02/10/2003 09:10 GMT+7

"Hoa Pơlang" đi học dệt thổ cẩm

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

TT (Khánh Hòa) - 27 tuổi, cô giáo H’Chel Hmok từ giã buôn Lê, huyện Lắc, Đắc Lắc để đi dạy dệt thổ cẩm cho các buôn làng tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Tôi gặp cô trong cái lạnh nhè nhẹ của miền đất chập chùng đồi, trong sân của UBND xã Khánh Hiệp.

GkhC8zX5.jpgPhóng to
Các học viên lớp học thổ cẩm
TT (Khánh Hòa) - 27 tuổi, cô giáo H’Chel Hmok từ giã buôn Lê, huyện Lắc, Đắc Lắc để đi dạy dệt thổ cẩm cho các buôn làng tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Tôi gặp cô trong cái lạnh nhè nhẹ của miền đất chập chùng đồi, trong sân của UBND xã Khánh Hiệp.

Cô mặc bộ đồ truyền thống của người Ê Đê mặc dù cô là người M’Nông - bởi hôm nay là lễ bế giảng lớp học thổ cẩm đầu tiên cho 29 cô gái dân tộc Ê Đê và các dân tộc khác ở đây.

30 năm về trước, một cộng đồng dân cư từ các buôn làng Đắc Lắc trên con đường tìm đất sống đã băng rừng đến Khánh Vĩnh. Họ ra đi mà chẳng kịp mang theo nghề dệt thổ cẩm của mình. Cứ thế, những cô gái làng lớn lên không biết ngồi bên khung cửi để dệt cho mình bộ quần áo truyền thống.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi như thế. Cho mãi đến năm 2003, ngành lao động - thương binh & xã hội tỉnh cử người lên tận Khánh Vĩnh tìm kiếm những nghệ nhân biết nghề dệt thổ cẩm nhằm khôi phục nghề truyền thống này. Kết quả chỉ có vỏn vẹn ba người còn biết dệt.

Già làng Y Bảo (72 tuổi) ở Khánh Hiệp nói: “Tôi già rồi, bởi chiến tranh lâu quá nên đã quên hết rồi”, rồi chính già làng Y Bảo đến từng nhà vận động các gia đình cho con gái đi học lớp dệt thổ cẩm đầu tiên ở Khánh Vĩnh. Rồi địa phương phải đến tận Trường dạy nghề dân tộc ở Đắc Lắc nhờ giúp đỡ.

H’Chel Hmok đã cùng với H’Wong Hdơk lên đường đến Khánh Hiệp huấn luyện cho 29 cô gái từ các buôn trong huyện về học. Họ học miệt mài bên khung cửi như biết rằng trách nhiệm của họ không phải chỉ là biết nghề, mà từ đây nghề dệt thổ cẩm sẽ nhân rộng đến đôi tay nhiều cô gái khác ở Khánh Vĩnh này.

Cuộc hành trình 120 ngày khôi phục một nghề truyền thống ấy quả là điều kỳ diệu. Dân làng tò mò tới tận nơi để xem những sợi chỉ mong manh kia trở thành tấm thổ cẩm dưới bàn tay con cái trong buôn làng như thế nào. Thì đây, Nê H’Kop, 17 tuổi, dân tộc Ê Đê, thôn Hơn Lây, tự hào cho biết đã dệt được các loại sản phẩm như quai, túi, áo nam, áo nữ, váy, địu con, khăn trải bàn... Và cũng đáng tự hào khi Nê mặc bộ váy do chính bàn tay mình lần đầu tiên dệt ra.

Còn H’ Trây H’ Nhiên, cũng ở thôn Hơn Lây, tạm ngưng ra rẫy trong 120 ngày để học lấy nghề. H’Trây đã theo gia đình từ Đắc Lắc băng rừng đến Khánh Vĩnh vào năm 1982. Cô gái 22 tuổi cho biết sau khi ra nghề, về nhà cô sẽ đặt khung dệt để dệt, thậm chí sẽ chỉ dẫn cho bạn bè cùng biết dệt như mình.

Trong buổi lễ phát bằng, tôi ngồi sát bên Cao Thị Ngạnh, cô gái mới 17 tuổi nằm trong 12 cô được bằng khen vì quá trình học xuất sắc. Tôi thấy đôi tay Ngạnh bấu vào áo, hồi hộp đợi đọc tới tên mình. Để rồi trong đêm lửa trại, giọng Ngạnh tự tin giữa bập bùng ánh lửa: “Khánh Vĩnh là miền đất tụ họp của nhiều dân tộc anh em Ê Đê, Raglay, Tày, Mường…”.

Bắt đầu từ đêm nay, những khung cửi lại sẽ trở về trong những buôn làng sau 30 năm vắng bóng. Những cô gái Ê Đê, Raglay kia sẽ là hạt giống khởi đầu cho một làng nghề trong tương lai. Còn H’Chel tiếp tục đến một nơi khác dạy học.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên