29/09/2003 23:08 GMT+7

Ngành y tế: tăng gì mà tăng, giảm lương thì có!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Ngày 30-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định (QĐ) 155 sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp cho CB-CNV ngành y tế. QĐ đã sửa đổi những bất hợp lý của thông tư (TT) 07/2003.

CIWl83xA.jpgPhóng to

35-40% viện phí thu được để trả lương tăng cho CB-CNV ngành y tế

Tuy nhiên QĐ 155 vẫn mang nhiều bất hợp lý và đến nay ba bộ Tài chính - Nội vụ - Y tế vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện QĐ này nên ba tháng qua rất nhiều CB-CNV ngành y tế không được lĩnh phụ cấp...

Phụ cấp tiền trực - vẫn còn bất hợp lý!

Nếu tính phụ cấp thường trực (phụ cấp, tiền lương làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm) của bác sĩ (BS) theo TT 150 trước đây, họ sẽ được hưởng 549.496 đồng/tháng, điều dưỡng 768.880đ, còn hộ lý - y công 658.640đ. QĐ 155 tuy đã sửa đổi một số bất hợp lý của TT 07, nhưng theo các bệnh viện (BV) chế độ phụ cấp thường trực vẫn không bằng TT 150.

Đơn cử, với hộ lý y công - là người có trợ cấp thường trực thấp nhất - theo QĐ 155 được lĩnh 450.000đ/tháng, như vậy họ mất 208.000đ/tháng so với TT 150. Tương tự các đối tượng khác cũng bị giảm tiền phụ cấp thường trực rất nhiều so với TT 150.

Đồng thời do cách tính phụ cấp thường trực theo hạng BV chứ không theo hệ số lương như trước đây nên nảy sinh bất hợp lý khác đó là cào bằng tất cả các đối tượng và trả phụ cấp thường trực khi có trực chuyên môn 24/24 liên tục.

Áp dụng đối với BV hạng 1: 45.000đ/người/ phiên trực; BV hạng 2 là 35.000đ; BV hạng 3 và trung tâm y tế quận huyện 25.000đ; trạm y tế 10.000đ. Mức phụ cấp thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu và chăm sóc đặc biệt bằng 1,5 lần khu vực thông thường...

Với cách tính này, trước đây theo TT 150, một vị giáo sư BS có hệ số lương 5,75 sẽ được lĩnh phụ cấp tiền trực 147.000đ/ngày. Còn theo QĐ 155, nếu tính giáo sư này trực ở BV hạng 1 là 45.000đ/phiên trực thì ông bị mất hẳn 102.000đ. Trong khi lao động chất xám và trách nhiệm của giáo sư, BS trong ca trực cao hơn so với hộ lý, điều dưỡng.

Ngoài ra, những BS, hộ lý, điều dưỡng ở những BV lớn cũng sẽ bị thiệt thòi vì không ai trực cấp cứu 24/24, do nơi này “đầu sóng ngọn gió”, bệnh nhân luôn quá tải và bệnh nhân nặng rất nhiều - đặc biệt là khoa cấp cứu, săn sóc đặc biệt. Chỉ đối với BV huyện hoặc số ít BV chuyên khoa như BV Mắt... mới có thể trực 24/24.

Vì vậy, ít có ai đủ điều kiện để được hưởng phụ cấp thường trực 45.000đ/phiên trực như qui định, mà chỉ được hưởng 30% phụ cấp làm đêm. Tuy nhiên, QĐ 155 cũng như TT 150 trước đây chưa thấy nói đến phụ cấp làm đêm.

Trả lương tăng, tiền phẫu thuật - lấy đâu ra?

Chính vì phải dùng nguồn viện phí để trả lương tăng cho CB-CNV của mình nên các đơn vị thuộc Sở Y tế TP.HCM đang thiếu trên 41 tỉ đồng kinh phí hoạt động. Riêng các trung tâm y tế quận huyện thiếu trên 16 tỉ đồng, chưa kể các BV còn đang nợ tiền thuốc (tính đến cuối 2002) các công ty dược gần 37 tỉ đồng do không có nguồn nào để quyết toán! Theo các BV, nếu được ngân sách TP cấp bổ sung tiền lương tăng cho CB-CNV ngành y tế, hoạt động của BV mới duy trì được và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Nếu kéo dài tình trạng này, cuối năm BV không thể quyết toán và khó xây dựng được kế hoạch hoạt động cho năm sau vì không biết xoay đâu ra tiền để trang trải các chi phí hoạt động.

QĐ 155 đã nâng mức phụ cấp phẫu thuật cao hơn gấp đôi TT 150. Nghe tăng thì mừng, thế nhưng theo các BV, hiện họ không biết lấy đâu ra kinh phí để trả phụ cấp phẫu thuật cho các BS của mình, vì kinh phí được cấp hiện không có khoản nào để chi cho việc trả tăng phụ cấp phẫu thuật. Vì vậy đành nợ BS !

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngân sách chi phụ cấp phẫu thuật cho các BV thuộc Sở Y tế TP.HCM khoảng 15 tỉ đồng/năm (theo TT150). Nếu trả phụ cấp phẫu thuật theo QĐ 155 thì phải có kinh phí trên 30 tỉ đồng. Hiện nay ngành y tế TP cũng đang vướng, chưa biết lấy đâu ra khoản này.

Đặc biệt, khi Chính phủ có nghị định 03/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội... thì Bộ Tài chính và Sở Tài chính - vật giá TP.HCM có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện theo hướng các đơn vị sự nghiệp có thu ngành y tế phải tiết kiệm 10% kinh phí ngân sách cấp và sử dụng 35-40% nguồn thu viện phí để thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 210.000đ/tháng lên 290.000đ/tháng.

Theo các BV, hiện nay ngân sách cấp cho các BV chỉ bằng 1/3 tổng số kinh phí hoạt động phục vụ công tác khám chữa bệnh, 2/3 nguồn kinh phí còn lại là nguồn thu viện phí, lệ phí. Nhờ nguồn thu này (trích 35% cho việc trả thưởng, phúc lợi cho CB-CNV, còn 70% để lại làm kinh phí hoạt động phục vụ bệnh nhân) các BV mới có điều kiện phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, chuyên môn.

Nếu bây giờ các BV phải trích 35-40% viện phí, có nghĩa là BV đã lấy tiền máu, tiền thuốc, tiền dịch truyền... để tăng lương cho CB-CNV của mình!

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên