05/02/2023 17:28 GMT+7

Sinh viên giỏi đi đâu mà 5 năm qua TP.HCM không tuyển được ai?

Hơn 5 năm qua, TP.HCM không tuyển được bất kỳ sinh viên xuất sắc nào về làm việc trong các cơ quan nhà nước. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng đây là chuyện bình thường nhưng cũng rất bất thường, cần nhìn thẳng vào thực tế.

Sinh viên giỏi đi đâu mà 5 năm qua TP.HCM không tuyển được ai? - Ảnh 1.

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính - Ảnh: HỮU HẠNH

Làm ở Nhà nước khó thăng tiến, trong khi tư nhân lại khác?

Sở Nội vụ TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo nghị định số 140/2017 của Chính phủ.

Kết quả, từ năm 2018 đến nay, cơ quan hành chính ở TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ.

Theo Sở Nội vụ, chính các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập là những yếu tố khiến TP.HCM gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ suốt năm năm qua.

Nhận xét về việc này, bạn đọc Dương Văn Tuấn cho rằng trong năm năm mà không tuyển dụng được bất kỳ một sinh viên xuất sắc nào thì đó là điều đáng buồn. Vì sao thế?

"Đây là câu hỏi lớn mà mọi người ai cũng có thể trả lời nhưng nội bộ lại không biết. Thử hỏi trong năm năm qua khối hành chính sự nghiệp đã tuyển dụng bao nhiêu cán bộ, công nhân viên.

Không lẽ không tuyển được ai và sinh viên xuất sắc không phải là đối tượng cần tuyển ư?", bạn đọc Tuấn đặt câu hỏi.

Tương tự, bạn đọc Huy Hoàng cũng đặt vấn đề: Chỉ cần sau một năm tuyển không được thì biết ngay chính sách tuyển dụng có vấn đề rồi. Đợi đến năm năm mới xem lại điều đó minh chứng rõ ràng là không mấy ai tài giỏi muốn vào cơ quan nhà nước.

"Vào làm mà gặp sếp làm việc quan liêu kiểu làm chính sách như này thì chỉ có nước bỏ việc", bạn đọc Huy Hoàng nêu ý kiến.

Bạn đọc Văn Sái cũng đưa ra thực tế: Cần xem lại cách quản lý và dùng người. Nên hỏi tại sao người giỏi lại không tuyển được, trong khi các tập đoàn nước ngoài thì họ tuyển được rất nhiều?

Nêu thêm thực trạng, bạn đọc Phúc phản hồi: Sinh viên giỏi, xuất sắc thì trường nào chẳng có. Chẳng qua chúng tôi luôn mang suy nghĩ muốn làm việc trong cơ quan nhà nước trước hết phải có mối quan hệ mới có thể thăng tiến được.

Đó là suy nghĩ của hầu hết những sinh viên, chứ không riêng gì sinh viên loại giỏi. Nếu có năng lực, tốt nhất nên vào công ty tư nhân, cơ hội thăng tiến sẽ nhiều hơn, tương ứng với thu nhập cũng tăng theo.

Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Dân viết: Trả lương cực bèo, trả lương cào bằng giỏi - dốt ngang nhau, không phân biệt được người giỏi người dở, môi trường làm việc không khuyến khích sáng tạo, không áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý mà toàn kiểu chủ quan cảm tính...

Quá nhiều thứ để ngăn cản người tài vào Nhà nước làm việc, mà toàn những thứ thuộc về lỗi của bên người quản lý cơ quan, công ty nhà nước, chứ không phải khách quan do đất nước còn nghèo.

"Nên chuyện còn ai đó có trình độ mà làm cho Nhà nước sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên lắm. Lúc nào cũng đổ lỗi cho đất nước còn nghèo mà không chịu thay đổi. Mà không chịu thừa nhận chính vì không chịu thay đổi nên đất nước mới nghèo", bạn đọc Dân viết thêm.

Những câu chuyện thực tế của bạn đọc

Với comment rất dài, bạn đọc Phạm Thiết Hùng bày tỏ chính câu chuyện trong gia đình mình: Tôi xin thưa thực lòng, tôi không dám khẳng định các con tôi có thể đạt đến mức giỏi, xuất sắc theo tiêu chí của cơ quan nhà nước hay không.

Thế nhưng kết quả học tập theo bảng điểm của các con đều đạt 10/10 điểm, xếp A+, kể cả bộ môn triết học, lịch sử Đảng, chỉ một, hai môn điểm 9. Tốt nghiệp đại học và sau đại học loại giỏi.

Ra trường là công ty nước ngoài và đa quốc gia nhận liền. Thu nhập rất tốt, tiền lương hiện nay tình cờ tôi biết được khoảng gấp trên 10 lần chuyên viên chính tột bậc.

Có những lúc rảnh rỗi tôi đi chơi với con hỏi thăm, tại sao con không thi vào cơ quan nhà nước. Các con tôi không nói về thu nhập nhiều, mà nói về môi trường làm việc, độ "an toàn" làm việc, sự công nhận và thăng tiến trong công việc (không phải là chức vụ).

Các con tôi tự tin nhảy việc liên tục. Thậm chí tôi biết có công ty còn "mời ngầm". Như con rể tôi, là bác sĩ ngoại khoa. Sau vài năm làm việc cho bệnh viện nhà nước. Cháu đã ra làm riêng.

Bệnh viện tư từ Hà Nội, miền Trung đều mời. Lịch bay kín mít. Con dâu tôi là thạc sĩ luật, cũng không thi để giảng dạy hay làm cho cơ quan nhà nước nào. Con thích làm tự do. Vậy, tôi nghĩ môi trường làm việc quan trọng lắm!

Tương tự, bạn đọc Thu nhận định: Ở nước ta ngày nay, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đều hoặc là bỏ ra nước ngoài học tiếp và ở lại định cư làm việc, nếu có điều kiện.

Hay chí ít họ cũng được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ưu tiên tuyển chọn với cách đánh giá năng lực đúng đắn và chính sách đãi ngộ xứng đáng. Đó là hai lý do chính khiến thực trạng như Sở Nội vụ nêu.

"Thành phố không tuyển được người giỏi vào làm việc có nhiều lý do lắm. Thu nhập đương nhiên không tương xứng với sức lao động và năng suất lao động.

Vào cơ quan như phường, xã, quận huyện tên việc thì có, nhưng việc không nhiều lại hội họp, phong trào này khác... Người giỏi họ có lòng tự trọng và họ nghĩ lãng phí kiến thức. Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn sẽ có rất nhiều ý kiến tâm huyết cho vấn đề này ngay", bạn đọc Thoandoan viết ý kiến.

Bạn quan tâm và mong muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có đồng ý và góp ý gì cho cách tuyển dụng và dùng người trong cơ quan nhà nước hiện nay?

Mời bạn gởi những chia sẻ của mình đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.

ĐỨC TUYÊN tổng hợp

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên