30/09/2003 07:04 GMT+7

Thiết bị dạy học: bao giờ mới hết "ăn đong"?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Bộ GD-ĐT khẳng định: “Thiết bị dạy học (TBDH) là một trong bốn thành tố cơ bản của quá trình dạy học”. Mặc dù vậy, năm học 2003-2004 đã là năm thứ hai triển khai chương trình tiểu học và THCS mới, cũng là năm đầu thí điểm chương trình THPT phân ban, nhưng “yếu tố không thể thiếu” vẫn cứ thiếu và đang gây phiền toái không ít

SnT33wtL.jpgPhóng to

Vì chưa có thiết bị chương trình phân ban nên HS được "linh hoạt" cho xem phim về "thế giới sinh vật" (vốn được dùng cho HS lớp 11 xem trong chương trình ngoại khóa) !

TT - Bộ GD-ĐT khẳng định: “Thiết bị dạy học (TBDH) là một trong bốn thành tố cơ bản của quá trình dạy học”. Mặc dù vậy, năm học 2003-2004 đã là năm thứ hai triển khai chương trình tiểu học và THCS mới, cũng là năm đầu thí điểm chương trình THPT phân ban, nhưng “yếu tố không thể thiếu” vẫn cứ thiếu và đang gây phiền toái không ít

"Ra trận, nhưng không có súng"!

Đã gần một tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới nhưng các trường thực hiện thí điểm chương trình THPT phân ban vẫn chưa được cung cấp TBDH. Một hiệu trưởng ví von: “Chúng tôi giống như ra trận mà không có súng vậy, mặc dù gần như tiết học nào của chương trình mới cũng đều cần đến dụng cụ dạy học”.

Theo qui định của Bộ GD-ĐT, một bộ TBDH ra đời phải trải qua các khâu tuần tự: xây dựng danh mục thiết bị (TB) - chuẩn bị mẫu - thử nghiệm - sản xuất đồng loạt - cung ứng - sử dụng bảo quản. Đáng lẽ việc xây dựng danh mục TBDH, chuẩn bị mẫu... Bộ GD-ĐT phải chủ động thực hiện trước khi khai giảng năm học rồi đưa về các địa phương thử nghiệm. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm này TBDH lớp 10 phân ban vẫn đang ì ạch ở giai đoạn chuẩn bị mẫu, nhiều địa phương đã phải “tự cứu mình” bằng cách đi ngược qui trình của TBDH.

Như ở TP.HCM, trong cuộc họp mới đây về thiết bị lớp 10 phân ban, các trường THPT được đề nghị là có nhu cầu về thiết bị như thế nào thì cứ lên danh mục, sau đó Công ty Sách - thiết bị trường học TP sẽ xem xét và tìm cách đáp ứng.

Còn trước mắt, các trường vẫn phải tự lo bằng cách vận động giáo viên (GV) tự làm đồ dùng dạy học phục vụ những tiết dạy của mình. Nhiều GV lắc đầu ngán ngẩm: “Chương trình mới dành nhiều thời gian cho HS thực hành và tự khám phá vấn đề nên bắt buộc phải có dụng cụ dạy học. Năm đầu tiên, ngay việc dạy chương trình mới còn chưa hết bỡ ngỡ nay lại thêm gánh nặng làm TB. Tới bài nào làm TB cho bài đó như “ăn đong”, cập rập nên mọi thứ chỉ tương đối...”. Thậm chí ngay như môn Anh văn hiện cũng chưa có băng cassette, trong khi việc luyện nghe - nói không thể thiếu.

Ai có quyền chọn thiết bị ?

Năm nay, cơ chế về mua sắm TBDH cũng được “cởi trói” khi các trường được tự chọn lựa và mua sắm theo ý kiến của GV và cán bộ quản lý chuyên môn trường mình, không phải phụ thuộc phòng GD-ĐT như trước. Thế nhưng, trên thực tế rất ít quận, huyện thực hiện theo phương thức này. Phòng GD-ĐT vẫn tiến hành chọn lựa đơn vị cung ứng TB vì “sợ các trường chưa có kinh nghiệm”.

Từ những suy nghĩ, tâm lý trên đã gây ra nhiều chuyện bất cập, lãng phí không đáng có. Phòng GD-ĐT căn cứ vào số lớp ở các trường để trang bị dụng cụ thực hành (theo qui định của Bộ GD-ĐT, cứ bốn lớp 6 được một bộ TB, ba lớp 7 một bộ TB) nhưng do số lượng GV ít, không ít trường lại trở nên... thừa TB. Chẳng hạn như một trường THCS ở Q.Bình Thạnh có 16 lớp 6 thì sẽ được bốn bộ đồ dùng dạy học môn lịch sử, trong khi thực tế chỉ cần hai bộ vì trường này chỉ có hai GV dạy sử lớp 6.

Chưa hết, ngay cả việc chọn bộ dụng cụ thực hành môn toán, tiếng Việt cho HS lớp 1 năm nay cũng khiến nhiều phụ huynh bất bình. Năm học trước, chúng tôi đã nhận được đơn khiếu nại của phụ huynh HS lớp 1 các trường tiểu học thuộc Q.Phú Nhuận về việc bắt buộc phụ huynh phải mua bộ dụng cụ của một công ty tư nhân. Tưởng đâu vụ việc sẽ được Phòng GD-ĐT quận rút kinh nghiệm nhưng năm học 2003-2004 này chúng tôi lại nhận được đơn với nội dung gần giống như năm trước. Trong khi Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định “để các trường được quyền chọn lựa TB” thì Phòng GD-ĐT Phú Nhuận vẫn tự ý chọn bộ dụng cụ thực hành môn toán, tiếng Việt lớp 1 cho cả quận và đưa về các trường bán cho HS.

Nhiều phụ huynh không đồng tình việc này với lý do: “Bộ dụng cụ đó giá 46.000 đồng, trong khi chúng tôi mua bộ dụng cụ của một công ty khác giá chỉ 28.000 đồng lại dễ sử dụng hơn, không phức tạp như bộ dụng cụ do Phòng GD-ĐT chọn. Nay chẳng lẽ phải bỏ bộ ấy đi để mua bộ khác ở trường với giá cao hơn?”.

Trước nỗi bức xúc của phụ huynh, lời giải thích của Phòng GD-ĐT xem ra không mấy thuyết phục: “Phòng muốn cả quận sử dụng một bộ dụng cụ thực hành giống nhau cho đồng bộ” (?) (thực tế chỉ cần đồng bộ trong phạm vi một lớp). Trong khi đó, không ít phụ huynh ở Phú Nhuận lại đặt câu hỏi: “Có phải vì tỉ lệ chiết khấu của công ty tư nhân trên lên đến 20% (các công ty khác chỉ 5-10%) nên đã chi phối thái độ chọn lựa của Phòng GD-ĐT?”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên