10/12/2022 07:45 GMT+7

Trong mắt người nước ngoài, phở là hơi ấm, là cánh cửa đến ẩm thực Việt

NGỌC ĐÔNG - DUY LINH
NGỌC ĐÔNG - DUY LINH

TTO - "Tôi chỉ là một người mới tập tành ăn phở. Việc chia sẻ cảm nghĩ về một món ăn Việt Nam đã quá nổi tiếng làm tôi hơi lo lắng một chút" - tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Kate Bartlett khiêm tốn khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về món phở.

Trong mắt người nước ngoài, phở là hơi ấm, là cánh cửa đến ẩm thực Việt - Ảnh 1.

Will Courageux (trái) thưởng thức phở Nam Định ở Hà Giang - Ảnh: NVCC

Trong những tháng mùa đông se lạnh này, khi Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa Tết, tôi tin rằng dù ở đâu thì phở cũng đều mang đến cho tất cả chúng ta cảm giác ấm áp, hòa hợp và sum vầy.

Chị Kate Bartlett (tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam)

"Tôi chỉ là một người mới tập tành ăn phở và việc chia sẻ cảm nghĩ về một món ăn Việt Nam đã quá nổi tiếng như phở làm tôi hơi lo lắng một chút" - tùy viên văn hóa Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Kate Bartlett khiêm tốn khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về món phở.

Là một người mới đến Việt Nam cách đây một năm, những bỡ ngỡ ban đầu về phở đã thôi thúc nhà ngoại giao Mỹ Kate Bartlett tìm hiểu thêm về món ăn này. Chị chia sẻ đó còn là sự tò mò về một món ăn đã được nhiều người mô tả bằng những danh từ mỹ miều như "tinh hoa của ẩm thực Việt Nam", món ăn của những ngày se lạnh và đem lại lợi ích cho sức khỏe.

"Phở là hơi ấm của gia đình"

Với chị Bartlett, một người đến Việt Nam công tác cùng chồng, phở là một món ăn ẩn chứa sự ấm áp và thể hiện cả giá trị gia đình. Chồng chị, cũng là một nhà ngoại giao, thường ghé quán phở ở một góc phố để ăn sáng. 

Đó là quán gia đình ba người thường ghé, với chủ quán là một người phụ nữ dù đã lớn tuổi nhưng luôn nhớ thêm tỏi cho những vị khách nước ngoài như họ thích để ăn cùng phở. 

"Con tôi có lúc đập muỗng xuống bàn vì muốn có phở ăn ngay. Thằng bé vẫn chưa hiểu rằng phở ngon cần có sự kiên nhẫn", chị Bartlett chia sẻ.

Ngồi ăn phở cùng nhau, theo chị Bartlett, thực sự đã kéo những người bạn ngoại quốc và người Việt Nam lại với nhau. Sau một năm tìm hiểu về phở, vị giác của chị Bartlett cũng trở nên nhạy hơn. Với chị, phở là một món ăn phức tạp khi phải kết hợp nhiều loại từ quế, đinh hương, bạch đậu khấu đến hoa hồi và gừng nhưng cũng lại rất hài hòa và cân bằng.

Với chị, đó là một thứ nước dùng "kỳ diệu" hấp dẫn bao thực khách từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến Việt Nam để thưởng thức. 

"Các yếu tố kết hợp hài hòa với nhau để tạo ra một tổng thể tốt hơn so với từng phần riêng lẻ, giống như cách mà Mỹ và Việt Nam đã kết hợp các thuộc tính độc đáo của mình để tạo nên mối quan hệ đối tác phong phú hơn đang phát triển lên một tầm cao mới", nhà ngoại giao Mỹ ví von.

"Vợ chồng tôi rất trông đợi đến Ngày của phở để gặp gỡ những nghệ nhân làm phở tại Nam Định và hiểu thêm về bối cảnh lịch sử ra đời của phở. Và trong những tháng mùa đông se lạnh này, khi Việt Nam chuẩn bị bước vào mùa Tết, tôi tin rằng dù ở đâu thì phở cũng đều mang đến cho tất cả chúng ta cảm giác ấm áp, hòa hợp và sum vầy", chị Bartlett chia sẻ.

Phở là cánh cửa đến với ẩm thực Việt Nam, món ăn đầu tiên mà ai cũng nếm thử. Món này dễ ăn ở chỗ không có hương vị "mạnh", không có gì lên men và không có nhiều gia vị.

Chad Richard Kubanoff (người Mỹ có vợ Việt Nam)

"Cánh cửa đến với ẩm thực Việt"

Will Courageux là một người Pháp đang sống ở Hà Nội, anh được biết đến với kênh TikTok hơn 3 triệu người theo dõi xoay quanh chủ đề ăn uống. Mấy trăm video trên kênh @willinvietnam ghi lại hành trình Will trải nghiệm các món ăn từ Bắc chí Nam, và tất nhiên là không thể thiếu phở.

"Phở là một trong những món mà người ta có thể ăn 24/7, ăn bất cứ bữa nào trong ngày hoặc thèm ăn vặt cũng được tuốt. Với tôi, đó là món ăn hoàn hảo sau một bữa tiệc hoặc khi tôi có việc vào sáng sớm. Phở ăn vào mùa đông lại càng thích hơn nữa, tôi rất thích ngửi mùi phở trước khi ăn", Will nói. 

Will ước ở Pháp cũng có phở như ở Việt Nam. "Ở Pháp cũng có nơi bán phở nhưng vị không giống ở Việt Nam và cũng khó tìm nữa, không giống ở Hà Nội hầu như con phố nào cũng có phở", anh chia sẻ.

Còn với Chad Richard Kubanoff, anh cho rằng phở là món ăn Việt Nam quan trọng nhất đối với người nước ngoài. Nổi tiếng với các video dạy nấu món Việt, anh chàng người Mỹ có vợ Việt Nam này cũng nhiều lần đãi fan với các video về phở trên kênh TikTok @chadkubanoff hơn nửa triệu người theo dõi của mình.

"Đối với hầu hết mọi người, phở là cánh cửa đến với ẩm thực Việt Nam, món ăn đầu tiên mà ai cũng nếm thử. Món này dễ ăn ở chỗ không có hương vị "mạnh", không có gì lên men và không có nhiều gia vị. Đó là một món có nước dùng trong vắt ăn với sợi phở, không làm ai phải thấy băn khoăn khi ăn, và còn có thể tùy chỉnh để phù hợp với khẩu vị của mọi người.

Tôi có thể đưa một tô phở cho hầu hết mọi người trên hành tinh này và họ sẽ không cảm thấy lo lắng gì mà nếm thử, và ngay cả khi họ không ăn thịt bò, chúng ta có thể phục vụ họ phở gà. Khó ai có thể cưỡng lại một tô "súp" nóng hổi, đậm đà hương vị, mộc mạc mà dễ chịu" - Chad phân tích về món ăn mà anh mô tả là "hoàn hảo để giới thiệu ẩm thực Việt Nam với người nước ngoài". 

"Thật khó để tưởng tượng một món ăn nào có thể làm tốt hơn phở trong việc quảng bá ẩm thực Việt Nam ra khắp thế giới", anh nhận định.

Phượt gần trăm cây số đến Ngày của phở

Hành trình đến Ngày của phở 12-12 năm nay của anh Mark Phillips, người đang làm tại Đại sứ quán Úc ở Hà Nội, là quãng đường dài gần trăm cây số đi xe máy từ Hà Nội xuống Nam Định. Là người đã từng "ngang dọc" nhiều nơi ở Việt Nam nhưng Mark chia sẻ chuyến đi xuống Nam Định để tham dự Ngày của phở đặc biệt hơn cả với anh. "Tôi ăn chay, đến giờ được bốn năm rồi, nhưng vẫn thường ăn phở. Tất nhiên đó là phở không thịt. Tôi rất mong chờ được thưởng thức những vị phở đặc biệt trong ngày hội quy tụ phở ở Nam Định", anh Mark chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Tinh hoa hội tụ

Đó là slogan của chương trình Ngày của phở 12-12 năm 2022, tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12.

Ở tuổi lên 6, Ngày của phở lần đầu về Nam Định - một địa phương có công lớn trong việc phát triển món phở.

Đánh dấu sự kiện quan trọng này, Ngày của phở năm nay có nhiều hoạt động đặc biệt: Trải nghiệm phở Việt dành cho khách nước ngoài là nữ đại sứ, phu nhân đại sứ đang công tác ở Việt Nam, tham quan làng phở 100 tuổi để dự Hội phở làng Vân Cù hưởng ứng Ngày của phở (10-12),

Gala Ngày của phở tại công viên Vị Xuyên với sự góp mặt của các loại phở như phở Nhắng của người Giáy, phở ngô của người Mông, phở hai tô Gia Lai, phở vịt, phở chua Lạng Sơn, phở từ miền Nam, phở từ Hà Nội và phở Nam Định (11-12);

Xe phở yêu thương phục vụ các gia đình có trẻ bại não ở Nam Định (12-12)…

Trong mắt người nước ngoài, phở là hơi ấm, là cánh cửa đến ẩm thực Việt - Ảnh 6.
Người con quê phở từ mọi miền hội ngộ về Nam Định, mở hội nấu phở Người con quê phở từ mọi miền hội ngộ về Nam Định, mở hội nấu phở

TTO - Nhân dịp Ngày của phở 12-12, hàng chục người nấu phở Nam Định trong cả nước về làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định) mở hội làng, cho du khách trải nghiệm nấu phở Nam Định truyền thống.

NGỌC ĐÔNG - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên