13/08/2022 09:18 GMT+7

Hoàn thiện dữ liệu để 'xóa' sổ hộ khẩu

ÁI NHÂN - THÀNH CHUNG
ÁI NHÂN - THÀNH CHUNG

TTO - Theo Luật cư trú 2020, từ ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Do đó sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31-12-2022.

Hoàn thiện dữ liệu để xóa sổ hộ khẩu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu tại một văn phòng công chứng trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mới đây tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay từ nay đến ngày 31-12 phải thay đổi quy định để các cơ quan không buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu. 

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục hành chính đang buộc người dân sử dụng sổ hộ khẩu giấy, làm sao để chỉ còn hơn 4 tháng nữa có thể "xóa" sổ hộ khẩu?

Nếu bị thu sổ hộ khẩu, phải xin giấy xác nhận cư trú

Thực tế từ ngày 1-7-2021, người dân cả nước khi có điều chỉnh thông tin hộ tịch, hộ khẩu (tách hộ, nhập hộ...), thay đổi địa chỉ cư trú do điều chỉnh địa giới hành chính, tên đường..., cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu giấy. 

Ví dụ tại TP.HCM, đến nay công an đã thu hồi hơn 56.500 hộ khẩu của người dân liên quan những thay đổi này. Do còn một số thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu nên các trường hợp này sẽ phải xin giấy xác nhận thông tin cư trú.

Chẳng hạn mới đây ông C.V.S. (thường trú Bình Dương) cùng các đồng thừa kế ra văn phòng công chứng thực hiện thủ tục khai và chia di sản thừa kế. Công chứng viên đã đề nghị ông S. và các đồng thừa kế cung cấp sổ hộ khẩu cùng với các giấy tờ khác để chứng minh mối quan hệ gia đình. 

Tuy nhiên sổ của ông đã bị thu hồi do ông làm thủ tục tách hộ trước đó. Vì vậy, công chứng viên đã hướng dẫn ông quay về Công an thị xã Tân Uyên để được cấp giấy xác nhận vào thời điểm năm 2000 ông có cùng hộ khẩu với 4 người trong gia đình.

Tương tự, ông M.L.N. (thường trú Bình Dương) cũng phải đến Công an thị xã Tân Uyên để được cấp giấy xác nhận cùng hộ khẩu với các thành viên trong gia đình để thực hiện thủ tục chuyển nhượng đất cấp cho hộ gia đình.

Còn bà N.T.Y. (tạm trú TP Thủ Đức, TP.HCM) muốn khởi kiện ra tòa để ly hôn với chồng. Cả hai vợ chồng bà đều thường trú ở tỉnh. Theo hướng dẫn của tòa án, bà Y. phải cung cấp giấy tờ chứng minh nơi cư trú của chồng để tòa giải quyết. Bà N.T.Y. đã phải về quê nơi thường trú để xin cơ quan công an cấp giấy xác nhận cư trú của chồng do sổ hộ khẩu giấy đã bị thu hồi trước đó.

Hoàn thiện dữ liệu để xóa sổ hộ khẩu - Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục hộ tịch liên quan hộ khẩu tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Căn cước công dân gắn chip sẽ thay sổ hộ khẩu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tướng Tô Văn Huệ, cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho biết kể từ khi Luật cư trú có hiệu lực, Bộ Công an không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. 

Khi người dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan công an có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp.

Ông Huệ cũng nêu rõ căn cước công dân gắn chip là giấy tờ pháp lý mà người dân có thể dùng để chứng minh hoặc xác thực thông tin về cư trú khi làm các thủ tục hành chính, không cần sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, dù quy định của luật như vậy nhưng thực tế vẫn có một số cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải mang sổ hộ khẩu gốc đến để đối chiếu khi làm các thủ tục hành chính về đất đai, nhập học, vay vốn... 

Do đó để giải quyết tạm thời và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cơ quan công an sẽ thực hiện cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho người dân. Để được cấp người dân có thể gửi yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú đến cổng dịch vụ công quốc gia hoặc bất kỳ cơ quan quản lý cư trú nào trên cả nước (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú). Thời hạn giải quyết là 3 ngày.

Ông Huệ nêu rõ sau này khi các cơ sở dữ liệu khác được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các thông tin về cư trú sẽ được sử dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay vì cấp giấy. 

Bên cạnh đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ giúp chính quyền các địa phương, các trường học tuyển sinh đầu khóa tốt, bài bản hơn bởi cung cấp được số liệu về độ tuổi, nơi cư trú rất cụ thể để biết có bao nhiêu cháu đến tuổi đi học.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, từ nay đến ngày 31-12 chỉ còn việc duy nhất là phải thay đổi lại các quy định để không còn các cơ quan nào buộc người dân phải thực hiện những xác nhận, những trình báo về hộ khẩu nữa.

Hoàn thiện dữ liệu để xóa sổ hộ khẩu - Ảnh 3.

Người dân làm các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu tại Công an quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mong sớm được kết nối dữ liệu

Anh P.N.M.Q. cho hay vợ chồng anh từ nơi khác vào TP.HCM mua được căn hộ chung cư ở quận 12, đến nay đã nhập hộ khẩu vào đây. Tuy nhiên chỉ hơn một năm trước, gia đình nhà vợ anh ở Lâm Đồng bị thu hồi sổ hộ khẩu, trong hộ có cả vợ anh. 

Khi vợ anh làm căn cước công dân gặp phát sinh sai sót dữ liệu nên vợ anh phải chạy về quê điều chỉnh và xin thêm xác nhận cư trú để xuất trình công an. Ngoài ra khi vợ anh xin việc thì cũng xin xác nhận thường trú.

"Hiện nay vợ chồng tôi đã đăng ký thường trú điện tử vào TP.HCM nhưng nếu mỗi lần làm thủ tục gì cần xác nhận cư trú lại phải chạy ra công an phường để xin giấy xác nhận thường trú thì tôi thấy cũng bất tiện. 

Tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết kết nối dữ liệu để việc kiểm tra thông tin cư trú của dân thuận tiện nhất thông qua mạng. Đặc biệt là đầu năm tới khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị mà cứ mỗi lần làm gì lại phải xin giấy xác nhận thì cực còn hơn sử dụng sổ giấy", anh Q. nói.

Bên cạnh đó nhiều người dân cũng cho rằng việc giấy xác nhận thông tin về thời gian cư trú quá ngắn (chỉ 30 ngày) dẫn đến không kịp làm một số thủ tục hành chính.

Công chứng viên Phạm Văn Thể cho hay các tổ chức hành nghề công chứng thường xuyên phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú theo hộ gia đình khi sổ hộ khẩu bị thu hồi. 

Hiện nay và trong thời gian tới, khái niệm hộ gia đình (hộ sử dụng đất, hộ kinh doanh...) vẫn còn rất nhiều trong các quy định pháp luật. Hộ gia đình là chủ thể các giao dịch như chuyển nhượng nhà đất của hộ gia đình, chia thừa kế, chia tài sản... 

Vì vậy để giải quyết thủ tục của khách hàng liên quan đến hộ dân được chính xác thì phải cần xác nhận nếu không có sổ hộ khẩu.

"Hiện các tổ chức hành nghề công chứng vẫn theo dõi khả năng kết nối dữ liệu dân cư và đã có nhiều kiến nghị về việc chia sẻ kết nối tại các hội nghị, hội thảo. Điều này xuất phát từ nhu cầu chống làm giả, xác minh lai lịch, thông tin cá nhân... người yêu cầu công chứng. 

Chúng tôi nghĩ việc cấp quyền, chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức cũng rất phức tạp bởi liên quan đến bảo mật an ninh dữ liệu cá nhân. Nhưng khi nào chưa kết nối, chia sẻ thì người dân còn cực mỗi khi cần xác nhận cư trú, xác nhận hộ gia đình để thực hiện thủ tục", ông Thể nói.

7 trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu từ ngày 1-7-2021 gồm:

1. Thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú

2. Điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú

3. Tách hộ

4. Xóa đăng ký thường trú

5. Đăng ký tạm trú

6. Gia hạn tạm trú

7. Xóa đăng ký tạm trú

Hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip trước 30-9

Bộ Công an cho biết tính đến ngày 5-8-2022, bộ đã cấp được 67.910.130 thẻ căn cước công dân gắn chip, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng phấn đấu hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30-9, riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8-2022.

Đối với các công dân đang có chứng minh nhân dân/căn cước công dân 12 số, hiện không có quy định nào bãi bỏ việc sử dụng và công dân có thể sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, Bộ Công an đề nghị công dân nên sớm tiến hành làm/đổi sang căn cước công dân gắn chip để thuận tiện cho công việc về sau, giảm bớt áp lực giấy tờ cá nhân.

* Ngành điện, nước TP.HCM chờ kết nối

Ông Bùi Trung Kiên, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết hiện tại việc đăng ký điện mới và cấp định mức cho người dân vẫn còn thực hiện theo cách cũ. Lý do là thông tin chưa được kết nối đầy đủ, ngành điện vẫn xác minh số hộ để cấp định mức.

"Từ nay tới cuối năm khi cơ sở dữ liệu hoàn thiện thì việc kết nối sẽ tốt hơn, khai thác hiệu quả hơn. Về hạ tầng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, chỉ cần có hướng dẫn thì sẽ thực hiện", ông Kiên nói.

Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV cho biết hiện nay đang thu thập thông tin trên căn cước công dân của người dân.

"UBND TP cũng đã có quyết định điều chỉnh quyết định 25 về ban hành giá nước sạch sinh hoạt lộ trình 2019 - 2022. Trong đó, bên cạnh sổ hộ khẩu và tạm trú thì có thể cấp định mức nước theo căn cước công dân nên chúng tôi đang làm theo hướng này trong lúc đợi kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia.

Tuy nhiên để thu thập hết thông tin của 10 triệu người thì sẽ cần thời gian, chắc tới giữa năm sau mới xong", vị này cho biết.

LÊ PHAN

TTR_ThutucCapnuocGD 1 1(Read-Only)

Người dân làm thủ tục cấp nước tại Công ty Cấp nước Gia Định (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

* Ngân hàng: Thông tin từ căn cước công dân là chưa đủ

Hiện tại thông tin công khai trên website về hồ sơ vay thế chấp để mua nhà, mua ôtô, sản xuất kinh doanh, một loạt ngân hàng như MBBank, Agribank, BIDV... vẫn đang yêu cầu trong hồ sơ vay vốn, khách hàng phải cung cấp sổ hộ khẩu.

Về thủ tục mở thẻ tín dụng quốc tế, hầu hết các ngân hàng đều đề nghị khách có bản sao hộ khẩu chứng minh nơi cư trú và kèm bản gốc để đối chiếu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết theo quy định tại thông tư 39 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.

Do đó, cũng theo ông Hùng, các tổ chức tín dụng đưa ra quy định trong hồ sơ vay vốn, mở thẻ tín dụng... là khách hàng phải có sổ hộ khẩu, nhằm đảm bảo quản lý, giám sát nguồn vốn cũng như an toàn cho hoạt động ngân hàng. Đây là điều hết sức cần thiết.

Hiện tại khi ngân hàng chưa kết nối được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quy định khách phải có hộ khẩu là phù hợp. Còn tới đây khi ngành ngân hàng kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì các tổ chức tín dụng sẽ phải đơn giản các thủ tục, điều kiện, hồ sơ vay vốn, mở thẻ tín dụng... nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.

Theo một giám đốc ngân hàng thương mại tại TP.HCM, hiện nay các cá nhân sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip giao dịch tại ngân hàng thì quét chỉ thấy được thông tin cá nhân của người đó, chứ không thể thấy thông tin hộ gia đình.

Như vậy với các giao dịch cần đến xác định thông tin hộ gia đình (như thế chấp đất cấp cho hộ gia đình) thì ngân hàng cũng phải cần đến sổ hộ khẩu để xác định thành viên hộ. Trường hợp sổ hộ khẩu bị thu hồi hoặc không còn giá trị thì phải có xác nhận thành viên hộ từ cơ quan công an kết hợp kiểm tra với các giấy tờ khác.

L.THANH - ÁI NHÂN

* Tuyển sinh đầu cấp không bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 và đang chuẩn bị cho năm học mới. Công việc này liên quan đến hộ khẩu thường trú, tạm trú nhưng hiện đã hoàn thành nên việc bỏ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến công tác học hành cũng như tuyển sinh tại TP.HCM.

Mặt khác việc tuyển sinh đầu cấp ở TP.HCM lâu nay vẫn thực hiện theo khảo sát thực tế nơi cư trú hiện tại của học sinh (được thực hiện từ địa phương cấp phường, xã) trên yêu cầu đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh phổ thông nên không có khó khăn hay xáo trộn gì cho công tác tuyển sinh trong những năm tới.

M.DUNG

Để hộ khẩu không làm khó học sinh Để hộ khẩu không làm khó học sinh

TTO - Với một lĩnh vực đặc thù như giáo dục, việc bỏ "căn cứ" hộ khẩu khi nhận học sinh vào học liệu có dễ dàng? Việc quản lý theo hộ khẩu đã là nếp của nhiều cơ quan công quyền. Phải quyết liệt tấn công vào quan niệm đó.

ÁI NHÂN - THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên