương với điều trần trước một bồi thẩm đoàn) cũng không được tiến hành.

Khoảng năm tháng sau khi báo cáo cuối cùng được công bố, chỉ huy Tiger Force - trung úy Hawkins - được triệu tập lên Lầu Năm Góc, và nhận được thông báo rằng vụ việc đã được xếp lại. “Họ (tại Lầu Năm Góc) nói rằng: Vâng, quả là có chuyện sai trái thật, và chúng tôi biết về điều đó. Nhưng căn bản là việc tiếp tục theo đuổi vụ việc này không có lợi cho ai” - cựu binh Hawkins nhớ lại. Nhân vật này cũng thừa nhận vụ án Tiger Force đã được giữ kín vì Bộ chỉ huy lục quân không muốn công luận Mỹ biết đến vụ này, nhất là khi vụ thảm sát Mỹ Lai đã được công bố. Hawkins sau đó được thăng cấp thiếu tá, về hưu năm 1978.

Đến tháng 11-1975, vụ án Tiger Force chính thức bị đóng hồ sơ. Vào thời điểm này trung sĩ Gary Coy, người giúp khởi đầu quá trình điều tra, nhận được thư khiển trách của quân đội. Cựu binh Coy năm nay 56 tuổi, đang sống tại bang Missouri.

Kỳ sau: Chuyện của những chứng nhân ở Quảng Ngãi

Theo dòng sự kiện:

- Kỳ I: Tiger Force - 7 tháng thảm sát

Cam Ly (trích dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên