04/02/2023 15:53 GMT+7

Thương tô mì Quảng nơi biên giới miền Tây

Tô mì Quảng nóng hổi ăn kèm rau sống, sợi mì đều, đẹp, màu sắc và độ dai tự nhiên, vị nước xúp chiều theo khẩu vị dân miền Tây gây thương nhớ. Mỗi khi có dịp về xứ biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp, thực khách lại tìm ăn...

Thương tô mì Quảng nơi biên giới miền Tây - Ảnh 1.

Cô giáo Lê Thị Lượng có trên 30 năm bán mì Quảng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

"mì Quảng giáo Lượng"

"Mì Quảng giáo Lượng" là tên quán ăn khiêm tốn với bốn bộ bàn ghế nằm trên con đường chính vào trung tâm thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Bà Lê Thị Lượng, chủ quán, dù đã 70 tuổi, dáng gầy gò nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Bà có gần 30 năm bán mì, món ăn đặc sắc của quê hương Quảng Nam mà bà mang theo khi vào miền Tây sinh sống.

"Tôi học ngành sư phạm rồi lấy chồng tại đất Tân Hồng này cùng nghề dạy học. Sau đó vì muốn kiếm thêm thu nhập để nuôi các con đi học, tôi đã mở quán bán mì. Khi còn đi dạy tôi tranh thủ bán từ chiều đến khuya. Từ ngày nghỉ hưu quán phục vụ từ 6h đến 18h30", bà Lượng nói.

Thương tô mì Quảng nơi biên giới miền Tây - Ảnh 2.

Tô mì Quảng nơi biên giới huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng gần xa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Bây giờ bà Lượng đã thành dân miền Tây chánh hiệu, từ giọng nói đến cách nêm nếm tô mì Quảng sao cho ngon, được thực khách ưa chuộng, lại vừa khẩu vị dân địa phương nhưng vẫn giữ được hương vị món ăn quê nhà.

"Mì Quảng quê tôi vị khá mặn, tô mì đặc sệt, ăn lúc nguội. Bà con miền Tây mình ăn nhạt hơn một chút, nhiều nước xúp và phải nóng hôi hổi mới thích. Tôi chiều khách làm theo kiểu như vậy, nhưng những gì tinh túy nhất để làm ra tô mì Quảng vẫn giữ nguyên, ví dụ như hương vị, màu sắc vàng tươi từ nghệ quyện vào nước xúp, cách ướp thịt gà, thịt heo", bà Lượng nói.

Tô mì Quảng nóng hổi ăn kèm rau sống, sợi mì đều, đẹp, màu sắc và độ dai tự nhiên, vị nước xúp đậm đà, hơi mặn hơn so với món bún cá hay món hủ tiếu tại miền Tây. Sợi mì được người dân địa phương làm thủ công với nguyên liệu từ bột gạo Tân Hồng.

"Hai ba năm trước tôi còn khỏe, ngày bán cả trăm ký bánh tương đương 500 tô mì. Nhưng cả năm nay sức khỏe kém, các con không cho thức khuya dậy sớm nữa, mình tôi cọc cạch buôn bán cho đỡ buồn tay. Hiện mỗi ngày tôi bán 50kg mì tươi, tương đương 250 tô mì, với hai mức giá 20.000 đồng và 25.000 đồng/tô", bà Lượng cho biết.

Thương tô mì Quảng nơi biên giới miền Tây - Ảnh 3.

Sợi mì đặc biệt với màu tự nhiên làm thủ công tại Tân Hồng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cô giáo U70 bán mì Quảng vì buồn tay

Nhờ nghề tay trái xuất phát từ món ăn quê nhà Quảng Nam giúp bà Lượng nuôi các con ăn học thành tài, có việc làm ổn định.

"Có rất nhiều khách ở xa đi ngang qua thị trấn Sa Rài tìm ăn mì Quảng, rồi dần dần bà con xung quanh cùng mở quán bán mì. Còn tôi vẫn bán mì vì niềm vui tuổi xế chiều, vì tâm huyết với món ăn của quê hương xứ sở", bà Lượng chia sẻ.

"Mì Quảng giáo Lượng" lặng lẽ tại một thị trấn khiêm nhường, trở thành thân thuộc với người dân địa phương, còn đối với khách xa, mỗi khi có dịp về xứ biên giới Tân Hồng, Đồng Tháp phải tìm ăn cho kỳ được.

Thương tô mì Quảng nơi biên giới miền Tây - Ảnh 4.

Giữa trưa, khách tìm mua mì Quảng của cô giáo Lượng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Nhớ những bữa mì Quảng cuối nămNhớ những bữa mì Quảng cuối năm

TTO - Món mì trộn của mẹ có vị ngọt của tôm, thịt hòa quyện với mùi rau thơm, mùi đậu phộng rang; cái dẻo của những sợi mì, cái giòn thơm của hành tây cùng các màu sắc trông rất bắt mắt, ăn thật thấm thía với hương vị quê nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên