29/09/2021 10:46 GMT+7

Trùng tu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo hướng nào?

D.NGỌC HÀ ghi
D.NGỌC HÀ ghi

TTO - Các chuyên gia cho rằng việc trùng tu, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh nên tiết kiệm và phải có sự kết nối với cảnh quan sông Sài Gòn và công viên Bến Bạch Đằng.

Trùng tu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo hướng nào? - Ảnh 1.

Tượng đài Trần Hưng Đạo đối diện bến Bạch Đằng ở trung tâm thành phố hiện xuống cấp - Ảnh: TỰ TRUNG

Sở Xây dựng TP.HCM đang xây dựng phương án trùng tu tượng đài Trần Hưng Đạo cùng công viên Mê Linh (dưới chân tượng đài) để trình UBND TP.

Trước đó, UBND TP.HCM cho biết sẽ lấy ý kiến người dân về việc trùng tu, tôn tạo tượng đài Đức thánh Trần. Việc trùng tu, tôn tạo tượng đài cùng khu công viên này nên như thế nào, Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia:

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Kết nối không gian công viên Mê Linh với bờ sông

Không gian khu vực này rất đẹp, từ tượng Trần Hưng Đạo nhìn thẳng ra công viên Bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn. Nếu chỉnh trang thì tôi cho rằng không chỉ chỉnh trang công viên Mê Linh mà chỉnh trang cả công viên bên kia đường.

Tượng Đức thánh Trần ghi lại tích Trần Hưng Đạo trước khi xuất quân đánh quân Nguyên Mông đã chỉ tay xuống sông và thề rằng "Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này nữa!".

Trùng tu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo hướng nào? - Ảnh 2.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Ảnh: T.T.D.

Hiện nay tại công viên đối diện có một công trình khiến tầm nhìn từ tượng ra sông bị cản trở. Theo tôi, nên bỏ tòa nhà này đi để trả lại nguyên bản công trình và ý nghĩa về tâm linh, văn hóa của quần thể này trọn vẹn hơn, không gian công viên Mê Linh nối liền một dải đi thẳng ra bờ sông.

Chỉnh trang công trường Mê Linh phải kết hợp với công viên Bến Bạch Đằng, đoạn đường giữa hai khu này không phải lát nhựa đường mà lát gạch ốp lát cùng loại với hai công viên.

Phía sau tượng là những tòa nhà cao tầng, tuy nhiên cây xanh khu vực này chưa được đẹp, cần bổ sung cây xanh phía sau tượng đài thành một vành đai cây xanh ôm quanh công viên Mê Linh và mở tầm nhìn ra sông Sài Gòn.

Trên khối đế của các tòa nhà cao tầng xung quanh công viên, cần trồng cây xanh trên các vách quay ra công viên. Đồng thời cần xử lý vấn đề chiếu sáng để tạo công viên này thành điểm nhấn cho khu vực bờ sông Sài Gòn.

Cần quy hoạch và chỉnh trang nguyên khu vực chứ không riêng công viên Mê Linh và tượng Trần Hưng Đạo, tạo thành một không gian công cộng thân thiện hơn với người đi bộ.

Vì khu vực này là một điểm nhấn đô thị quan trọng của khu trung tâm TP nên cần có quy hoạch không gian và các công trình xung quanh công viên, khoảng lùi để bảo đảm độ thoáng cho không gian công viên và tượng đài.

KTS Khương Văn Mười (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam):

Nên tôn tạo đơn giản, đủ trang nghiêm

Khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, công viên Mê Linh, đường Tôn Đức Thắng và công viên Bến Bạch Đằng đã được nghiên cứu quy hoạch trong khu 930ha của khu trung tâm TP.HCM. Giá trị pháp lý, giá trị quy hoạch về mặt không gian của khu vực này hiện vẫn còn nguyên, và theo tôi, đã rất hợp lý cho khu vực này.

Trùng tu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo hướng nào? - Ảnh 3.

KTS Khương Văn Mười - Ảnh: T.T.D.

Hiện nay, những công trình theo quy hoạch của khu vực này như làm công trình ngầm dọc đường Tôn Đức Thắng và phía dưới công viên Bến Bạch Đằng, công viên Mê Linh, cải tạo công viên Bến Bạch Đằng, làm đường lấn ra phía sông Sài Gòn… chưa được thực hiện.

Nếu hiện nay các công trình ở khu vực này xuống cấp, nhếch nhác thì chỉ cần trùng tu, tôn tạo đơn giản, chắc chắn và vừa đủ trang nghiêm, sạch sẽ và thoáng đãng.

KTS Nguyễn Trường Lưu (chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM):

Giữ lại không gian hiện hữu, mở thông thoáng qua đến Thủ Thiêm

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là một trong 10 vị tướng giỏi nhất thế giới mọi thời đại, nên trong lòng người dân, tướng Trần Hưng Đạo đã trở thành "vị thánh". Vì vậy, tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh rất đáng được tôn tạo cho đẹp hơn và giữ bền lâu hơn với thời gian.

Trước đây, các cơ quan chức năng đã khảo sát và đánh giá về công trình này với nội dung: "Quy mô tượng, bệ tượng và không gian hiện tại là phù hợp, vị trí là một quảng trường rộng, cảnh quan môi trường tốt….". Tuy nhiên, về kỹ thuật thì tượng đài cụ Trần Hưng Đạo có nhược điểm là thiếu phong cách thể hiện, khối và ánh sáng thiếu, chất liệu không bền vững.

Theo tôi, nên giữ lại không gian hiện hữu, chỉ tôn tạo cảnh quan cho đẹp và phù hợp hơn. Về không gian ở công viên Bến Bạch Đằng, nên nghiên cứu chung với không gian của công viên Mê Linh dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo.

Trùng tu tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo theo hướng nào? - Ảnh 4.

KTS Nguyễn Trường Lưu - Ảnh: T.L.

Cần di dời bến thuyền, canô hiện hữu (kể cả khi đường Tôn Đức Thắng được quy hoạch ở đoạn này trở thành công viên và đường giao thông cơ giới đi ngầm bên dưới), để từ công viên Bến Bạch Đằng và bên kia sông khu đô thị mới Thủ Thiêm có thể chiêm ngưỡng được tượng đài.

Tên của tượng cần ghi đầy đủ "Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn" thay cho ba chữ "Trần Hưng Đạo" ở bệ tượng hiện nay. Và cần nghiên cứu cho đúc lại tượng bằng chất liệu đồng theo tỉ lệ và mẫu tượng hiện hữu.

Theo một số tài liệu, tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt ở công viên Mê Linh vào năm 1967 do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác trong cuộc thi do Quân chủng Hải quân (chính quyền Sài Gòn) tổ chức. Tượng bằng bêtông cốt thép, cao 4m, được đặt trên đế hình ba cạnh cao 12m.

Bức tượng thể hiện hình ảnh tướng Trần Hưng Đạo mặc giáp phục, một tay đặt lên đốc kiếm, một tay chỉ về hướng sông Sài Gòn một cách dũng mãnh.

Ba mặt đế tượng có 6 bức phù điêu diễn tả lại các trận đánh tiêu diệt giặc ngoại xâm của tướng Trần Hưng Đạo. Nhiều hình ảnh được cho là chụp từ 1967, khi tượng đài mới khánh thành có một lư hương lớn đặt trước chân đế tượng về hướng sông Sài Gòn.

Tháng 6 vừa qua, UBND quận 1 cũng đã trình UBND TP phương án trùng tu, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh với tổng kinh phí khái toán khoảng 32,5 tỉ đồng.

KTS VÕ KIM CƯƠNG:

Giữ công viên Bến Bạch Đằng như một khoảng lặng

kts vokimcuong1

Ảnh: TỰ TRUNG


Cần kết nối công trường Mê Linh với Bến Bạch Đằng. Theo tôi, cũng không cần xây dựng khu vực này cho lộng lẫy hay cao cấp. Bản thân bến Bạch Đằng vốn là bờ sông, hãy trả nó về cái giản dị vốn có của một công viên bờ sông, một khoảng lặng giữa đô thị sầm uất, có bãi cỏ, có cây xanh, có ghế đá cho người dân, du khách hóng gió, nghỉ chân.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn của TP.HCM hiện tại, theo tôi, chỉ cần cải tạo và giữ gìn sạch sẽ nguyên trạng tượng đài, công viên Mê Linh và tu tạo đơn giản công viên Bến Bạch Đằng.

TP.HCM sẽ mời người dân góp ý phương án tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo TP.HCM sẽ mời người dân góp ý phương án tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo

TTO - Dự kiến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, TP.HCM sẽ công bố phương án thiết kế, tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau khi công bố, TP mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương…

D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên