31/03/2023 06:48 GMT+7

Khi Mỹ thừa nhận 'ngoại giao cây tre'

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết ủng hộ một Việt Nam 'mạnh mẽ, thịnh vượng, tự cường và độc lập'.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo một số bộ, cơ quan trong cuộc điện đàm tối 29-3 với Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo một số bộ, cơ quan trong cuộc điện đàm tối 29-3 với Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: TTXVN

Đây là những ngôn từ không chỉ là ngoại giao mà còn mang một hàm ý lớn, theo giới phân tích.

Tối 29-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ Joe Biden đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Thời điểm và bối cảnh điện đàm nhận được sự đánh giá tích cực từ các học giả.

"Đặt nền tảng cho nâng cấp quan hệ"

Trong điện đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định những gì hai nước đạt được trong gần 30 năm qua là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi theo tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Về phía Mỹ, Nhà Trắng công bố "hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Carl Thayer, một chuyên gia người Úc dành nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, nhận định những gì được phía Mỹ và Việt Nam đăng tải cho thấy hai nhà lãnh đạo đã bước đầu "đặt nền tảng cho nâng cấp quan hệ". Ông cũng tin rằng năm 2023 là thời điểm thích hợp để Việt Nam và Mỹ đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

"Việc một tổng thống Mỹ nói chuyện với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ rất hiếm xảy ra. Nhưng tối 29-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là sự ghi nhận vai trò quan trọng của ông trong hệ thống chính trị Việt Nam", ông Thayer nhận xét.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Tâm Sáng, Trường đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng bí thư "vừa là động thái mang tính thăm dò của phía Mỹ, vừa thể hiện sự tôn trọng đối với lựa chọn về thể chế chính trị của Việt Nam". Dù việc nâng cấp quan hệ không được nhắc đến trực tiếp, song cuộc điện đàm đã cho thấy những tín hiệu tích cực về triển vọng này.

"Theo thời gian, lãnh đạo Mỹ ngày càng hiểu biết sâu sắc rằng bước đầu tiên để nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt là phía Mỹ phải thể hiện thiện chí đối với việc tôn trọng sự khác biệt về ý thức hệ và thể chế chính trị của hai nước", ông Sáng giải thích. Theo ông, những tiến triển đủ để tạo thành "lực đẩy" giúp hai nước nâng tầm quan hệ cần có yếu tố bối cảnh và thời cơ. Bối cảnh hiện nay là khá tích cực, nhưng hai nước vẫn cần quyết tâm chính trị cao hơn.

Thừa nhận "ngoại giao cây tre" của Việt Nam

Các quan chức Mỹ từng nhiều lần tuyên bố ủng hộ "một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập". Nhưng sau lần điện đàm này, trong thông tin được Nhà Trắng công bố, cam kết đó đã thay đổi thành ủng hộ "một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, tự cường và độc lập". 

Chỉ một từ mới được thêm vào - một thay đổi nhỏ nhưng cho thấy một sự thừa nhận đáng chú ý của Mỹ với đường lối đối ngoại cân bằng của Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện tại.

"Tôi nghĩ chữ 'tự cường' đó là ám chỉ đường lối "ngoại giao cây tre" của Việt Nam. Có khả năng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã gợi ý (Tổng thống Joe Biden) để nhấn mạnh trường phái ngoại giao đặc biệt của Việt Nam", giáo sư Thayer nhận xét.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần mượn hình ảnh cây tre để nói về đường lối đối ngoại của Việt Nam: mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn. 

Trong cuộc điện đàm tối 29-3, những nguyên tắc đối ngoại như "độc lập, tự chủ", "đa dạng hóa, đa phương quan hệ", hay "là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" đều đã được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập với Tổng thống Mỹ.

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn rất gay gắt và hai nước có những vấn đề chính trị riêng, theo TS Huỳnh Tâm Sáng, những gì Tổng bí thư đã nói với ông Joe Biden thể hiện rõ một mong muốn. Đó là Tổng thống Mỹ - lãnh đạo cao nhất của Mỹ - phải tôn trọng và khẳng định rõ không buộc Việt Nam "chọn bên" trong cạnh tranh nước lớn.

Đáng chú ý, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần hai đang diễn ra ở Washington (Mỹ). Vô hình trung, điều này biến cuộc điện đàm trở thành sự kiện mang tính biểu tượng cao. "Dù trùng hợp hay không, phía Mỹ dường như đang phát đi tín hiệu rằng khác biệt về ý thức hệ không nên là trở ngại cho quan hệ Việt - Mỹ vốn đang phát triển mạnh mẽ", TS Huỳnh Tâm Sáng nói.

"Thời điểm tối ưu" cho chuyến thăm cấp cao

Trong cuộc điện đàm tối 29-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp thời gian phù hợp.

Theo chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), năm 2023 là "thời điểm tối ưu" cho các chuyến thăm cấp cao. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang thăm Trung Quốc vào cuối tháng 10 đầu tháng 11-2022, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Còn với Mỹ, 2023 là năm được đánh giá khá yên bình trước khi nước này bước vào cuộc bầu cử tổng thống có khả năng xảy ra nhiều phức tạp và tranh cãi vào năm 2024.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe BidenTổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tối 29-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên