28/05/2023 08:56 GMT+7

Tìm hòa bình cho Ukraine: Trung Quốc có làm được?

Sau khi thành công trong vai trò trung gian hòa giải cho Iran và Saudi Arabia ở Trung Đông, Trung Quốc tiếp tục bắt tay vào sứ mệnh lớn hơn với một số bước đi đã được cụ thể hóa: tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine.

Tìm hòa bình cho Ukraine: Trung Quốc có làm được? - Ảnh 1.

Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Matxcơva (Nga) ngày 26-5 - Ảnh: REUTERS

Ông Lý Huy - đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, người được giao trách nhiệm chính trong sứ mệnh này - vừa có chuyến công tác dài ngày tới Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga.

Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Lý Huy cho biết Bắc Kinh sẽ có những nỗ lực cụ thể để đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Lý khẳng định Trung Quốc tuân thủ lập trường khách quan và công bằng về vấn đề Ukraine, đồng thời ủng hộ hòa bình và thúc đẩy đàm phán.

Khó làm hài lòng tất cả

Ông Lý Huy, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Nga, chia sẻ thông điệp nói trên trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 26-5.

Hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ Trung - Nga và giải pháp chính trị cho xung đột tại Ukraine. Nga là điểm dừng chân cuối cùng của ông Lý trong chuyến thăm nhiều nước châu Âu mà theo Bắc Kinh là nhằm thảo luận "giải pháp chính trị" cho vấn đề Ukraine.

Ông Lý cũng nói Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi và đối thoại với tất cả các bên.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga thông tin ông Lavrov cảm ơn ông Lý Huy vì "lập trường cân bằng" của Bắc Kinh. Nga cũng cam kết thực hiện "giải pháp chính trị và ngoại giao" để tìm lối ra cho xung đột.

Tuy nhiên, để đi đến được một giải pháp chính trị là chuyện không đơn giản và Trung Quốc khó có thể làm hài lòng tất cả các bên.

Thời gian qua, Ukraine khẳng định nước này sẽ không chấp nhận các đề xuất bao gồm nhượng lãnh thổ cho Nga hoặc "đóng băng" xung đột.

Theo Hãng tin Bloomberg, điều này dường như là sự bác bỏ trực tiếp kế hoạch hòa bình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra hồi tháng 2 năm nay, trong đó đề xuất áp dụng lệnh ngừng bắn - vốn cho phép quân đội Nga tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc liên lạc với Nga và Ukraine vẫn khiến Mỹ và châu Âu hoài nghi về các nỗ lực làm trung gian hòa giải.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Matxcơva và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3, nhưng chỉ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4. Đó cũng là cuộc điện đàm đầu tiên giữa họ kể từ lúc xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.

Hôm 25-5, sau khi ông Lý Huy đã gặp các quan chức Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ), Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò "mang tính xây dựng" trong việc tìm kiếm hòa bình ở Ukraine.

EC nói Trung Quốc nên ủng hộ mọi yêu cầu về việc "rút mọi lực lượng và khí tài quân sự (của Nga) một cách vô điều kiện ra khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine trong phạm vi các đường biên giới được quốc tế công nhận".

Trung Quốc "tiếp cận kép"

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người ly tán. Trung Quốc đã trở thành "huyết mạch" kinh tế quan trọng với Nga trong lúc Matxcơva bị phương Tây áp một loạt trừng phạt.

Bắc Kinh đã mua một lượng lớn năng lượng của Nga, trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga như chip máy tính và thiết bị điện tử đã tăng đáng kể từ khi xung đột nổ ra.

Theo Đài DW, giới chuyên gia phương Tây cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng sử dụng "cách tiếp cận kép" với khủng hoảng Ukraine.

Ông Zhiqun Zhu, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell ở Mỹ, nói: "Bắc Kinh vừa muốn củng cố quan hệ đối tác Trung - Nga, vừa cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine".

Trung Quốc cũng đã chỉ trích việc các nước châu Âu tỏ ra hoài nghi về kế hoạch hòa bình 12 điểm của họ.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia nước này cho rằng phương Tây đang muốn đổ lỗi cho Trung Quốc trong khi trốn tránh trách nhiệm của mình, và rằng căng thẳng leo thang là kết quả trực tiếp từ các hành động khiêu khích của phương Tây.

"Thật trớ trêu khi những kẻ châm ngòi (ý chỉ phương Tây - PV) cho tình hình như hiện nay lại là những người lên tiếng chỉ trích, trong khi những người ủng hộ hòa giải (ý chỉ Trung Quốc - PV) lại bị buộc phải chịu trách nhiệm" - ông Thôi Hành, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc), bình luận.

Mỹ ủng hộ Trung Quốc nếu…

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Washington Post đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tin rằng Ukraine sẽ giành lại được thêm nhiều phần lãnh thổ, và cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng chấp nhận vai trò hòa giải của Trung Quốc nếu Bắc Kinh ủng hộ một nền hòa bình "công bằng và lâu dài".

Ông Blinken cũng nói kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc có một số điểm "tích cực".

Tin tức thế giới 28-5: Ukraine chính thức bắt đầu phản côngTin tức thế giới 28-5: Ukraine chính thức bắt đầu phản công

Ukraine bắt đầu cuộc phản công lên kế hoạch đã lâu; Hơn 80% người Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về xung đột Ukraine; 1.500 người bị bắt do biểu tình khí hậu ở Hà Lan... là những tin tức đáng chú ý sáng 28-5.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên