16/10/2003 06:14 GMT+7

Phong "sơmi" và nỗi lo vào đại học

PHƯƠNG NAM
PHƯƠNG NAM

TT (Bình Thuận) - Ngày Lê Thanh Phong khăn gói lên TP.HCM chuẩn bị bước chân vào năm 1 trường ĐH Nông lâm TP.HCM là ngày buồn rơi nước mắt: chiếc Cub cánh én cũ mèm - cái cần câu cơm quí giá nhất của gia đình mà ba vẫn chạy xe ôm - bị cảnh sát giao thông tịch thu vì không có giấy tờ; cậu em kế chín năm liền là học sinh giỏi lặng lẽ không đến trường, xách áo quần bỏ đi đâu biệt tăm! Ôm người mẹ nhỏ thó, xanh rớt vì bị hẹp van tim, Phong khẩn khoản xin ở lại. Hôm đó cả nhà đều khóc...

Tiếp sức đến trường

RSwdR2cW.jpgPhóng to
Lê Thanh Phong trên giảng đường Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - Ảnh: Văn Hải
TT (Bình Thuận) - Ngày Lê Thanh Phong khăn gói lên TP.HCM chuẩn bị bước chân vào năm 1 trường ĐH Nông lâm TP.HCM là ngày buồn rơi nước mắt: chiếc Cub cánh én cũ mèm - cái cần câu cơm quí giá nhất của gia đình mà ba vẫn chạy xe ôm - bị cảnh sát giao thông tịch thu vì không có giấy tờ; cậu em kế chín năm liền là học sinh giỏi lặng lẽ không đến trường, xách áo quần bỏ đi đâu biệt tăm! Ôm người mẹ nhỏ thó, xanh rớt vì bị hẹp van tim, Phong khẩn khoản xin ở lại. Hôm đó cả nhà đều khóc...

Hoa xương rồng trên cát

Lèn chặt 1,5 triệu đồng mà mẹ đã chạy vạy ba bốn chỗ mới có được, ngồi trên xe đò Phong nhẩm tính tiền trường, tiền bảo hiểm này nọ đã hết 1,1 triệu, số còn lại Phong tính sẽ mua chiếc xe đạp cũ và ăn nhín chờ kiếm chỗ làm thêm.

Bước chân xuống cổng Đại học Nông lâm, Phong không thể tin vào mắt mình khi thấy cậu em kế Lê Thanh Khiết đã đứng đó, miệng cười tươi rói. Thì ra cậu em chẳng bỏ đi bụi gì sất, nó muốn giúp anh vào giảng đường đại học bằng cách riêng của mình!

Nhờ người bà con, Khiết xin được chân phụ việc ở cơ sở giày dép Ngọc Minh tại chợ Việt Lập (Thuận An, Bình Dương) cách Trường Nông lâm 3km với lương tháng 300.000đ. Để đón anh vào, Khiết đã bảo lãnh với ông chủ cho Phong ở miễn phí. Ngoài số tiền tiêu vặt và gửi về gia đình, Khiết hứa sẽ trích phụ tiền ăn cho anh. Cậu thiếu niên chưa đầy 16 tuổi nói với mẹ: “Sau này khi anh Phong ra trường, con đi học bổ túc cũng không muộn...”.

Ở thôn Nghĩa Châu (xã Tân Nghĩa, Hàm Tân, Bình Thuận) hay ở trường, anh em Phong đều nổi tiếng là siêng năng, học giỏi và hiếu thảo. Cách nay hơn ba năm, báo Mực Tím đã có bài viết và đăng ảnh về đôi anh em này với bài “Hoa xương rồng trên cát” để ghi nhận nỗ lực vượt khó học tập của anh em Phong...

Anh Hai bán tạp hóa gần nhà Phong thật thà nói: “Thằng Phong đậu đại học là chuyện đơn giản đối với nó, nhưng cho nó đi học thì tôi không tin nổi vì ở đây ai không biết gia đình nó quá nghèo!”. Đúng là quá nghèo nên Phong chỉ có độc nhất một chiếc áo trắng lành lặn đến trường, từ khi vào cấp III Phong “chết tên” luôn để “cặp kè” với chiếc áo sơmi ngả màu của mình.

Mẹ Phong kể: “Nó quí cái áo lắm, đi học đường xa về bụi bặm là giặt liền đem phơi mới ăn cơm”. Mỗi ngày Phong thức dậy từ mờ sáng, vét chén cơm nguội nhín lại từ tối hôm trước rồi gò lưng hơn 18km tới Trường THPT Hàm Tân.

Về nhà, buông đũa là lập tức Phong và em trai lại lao ngay vào công việc, mỗi buổi làm cỏ lúa, xới bắp hay vun lang hai anh em được trả công 15.000đ. Có được số tiền làm thêm phần phụ mua gạo, còn lại hai anh em hùn trả tiền gửi xe ở trường với giá 500đ/buổi học rồi tự lo trang trải tiền đến trường cho cô em út năm nay vừa vào lớp 9...

“Mong con ra trường là mãn nguyện...”

Cả xóm ai cũng mừng và lo khi nghe tin LêThanh Phong thi đậu hai trường ĐH Nông lâm và Cao đẳng Xây dựng số 2, TP.HCM, mỗi người đều có cách giúp riêng cho cái gia đình luôn nằm trong danh sách cứu đói này.

Từ lúc ông Nhã (cha Phong) bị tịch thu xe, cánh xe ôm ở ngã ba 46 (Hàm Tân) vẫn đều đặn mỗi ngày tới nhà chở ông ra bến, họ giúp ông bằng cách cho mượn xe chạy những cuốc gần.Trừ tiền đổ xăng, mỗi ngày ông Nhã cũng kiếm được 10.000đ. Hôm chúng tôi đến ông Nhã vừa đem về 12.000đ, nhín 5.000đ cho Phong, còn lại ông sai con gái đong gạo và gói mì làm canh “cho mẹ con dễ ăn...”.

Vợ chồng ông Nhã trước đây đều là công nhân của Công ty Cao su Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm Phong “sơmi” lên tám, ông Nhã ngã bệnh nằm liệt giường, sau này đi khám mới biết mắc bệnh phổi. Thương chồng, bà Oanh cố làm thay gấp đôi và bệnh hẹp van tim tái phát quật ngã. Nghỉ việc theo chế độ mất sức, họ dắt díu nhau về quê vợ ở Tân Nghĩa tìm kế sinh nhai.

Bà Tám, người đã ở Nghĩa Châu gần 30 năm, cho biết: “Tụi nó nghèo lắm không có chòi để ở, nhà nó ở bây giờ là do người anh chết để lại”. Gọi là căn nhà chứ thật ra đó chỉ là căn chòi dột nát, vách được ghép bằng đủ loại ván bìa cũ, mục ruỗng. Nền nhà được đầm đất sét trộn với tro bếp cho giống ximăng đã bị mưa dột lồi lõm.

Từ căn nhà này, anh em Phong đã lớn lên như những cây xương rồng đầy gai nhưng vẫn nở hoa, cả ba anh em năm nào cũng được nhận học bổng của trường, của địa phương.

Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Ngọc Hiệp, chủ tiệm giày dép Ngọc Minh, cho biết hiện Phong đang ở miễn phí chỗ cơ sở của ông, mỗi ngày đi học về Phong giúp việc thêm nên cơ sở cho Phong ăn cơm trưa không tính tiền. Tuy nhiên theo ông Hiệp, tiệm giày dép của ông rất ồn ào chỉ sợ ảnh hưởng đến việc học tập của Phong.

Cách đây hai hôm, Phong nhắn về với mẹ xin tạm nghỉ một năm để đi làm vì không nỡ nhìn cảnh vì mình mà cả gia đình phải khổ cực, lao đao. Ông Nhã đã phải gửi “tối hậu thư” đề nghị Phong bỏ ngay cái suy nghĩ “giết cả nhà” như thế, vì ông chỉ mong thấy con tốt nghiệp đại học là chết cũng mãn nguyện...

PHƯƠNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên