31/03/2023 14:20 GMT+7

Ông Phan Đình Trạc: Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh tránh trước nóng sau nguội lạnh

Các ban nội chính đã tham mưu ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm như vụ án Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, đăng kiểm, Vạn Thịnh Phát.

Ông Phan Đình Trạc: Xử lý án tham nhũng tránh trước nóng nhưng sau nguội lạnh - Ảnh 1.

Ông Phan Đình Trạc nói về việc phòng chống tham nhũng - Ảnh: K.ANH

Sáng 31-3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý 1-2023 ngành nội chính Đảng và ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố.

Đưa hơn 500 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng vào diện cấp tỉnh theo dõi

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết từ tháng 8-2022 đã có 63/63 ban chỉ đạo cấp tỉnh thành lập.

Từ đó đến nay, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức được hàng trăm cuộc họp. Qua đó chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. 

Nhất là đã đưa nhiều vụ án, vụ việc vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. 

Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Theo báo cáo thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là Hà Nội 48 vụ; Thanh Hóa 10 vụ; Ninh Thuận 10 vụ; Bắc Giang 9 vụ; Đồng Nai 9 vụ…

Quý 1-2023, các địa phương trong cả nước đã khởi tố mới 512 vụ án/1.283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ án/835 bị can.

Ban nội chính các địa phương cũng chủ động theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên...

Tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, ban chỉ đạo cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đôn đốc, hướng dẫn cơ quan chức năng thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực...

Các ban nội chính đã tham mưu ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm như vụ án Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, đăng kiểm, Vạn Thịnh Phát...

Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng đưa nhiều vụ án vào diện theo dõi

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ các cuộc họp của ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát và quyết định đưa nhiều vụ án vào diện theo dõi. 

Đồng thời, chỉ đạo rà soát, xử lý các vụ việc, vụ án và giải quyết khiếu nại tồn đọng kéo dài liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. 

Theo ông Trạc, những động thái trên cho thấy không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", mà "dưới cũng bắt đầu nóng lên rồi".

"Điều này cho thấy chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đúng đắn, có hiệu quả trực tiếp", ông Trạc nhấn mạnh.

Thời gian tới, ông Trạc đề nghị các ban chỉ đạo cấp tỉnh phải xây dựng ban chỉ đạo trở thành một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất. Kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, mắt xích yếu, thực hiện đúng chức năng. 

Mỗi thành viên ban chỉ đạo phải gương mẫu, trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực và là những tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản nào.

Cùng với đó, tổ chức công việc chặt chẽ, phối hợp công tác nhịp nhàng đồng bộ, tránh hình thức, "trước nóng nhưng sau nguội lạnh dần làm mất uy tín". 

Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng cần chỉ đạo toàn diện nhưng đột phá, thực chất. Chọn những vấn đề, vụ việc, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tập trung những khâu yếu, điểm nghẽn và cái khó của địa phương.  

Chỉ đạo, tăng cường giám sát, kiểm tra những hoạt động như quản lý tài chính công, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch đất đai, chứng khoán, cổ phần hóa, thoái vốn trong các công ty có vốn nhà nước, cũng như các chính sách phục hồi kinh tế sau dịch, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên.

Nâng cao hiệu quả tự kiểm tra, thanh tra phát hiện tiêu cực. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. 

Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm chuyển hồ sơ ngay cho cơ quan điều tra, không chờ đến khi hết cuộc thanh, kiểm tra mới chuyển.

Ông Phan Đình Trạc: Xử lý nghiêm minh cả cán bộ cao cấp, tướng trong lực lượng vũ trangÔng Phan Đình Trạc: Xử lý nghiêm minh cả cán bộ cao cấp, tướng trong lực lượng vũ trang

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nêu rõ 10 năm từ khi tái lập, ngành đã tham mưu Ban Chỉ đạo đưa 436 vụ án, 583 vụ việc tham nhũng, kinh tế vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ. Nhiều cán bộ cấp cao cả đương chức, nghỉ hưu bị xử lý.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên