01/04/2023 12:26 GMT+7

'Ở với ông bà một thời gian, khi ba má điện thoại, con tôi không muốn nghe máy'

Sau một khoảng thời gian, mặc dù được ông bà rất cưng chiều, thế nhưng cả hai vợ chồng chị H. đều nhận thấy thái độ của con trai thay đổi bất thường. Những lần gọi điện cho con qua điện thoại, con đều không muốn nghe máy và tỏ ra sợ hãi.

Ở với ông bà một thời gian, khi ba má điện thoại, con tôi không muốn nghe máy - Ảnh 1.

Ông bà vui vầy bên con cháu - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Do áp lực kinh tế gia đình, giới trẻ ngày nay rất nhiều người sau sinh con, gửi con về cho ông bà nội hoặc ngoại nuôi.

Các chuyên gia cho rằng nếu cha mẹ không dành đủ thời gian quan tâm con trẻ sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của trẻ sau này. Nhiều mẹ trẻ sinh xong gửi con về ông bà do đâu?

Áp lực cuộc sống quá lớn

Sau khi kết hôn, cả hai vợ chồng chị Y.H. (33 tuổi, Bình Phước) quyết định sinh sống và lập nghiệp tại TP.HCM. Khi con trai đầu được 2 tuổi, chị tìm một công việc mới để chia sẻ kinh tế gia đình.

Vì áp lực công việc, thường xuyên đi sớm về muộn do vậy vợ chồng chị H. đã gửi thẳng con về cho ông bà nội nuôi.

"Chúng tôi cũng muốn gửi con đến nhà trẻ nhưng vì thấy còn quá nhỏ, ông bà chăm sóc sẽ tốt hơn. Ban đầu khi gửi con về, vào những ngày cuối tuần cả hai vợ chồng đều cố gắng sắp xếp thời gian về thăm con.

Tuy nhiên thời gian sau đó do công việc vừa bận rộn cộng với ảnh hưởng dịch COVID-19 nên không thường xuyên về. Chỉ còn cách thường xuyên nói chuyện với con qua camera điện thoại", chị H. kể.

Sau một khoảng thời gian, mặc dù được ông bà rất cưng chiều, thế nhưng cả hai vợ chồng chị H. đều nhận thấy thái độ của con trai thay đổi bất thường. Những lần gọi điện cho con qua điện thoại, con đều không muốn nghe máy và tỏ ra sợ hãi.

"Khi đón về, tôi phải đưa con đi khám bác sĩ vì nghĩ con bị tự kỷ. Con nhạy cảm hơn, chỉ cần xa cha mẹ vài giờ rất sợ hãi, thường la hét, cáu gắt hơn, đi học không cảm thấy vui. Chỉ cần nhắc về với ông bà nội là rất sợ. Từ đó, chúng tôi quyết định không gửi cho ông bà mà dành thời gian quan tâm con nhiều hơn", chị H. cho hay.

Hai vợ chồng chị H.T. (30 tuổi, TP.HCM) đang là công nhân tại một khu chế xuất. Vốn cuộc sống đã vất vả, không dư dả được nhiều nên anh chị đã quyết định đưa hai con nhỏ về cho ông bà nội cách 200km tiện chăm sóc.

Theo vợ chồng chị T., việc gửi con về cho ông bà sẽ giảm được bớt gánh nặng tài chính, quê nhà lại có không gian rộng rãi thoáng mát, trẻ thoải mái vui đùa.

"Những ngày đầu đón về, cả hai bé cứ khóc đòi về ở với ông bà nội. Do được ông bà cưng chiều nên các bé ngày càng nghịch ngợm nhiều hơn, thích đòi hỏi và hay hờn dỗi. Sau khoảng một năm vợ chồng tôi quyết định đón con về để tiện chăm sóc và có thời gian bên con nhiều", chị T. chia sẻ.

Ở với ông bà một thời gian, khi ba má điện thoại, con tôi không muốn nghe máy - Ảnh 3.

Ông bà vui vầy bên con cháu - Ảnh minh họa: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều người thường nghĩ là trẻ con non nớt không biết gì nhưng việc xa cha mẹ sẽ dẫn đến dễ tổn thương tâm lý. Bên cạnh đó, sợi dây tình cảm của con cái và cha mẹ sẽ dần lỏng lẻo. Ở những giai đoạn này trẻ cần có sự gắn bó của cha mẹ, khó có mối quan hệ nào có thể bù được.
Thạc sĩ Minh Hoa

Nên dành nhiều thời gian cho con

Thực tế hiện nay có rất nhiều lý do khiến các bạn trẻ phải gửi con về quê để ông bà nội, ngoại chăm sóc. Trong đó, phần đông là những lao động phổ thông có mức thu nhập không đủ để cả nhà cùng thuê những phòng trọ rộng rãi, lo chi tiêu, ăn học cho con cái ở đô thị lớn.

Bác sĩ Trần Quang Huy - khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết việc cha mẹ gửi con cho ông bà chăm sóc chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Trẻ dễ mắc phải rối loạn lo âu chia ly do không được gần sự chăm sóc của cha mẹ.

"Con cái lúc nào cũng muốn mình được gần cha mẹ nhiều nhất, việc tổn thương tâm lý còn phụ thuộc vào mỗi trẻ, nhiều trẻ có thể vượt qua được, nhưng nhiều trẻ lại không. Về lâu dài, nhiều trẻ sẽ cảm thấy sợ bố mẹ bỏ rơi mình, dễ có tâm lý sợ sệt, thiếu tự tin, dễ nhạy cảm hơn...

Nếu trẻ mắc rối loạn lo âu chia ly nặng sẽ phải điều trị. Tốt nhất là các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian bên con", ông Huy cho hay.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa - chuyên gia tâm lý - cho biết khi cha mẹ gửi trẻ cho những người thân thiết chăm sóc, theo độ tuổi ông bà sẽ có những mức ảnh hưởng đến trẻ khác nhau.

Việc gửi con cho ông bà chăm sóc cũng có lợi nhiều mặt như giảm áp lực về tài chính gia đình, ông bà chăm sóc tốt hơn so với gửi nhà trẻ...

Tuy nhiên, khi gửi trẻ cho người thân thiết sẽ khiến trẻ thiếu hẳn sự giáo dục của cha mẹ, có thể dẫn tới trẻ bị ảnh hưởng cả về tâm lý lẫn hành vi sau này. Với những trẻ sớm xa cha mẹ dễ bị tủi thân, dễ mặc cảm, xúc động và tự ti hơn, thậm chí có hành vi chống đối lại cha mẹ.

Bà Hoa đưa ra lời khuyên cho bậc cha mẹ rằng, trường hợp bất đắc dĩ phải gửi trẻ, cha mẹ nên chọn người thân thiết, có kiến thức chăm sóc, phải thường xuyên liên hệ, thăm và trao đổi với con.

Bên cạnh đó, cha mẹ phải bắt tâm lý trẻ kịp thời, sự thay đổi tâm lý của trẻ nên trao đổi với người chăm sóc và giao lưu với trẻ thường xuyên hơn.

Nuôi, dạy con còn nhiều yếu tố

Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết ngày nay phụ nữ tham gia nhiều hoạt động xã hội, và nó chiếm hầu hết thời gian của họ. Nhiều phụ nữ quên đi thiên chức làm mẹ, đồng thời đánh mất thời gian sinh, trong khi tuổi sinh tốt nhất của phụ nữ là từ 18 - 35.

Sinh nở là thể hiện trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, xã hội, đất nước. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều phụ nữ trẻ sau sinh con thì đưa về gửi ông bà ở quê nuôi dưỡng và ở TP.HCM đi làm.

Theo bà Tuyết, thời gian qua, HĐND TP.HCM có nhiều nghị quyết phát triển trường mầm non ở khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, sinh con và nuôi con còn nhiều yếu tố khác.

Trường giảm lớp bán trú, cha mẹ tất tả tìm chỗ gửi conTrường giảm lớp bán trú, cha mẹ tất tả tìm chỗ gửi con

TTO - Trước tình hình học sinh tăng đột biến, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM phải giảm lớp bán trú và chuyển sang học 1 buổi/ngày khiến phụ huynh 'xấc bấc xang bang' vì không có chỗ gửi con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên