09/02/2023 16:24 GMT+7

Thu phí sử dụng vỉa hè lòng đường có giải quyết được vấn nạn lấn chiếm?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM. Có ý kiến về vấn đề này, rất nhiều bạn đọc đã gửi phản hồi cũng như đề xuất về Tuổi Trẻ Online.

Thu phí sử dụng vỉa hè lòng đường có giải quyết được vấn nạn lấn chiếm? - Ảnh 1.

Vỉa hè đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM bị chiếm dụng làm chỗ để xe, xe máy chạy tràn lan trên vỉa hè - Ảnh: N.C.THÀNH

Tuổi Trẻ Online xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết của bạn đọc gửi về:

Cần quy định rõ một số điểm

Thứ nhất là cấm dịch vụ trông xe trên vỉa hè tại vị trí lòng đường nơi cách ngã tư tối thiểu 5m để không ảnh hưởng tới giao thông, không làm các xe khác khó khăn, phải tránh xe đỗ gây nguy hiểm.

Kế đến, những đường phố hai chiều đã điều chỉnh cấm một chiều ô tô để tránh ùn tắc thì không cho phép trông xe tại lòng đường hoặc vỉa hè đoạn đường đó. Nếu không còn bị tắc đường do giao thông khu vực đã cải thiện có thể cho phép trông xe thì phải bỏ cấm ô tô một chiều.

Phải có giá trần do Sở Giao thông vận tải hoặc UBND TP quy định và bảng niêm yết giá trông xe, trên đó có số điện thoại đường dây nóng của cơ quan quản lý và họ tên, số điện thoại người được cơ quan thẩm quyền cho phép trông giữ xe tại điểm đó.

Cấm mọi hình thức liên kết với xã hội đen để triển khai dịch vụ trông giữ xe tại khu vực công cộng. Nhân viên trông giữ xe phải qua đào tạo về nghiệp vụ và ứng xử với khách mới được tham gia trông giữ xe, trong khi làm việc phải đeo biển hiệu của công ty có tên của nhân viên đó.

Bạn đọc Lan Anh

Nói không với lấn chiếm vỉa hè

Không thể bất lực quản lý đô thị, rồi đồng tình cho thuê vỉa hè để thu thuế. Đi ngược với công tác quản lý. Hãy suy nghĩ thêm hướng tích cực về công tác quản lý đô thị. Đây cũng là chuyên đề thi năng lực theo nghị quyết 03, thu nhập tăng thêm của viên chức địa phương quận, huyện các phường.

Các doanh nghiệp sản xuất thì bắt buộc phải vào các khu công nghiệp mà hoạt động. Trường đại học thì phải có khuôn viên như RMIT hoặc Đại học Bách khoa TP.HCM hay Đại học Việt Đức, còn manh mún quá thì ra ngoại ô xây dựng mới, hoặc di dời về các tỉnh có quỹ đất rộng và giá đất rẻ mà làm.

Các cửa hàng buôn bán quán ăn nhà hàng thì tập trung cấp phép vào chợ và trung tâm thương mại mà hoạt động. Bệnh viện thì xem lại quy mô và hạ tầng, nếu chật quá cho ra vùng ven còn quỹ đất lớn...

Mấy chục năm mà có mỗi cái chuyện dọn dẹp lòng lề đường làm không xong, mà càng làm càng rối. Giờ kêu cho thuê thì có mà còn loạn lên vì tiền có khi không vào ngân sách nhưng thành phần nào đó lại phất lên, rồi giang hồ số má cũng phất lên, thì lúc đó trật tự xã hội liệu có yên?

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Lan

Xin nói thẳng!

Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông nói ý kiến của sở là hợp lý. Thế thì dân phản biện cũng nói phản biện của họ là hợp lý. Vì nói thì ai nói cũng được, mà cần sự chứng minh thuyết phục.

Tôi cho rằng, hiện nay chưa có cho thuê mà đã xảy ra lấn chiếm nhiều, tràn lan mà không xử lý được thì làm sao dám đảm bảo rằng khi cho thuê sẽ đảm bảo được vấn đề này.

Các chính sách, đề xuất luôn đi ngược với định hướng và chiến lược. Định hướng và chiến lược là mong muốn người dân đi bộ nhiều hơn để giảm phương tiện cá nhân, thành phố không xả rác, thành phố sạch không phóng uế.

Thế nhưng chính sách lại không phù hợp như không có vỉa hè, hàng cây xanh che mát để giúp đi bộ, không có sọt rác công cộng, không có nhà vệ sinh công cộng hợp lý,…. Vậy mà luôn ta thán dân không chịu thực hiện.

Tôi xin đóng góp vài ý kiến nhỏ để thành phố tốt hơn như: Sở Giao thông vận tải cần rà soát lại quy hoạch giao thông hợp lý. Giải tỏa ngay những nút cổ chai (tạo ra bởi những tiểu đảo, con lươn không cần thiết) ở nhiều tuyến đường.

Chỉnh trang lại bảng hướng dẫn đường phải to, rõ ràng và đưa lên cao để người lưu thông dễ quan sát, chặn những cây hay dẹp những bảng quảng cáo che khuất bảng hiệu giao thông.

Tận dụng khoảng trống giữa hai gốc cây và khoét trống để tận dụng đậu ô tô hay xe máy. Hiện nay để vài cây cỏ hay cây hoa không giúp được gì.

Vỉa hè làm lại bằng việc lát bê tông để đồng bộ và rộng và làm hai làn để xe bên trong sát nhà và bên ngoài dành đi bộ.

Đồng bộ với các cấp thực hiện cấp phép cho các trung tâm giáo dục, cơ sở kinh doanh,… khi chứng minh có khoảng trống để phụ huynh hay khách hàng có thể đậu xe để đưa rước, mua sắm.

Các trường học nên quy định lại sân trường theo giờ, hết giờ học thì tạo được sân trống cho phụ huynh đưa xe vào đón con và chạy ra theo vòng tròn ra về.

Bạn đọc Thúy

Bạn quan tâm và mong muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Theo bạn nên quản lý vỉa hè như thế nào để giao thông thông thoáng, đường phố sạch đẹp, văn minh?

Mời bạn gởi những chia sẻ của mình đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

ĐỨC TUYÊN tổng hợp

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên