Triệu phú bò sữa tại TP.HCM

  28/09/2003 05:09 GMT+7

TTCN - Hai năm qua đã xuất hiện nhiều nông dân khấm khá lên nhờ nuôi bò sữa, trong đó không ít nông dân trở thành triệu phú, tỉ phú. Gia đình anh Lê Văn Long (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) trước đây chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, nhưng không "ngóc đầu" lên nổi. Giờ đây, nhờ vào bò sữa mà gia đình đã khấm khá lên hẳn.

Phóng to
Ông Nguyên Khắc Đạo đang cho bò ăn cỏ
TTCN - Hai năm qua đã xuất hiện nhiều nông dân khấm khá lên nhờ nuôi bò sữa, trong đó không ít nông dân trở thành triệu phú, tỉ phú. Gia đình anh Lê Văn Long (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) trước đây chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, nhưng không "ngóc đầu" lên nổi. Giờ đây, nhờ vào bò sữa mà gia đình đã khấm khá lên hẳn.

Anh nhớ lại: "Mỗi năm chỉ thu nhập 10 triệu đồng, đủ nuôi sáu miệng ăn, nói chi chuyện làm giàu. Đến năm 1990 nghề chăn nuôi bò sữa giúp nhiều nông dân ăn nên làm ra, tôi thuyết phục gia đình bán một con bò lai sind cộng thêm tiền dành dụm, vay mượn để mua một con bò sữa giống và chuyển dần sang chăn nuôi bò sữa từ đó".

Bắt tay vào làm mới thấy nghề nuôi bò sữa không hề đơn giản chút nào. Anh quyết định chuyển đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cỏ! Cứ thế, từ một con bò ban đầu nay anh đã có 17 con bò sữa. "Sữa bò mang lại cho tôi khoảng 150 triệu đồng/năm. Các con được đến trường, nhà có tivi, máy giặt, bếp gas, xe máy..., những thứ mà trước đây nằm mơ cũng không thấy".

Dân nuôi bò chuyên nghiệp thường hay nhắc đến ông Nguyễn Khắc Đạo (Củ Chi) như một nông dân nuôi bò theo mô hình "công nghệ cao". Ông Đạo nói: "Muốn làm giàu từ nghề nuôi bò sữa trước hết phải có máu làm giàu, cộng thêm kiến thức về quản lý, thị trường, kỹ thuật!".

Không nói suông, hiện nay trên 100 con bò sữa của ông đều được quản lý bằng... máy vi tính. Với cách quản lý trên, theo ông Đạo, chỉ cần bấm chuột một cái là biết con bò đó giống gì, "cầm tinh" tuổi con gì, năng suất sữa bao nhiêu, có ưu khuyết điểm gì... Từ đó có thể dễ dàng điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp, loại những con kém chất lượng và phát triển những con "vô địch".

Nhờ học được cách "quản lý bò bằng máy vi tính" ông truy cập được khối thông tin hay về tình hình phát triển bò sữa trong nước, thế giới - từ xu hướng, nhu cầu tiêu dùng, biến động giá cả đến việc nuôi bò thế nào cho hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Mỗi khi "bí" ông lại "meo" sang hỏi chuyên gia Mỹ nhờ từ vấn giùm.

Cùng với việc áp dụng công nghệ vi tính, ông Đạo còn mạnh dạn đưa máy vắt sữa, máy băm cỏ, máy cắt cỏ… vào trang trại. "Nhờ áp dụng kỹ thuật mà hiệu quả tăng lên rõ rệt, năm vừa rồi doanh thu đạt 500 triệu đồng".

TP.HCM được đánh giá là đi đầu cả nước trong phát triển chăn nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa đạt trên 40.000 con (trên 70% cả nước) và năng suất sữa cũng cao nhất nước (bình quân 3.800-4.000 lít/chu kỳ, nhiều con đạt 6.000 lít/chu kỳ), hằng năm sản xuất ra lượng sữa tươi và con giống trị giá trên 200 tỉ đồng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập, thoát nghèo.

Theo giới chuyên môn, có được kết quả trên là nhờ có sự liên kết khá chặt chẽ giữa bốn nhà: nông dân - khoa học - doanh nghiệp và quản lý.

Dự kiến đến năm 2005 đàn bò sữa của thành phố sẽ là 50.000 con với lượng sữa trên 90.000 tấn. Để đạt mục tiêu trên, thành phố đang tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân: gieo tinh miễn phí (tinh bò cao sản có năng suất 10.000 lít sữa/chu kỳ/năm) cho đàn bò của nông dân; giám định, bình tuyển, lập phiếu lý lịch cá thể, gắn số tai cho bò nhằm chọn lọc giống bò cao sản; xây dựng 2-3 trại bò kiểu mẫu với qui mô 300-400 con/trại; sử dụng máy tính để quản lý giống bò sữa...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận