08/10/2003 06:29 GMT+7

Xác ướp vẫn còn "ký gửi"

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Một xác ướp còn nguyên vẹn (còn bọc da) trong quan tài gỗ đã được người dân tại xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn (TP.HCM) phát hiện cách đây nửa năm. Sở VH-TT TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo Bảo tàng TP.HCM tiếp nhận xác ướp này để trưng bày nhưng đến nay cái xác cổ này vẫn đang “ký gửi” tại Đại học Y dược TP.HCM. Vì sao?

DgclvWqt.jpgPhóng to
Xác đang được khám nghiệm, bên cạnh là đôi hài còn nguyên

Tiến sĩ Đặng Văn Thắng - phó giám đốc bảo tàng TP.HCM - cho biết:

- Trước hết, xin nói rõ đây là một cái xác cổ, có thể không phải là xác ướp mà vì những kỹ thuật tẩm liệm và chôn cất của người xưa khiến cái xác không bị phân hủy bởi vi khuẩn. Từ khi phát hiện cái xác này (16-4-2003), Bảo tàng TP.HCM đã khảo sát hiện trường, lập hồ sơ khoa học, hợp đồng với Đại học Y dược TP.HCM để họ xử lý xác bằng kỹ thuật chuyên môn nhằm tránh hư hoại về sau.

Hiện Đại học Y dược đã xử lý xong cả cái xác lẫn những vật liệu còn thu được như áo, vải, một đôi hài... Tất cả những vật dụng này đều có giá trị nghiên cứu và sẽ được trưng bày. Kể cả cái quan tài bằng gỗ tốt, còn gần như nguyên vẹn, chúng tôi đang gửi tại nhà truyền thống Ngã Ba Giồng, Hóc Môn.

* Dưới góc độ chuyên môn, ông có thể nói về giá trị của cái xác này?

- Đây là một phát hiện rất có giá trị về khảo cổ. Cái xác một người đàn ông cao khoảng 1,5m được chôn trong áo quan không theo kiểu chôn “trong quan ngoài quách” như trước đây đã khai quật được một cái xác (bà Nguyễn Thị Hiệu, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN TP.HCM) ở khu vực quận 5.

Như vậy, điều đầu tiên rút ra được là cư dân Sài Gòn - TP.HCM xưa có ít nhất hai kiểu táng: một là táng theo lối trong quan ngoài quách - có lẽ dành cho tầng lớp thượng lưu; và táng theo kiểu vừa phát hiện đây, tức chỉ có áo quan, không có quách - có lẽ thuộc tầng lớp bình dân.

Ngoài ra, áo quan khai quật lần này có kiểu nắp bằng, không phải nắp khum hình nửa thân cây như ta thường thấy. Kiểu nắp áo quan này đã thấy ở Hải Dương và một số nơi miền Trung, nhưng đây là lần đầu thấy ở TP.HCM.

Xét trên kiểu dáng áo, vải và đôi hài còn gần như nguyên vẹn, có thể kết luận xác này có niên đại từ thế kỷ XIX trở về trước. Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu xác, quần áo, vải và cả cái quan tài để có thể rút ra những kết luận khoa học.

* “Hàng cổ” quí hiếm này chắc sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Vậy mà vì sao vẫn chưa được đưa ra trưng bày?

- Lý do: thời gian qua phải chờ Đại học Y dược xử lý chuyên môn, và bảo tàng cũng chưa chuẩn bị được một phòng trưng bày đủ điều kiện. Vì trưng bày xác ướp phải có những điều kiện nhất định về nhiệt độ trong phòng, chế độ bảo trì định kỳ bằng kỹ thuật của ngành y...

Thời gian qua, chúng tôi bận chuẩn bị phòng trưng bày đấu tranh cách mạng 1930-1945, mừng Nam kỳ khởi nghĩa 23-9 và trưng bày chuyên đề “TP.HCM - những chặng đường lịch sử”.

Hiện chúng tôi lại đang rất bận triển khai một phòng trưng bày về VN và các kỳ Sea Games. Sau đó sẽ bắt tay vào thiết kế chỗ trưng bày hai cái xác ướp (luôn cả xác bà Nguyễn Thị Hiệu) để phục vụ công chúng. Còn tạm thời chúng tôi vẫn gửi tại khoa phẫu Trường đại học Y dược TP.HCM.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên