05/10/2022 06:14 GMT+7

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Cơ sở lưu trú, du lịch có thể được hưởng giá điện như sản xuất; Dự kiến kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 145 tỉ đồng; Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 giảm; Cả nước có 883 đô thị... là một số tin tức đáng chú ý hôm nay.

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 1.

Du khách đến từ Lào trong tour ngắm Sài Gòn từ du thuyền hồi tháng 9-2022 - Ảnh: T.T.D.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 giảm

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa đưa ra cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 đạt 431.900 lượt người, giảm 11,2% so với tháng trước. 

Tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,87 triệu lượt người, tăng gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm đến 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, thời kỳ chưa có dịch COVID-19.

Khách thuộc thị trường châu Á vẫn chiếm số lượng lớn đến Việt Nam với hơn 313.000 lượt người trong tháng 9. Trong đó chủ yếu vẫn là khách Hàn Quốc với 119.636 lượt người, khách Nhật Bản đứng thứ 2 với 24.639 lượt người, tiếp theo là du khách từ Malaysia, Campuchia, Thái Lan...

Trong tháng 9-2022, có hơn 53.800 lượt khách từ thị trường châu Âu đến Việt Nam, trong đó khách Anh, Đức, Pháp chiếm số lượng nhiều nhất. Khách từ châu Mỹ trong tháng 9-2022 có 44.335 lượt người, trong đó khách đến từ Mỹ là 37.166 lượt người.

Sự tăng trưởng khiêm tốn của dòng khách quốc tế trong tháng 9 khiến mục tiêu đón 5 triệu khách của Việt Nam hồi đầu năm 2022 càng trở nên xa vời.

Cả nước có 883 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 41%

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng qua, chương trình kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn tiếp tục được triển khai.

Đến hết tháng 6-2022, cả nước đã có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV.

Ước cả năm 2022 tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41,5%; tỉ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 93-94%, đạt mục tiêu.

Đến hết tháng 9-2022 ước có 5.854/8.225 xã (71,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 837 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ước cả năm tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 73%.

Cơ sở lưu trú, du lịch có thể được hưởng giá điện như sản xuất

Trả lời đề nghị của UBND TP.HCM về việc giảm giá điện theo tinh thần nghị quyết 55 của Chính phủ cho doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch do các doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch chịu thiệt hại nặng nề sau dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có phản hồi cụ thể.

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 2.

Du khách bay thẳng từ Hàn Quốc đến Đà Lạt du lịch vào trước dịch COVID-19 - Ảnh: M.V.

Bộ Công Thương cho biết đã hướng dẫn thực hiện hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 7 tháng kể từ tháng 6-2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12-2021. 

Trong năm 2022 việc điều hành giá bán lẻ được thực hiện theo quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, những tháng qua giá nhiên liệu của các nhà máy điện như dầu, than tăng cao, dự kiến những tháng còn lại của năm 2022 vẫn còn tăng cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó gây áp lực lên mặt bằng giá. 

Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan tới chi phí để giữ ổn định giá điện.

Liên quan tới cơ chế giảm giá điện cho khách hàng dịch vụ, du lịch, Bộ Công Thương đã có báo cáo tới Thủ tướng về việc sửa đổi quyết định 28/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó đề xuất bổ sung nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật du lịch để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ cho khách hàng sản xuất, tức là thấp hơn so với giá bán lẻ điện cho khách hàng kinh doanh.

Dự kiến kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 145 tỉ đồng

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về dự kiến kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023, trên cơ sở dự toán năm 2023 và cân đối dự toán ngân sách nhà nước, tổng mức kinh phí thực hiện các chương trình, nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của năm 2023 là 145 tỉ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu đề xuất nguyên tắc, tiêu chí, định mức thuộc ngành, lĩnh vực để phân bổ kinh phí cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện.

Trên cơ sở số kinh phí để thông báo và nguyên tắc, tiêu chí, định mức cho các ngành, đề xuất phương án phân bổ kinh phí năm 2023 theo từng nhiệm vụ, nội dung thành phần, chi tiết cho từng bộ ngành và địa phương, các lĩnh vực chi đảm bảo tính khả thi.

Năm 2022, việc triển khai chương trình này được bố trí cho 3 lĩnh vực chi gồm chi cho khoa học và công nghệ để thực hiện nội dung hỗ trợ công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo; chi cho giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực; chi các hoạt động kinh tế để hỗ trợ tư vấn, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Tổ chức phân luồng tạm thời xử lý ùn tắc xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất 

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện một số giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường xung quanh cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 3.

Kẹt xe kéo dài trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) khiến người dân mệt mỏi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thời vào thời gian cao điểm. 

Đơn vị chức năng sẽ sử dụng biển báo giao thông có thông tin thay đổi tùy vào tình huống, tình hình giao thông hiện tại để phân luồng. 

Đồng thời, thanh tra sở cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách tại khu vực này. 

Những năm gần đây, vào giờ cao điểm các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất như Cộng Hòa, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn, Trường Sơn, Bạch Đằng... thường xảy ra ùn ứ. 

Có thời điểm hành khách vào sân bay phải xuống xe kéo vali đi bộ vì dòng xe không thể nhúc nhích.

TP.HCM sẽ có "Phố ẩm thực Phan Xích Long"

Theo đề án Phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) vừa được Sở Công Thương TP.HCM đề xuất lên UBND TP xin chủ trương, phố ẩm thực sẽ được tổ chức trên trục đường Phan Xích Long dẫn vào khu dân cư Rạch Miễu, các tuyến đường nhánh (mang tên đường hoa), đường Nguyễn Công Hoan và đường Cù Lao trên địa bàn phường 1, 2, 7. 

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 4.

Lãnh đạo thành phố tham quan tuyến đường dự kiến thực hiện Phố ẩm thực Phan Xích Long - Ảnh: T.T.D.

Hiện tuyến đường Phan Xích Long dù chỉ dài chưa đến 1km đã có hơn 300 hộ kinh doanh ẩm thực, dịch vụ.

Quận Phú Nhuận cũng đề xuất tuyến đường Trường Sa sẽ được xây dựng thành tuyến phố bán hàng lưu niệm, phục vụ nhu cầu mua sắm khi du khách tham quan "Phố ẩm thực Phan Xích Long".

Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án dự kiến 31 tỉ đồng, trong đó 1,7 tỉ từ ngân sách nhà nước, gần 11 tỉ đồng từ người dân và doanh nghiệp tham gia, còn lại là doanh nghiệp hợp tác đầu tư khai thác.

Trong chuyến khảo sát các điểm, đường nằm trong đề án trên chiều 4-10,  bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TPHCM - cho biết xây dựng phố ẩm thực là một trong những tiền đề để xây dựng, phát triển kinh tế đêm trên địa bàn, theo đúng định hướng của du lịch TP hiện nay. 

Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm

Trong khi cước vận tải biển giảm mạnh phần nào "lấy hàng" của vận tải bằng đường hàng không. 

Lãnh đạo của một kho hàng hóa hàng không tại Tân Sơn Nhất cho biết sản lượng hàng chuyển bằng đường hàng không đang trên đà sụt giảm chứ không tăng trưởng như năm ngoái vì tình trạng tắc nghẽn ở các cảng đã được hóa giải, không còn căng thẳng như trước.

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 5.

Các chuyến bay quốc tế chở hàng hóa đi, đến Tân Sơn Nhất - Ảnh: C.T.

Theo đại diện kho hàng hóa nội địa của Vietnam Airlines tại Tân Sơn Nhất, số lượng các chuyến bay tăng trở lại nhưng sản lượng hàng hóa sẽ teo tóp ở thị phần nội địa. 

Năm ngoái, hệ thống logistics từ đường biển đến đường bộ vẫn trở ngại nên sức hút chuyển hàng bằng đường hàng không tăng trưởng đột biến. Đến nay, sản lượng hàng hóa bắt đầu có sự tăng trưởng chậm lại, mỗi ngày khoảng 30 - 50 tấn hàng hóa, giảm 20-40% so với trước đây.

Nếu doanh thu của hãng bay 100 tỉ đồng/ngày, tỉ lệ đóng góp từ vận chuyển hàng hóa mảng nội địa chiếm 10%. Thời gian chuyển hàng lâu nhưng ưu thế về giá cả và số lượng hàng khiến vận tải đường biển cạnh tranh với hàng không rất mạnh mẽ. 

Dù vậy, với các hàng hóa như trái cây, thực phẩm, linh kiện, y tế... hàng không vẫn chiếm ưu thế với tốc độ chở hàng nhanh chóng.

Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 6.
Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 7.
Tin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm - Ảnh 8.
Tin sáng 4-10: Một DN xăng dầu ở TP.HCM xin trả giấy phép; Không xét nghiệm tràn lan vi rút adeno Tin sáng 4-10: Một DN xăng dầu ở TP.HCM xin trả giấy phép; Không xét nghiệm tràn lan vi rút adeno

TTO - Một doanh nghiệp xăng dầu ở TP.HCM xin trả giấy phép; Nhiều đề xuất mới về điều kiện thành lập và hoạt động trường đại học; Không xét nghiệm tràn lan vi rút adeno ở trẻ em; TP.HCM họp giải quyết ùn tắc giờ cao điểm... là những tin đáng chú ý.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên