Giấc mơ Hoàng Phủ

VĂN CẦM HẢI 22/09/2003 05:09 GMT+7

TTCN - Khi tôi sinh ra, ông Tường lên rừng. Khi tôi lớn, ông Tường rong chơi, không khi nào ông có dịp rảnh rỗi để chỉ dạy tôi, nhưng nhờ những lần chuyện vãn với ông, tôi đã lĩnh hội được cái ý niệm của một người từng trải, rằng thế giới tồn tại bởi sự lễ độ, ngay cả với những hạt vật chất bé nhỏ nhất...


Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nếu không có bà quét rác, Thượng đế đã quét tôi ra khỏi đời sống 

Trong mắt non của tôi, ông Tường là một cây cổ thụ biết nói. Bằng thứ ngôn ngữ đượm màu diệp lục, quanh năm ông trút tràn chiếu rượu bè bạn, ông rơi đầy khắp mọi miền đất nước những câu chuyện xôn xao hoa lá ẩn chứa bao mầm giống của một thứ tư duy kinh kệ! 

Vậy mà sáu năm nay, từ mùa World Cup '98, cây cổ thụ ấy bất chợt bị bệnh tật quật ngã, đành phải xoải lá cành mặc gió mưa giang hồ mời gọi. 

Thương tình, mùa đông năm ngoái Trời sai một người đàn bà đến dìu ông dậy. Người đàn bà ấy làm nghề quét rác ở một cái chợ miền sơn cước: chợ Khe Sanh vùng biên giới Việt - Lào ở Quảng Trị quê hương ông Tường. 

Sau ba ngày xem bệnh, người đàn bà quét chợ có tên là Gái quyết định chữa bệnh cho ông Tường. Ròng rã năm tháng, từ mùa đông qua mùa xuân đến mùa hạ, cây cổ thụ Hoàng Phủ chiều nào cũng oằn mình trong nồi hơi ăm ắp khói lá xông và được trích máu.

Tôi không biết thuở Quan Công ngồi đánh cờ cho Hoa Đà cạo xương đau như thế nào, chứ cái đau từ những mảnh chai của bà Gái mà tôi cũng từng nếm trải cũng vô ngần lắm. Bà Gái thắp hương, thổi tràn rượu vào lưng tôi, sau đó phủ chăn và trích máu. Chỉ vài phút ngắn ngủi, tôi đã run lẩy bẩy, mồ hôi vã ra; còn bà Gái vẫn cười, nụ cười của một người đàn bà hơn tuổi 40, đã qua tám lần sinh nở vẫn đầy ắp chất rừng: "O chữa bệnh cho ông Tường vì biết ông ấy được nhiều người yêu thương và kính trọng". Một người không biết chữ đã cứu sống một bồ chữ. "Nếu không có bà Gái, mình đã chết". 

Ông Tường sau khi gượng dậy nhờ được chữa bệnh đã thấp thoáng với tôi về những điều bí ẩn của người đàn bà một lần nằm mơ thấy bầy rắn trắng từ núi bay về nhập vào mình, bỗng dưng trở thành thầy lang nức tiếng trong đồng bào dân tộc miền núi Hướng Hóa! 

Và ông Tường từng chứng kiến: có lần bà Gái phải sụp lạy năn nỉ một người dân tộc Vân Kiều ở lại cho bà được chữa bệnh. Trong đời ông Tường, ông chưa từng biết một dị nhân nào như vậy, dù là hư cấu văn chương. 

9/10 những gì tôi viết ra đều rất tệ

Những ngày đên thăm ông Tường, tôi đọc tập bản thảo Trên dấu chim di thê cho ông nằm nghe, vừa đọc tôi vừa nhìn trộm ông. Đôi mắt ông lim dim, đôi tay nằm yên, thi thoảng ông lại ho khan. Sau mỗi bài tôi hỏi: chú thấy được không? "OK, đọc tiếp đi" - ông Tường thì thào. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại khấp khởi. 

Sau mấy ngày nghe tôi đọc xong tập ký, ông lại mang bản thảo lên Khe Sanh chữa bệnh. Ngày tôi nhận lại tập bản thảo đã thấy nhàu nát. Hóa ra lên Khe Sanh ông vẫn lén đọc tập ký dù bà Gái can ngăn. Ông đọc để viết lời tựa cho tôi. Một tay bị liệt, một tay gầy yếu còn lại vẫn gắng gượng cầm tập giấy, đọc những hạt chữ non nớt của tôi. Rồi sau cùng bài tựa đã ra đời với nhiều lần sửa chữa, thậm chí một từ ông cũng đắn đo nhiều nhịp máu chảy. 

Nghĩa là ông vẫn hăng say tư duy mặc kệ bệnh tật, cũng có thể bệnh tật thấy sự nhiệt thành như vậy nên phải nhường bước cho ông đi lang thang. Có lẽ chỉ có viết thế giới của ông mới được vần chuyển. 

Từ trong xương tủy, từ trong từng chùm nơron, quá khứ và kinh nghiệm gần 60 năm lang thang, lúc lên rừng kháng chiến, lúc xê dịch qua bao miền suy nghiệm, tư duy ông Tường cứ mặc nhiên chảy ra trong trẻo. 

Kinh nghiệm và sự đọc đã trở thành cái mỏ vàng cho Hoàng Phủ khai thác từng ngày, từng giờ, từng giây phút. Có lần tôi mạo muội nói chú viết ký ai cũng khen tận lên mây, nhưng có lẽ chú cũng có những cái viết tệ lắm. Không ngờ ông Tường gật đầu, rụng xuống một câu làm tôi tôi giật mình: 9/10 những cái mình viết ra là tệ nhất. 

Ôi, cái thằng viết trẻ tuổi trong tôi phải tự răn mình đừng bao giờ tự huyễn hoặc khi mới nho nhoe vài ba tác phẩm! 

Khi tôi sinh ra, ông Tường lên rừng. Khi tôi lớn, ông Tường rong chơi, không khi nào ông có dịp rảnh rỗi để chỉ dạy tôi, nhưng nhờ những lần chuyện vãn như vậy tôi đã lĩnh hội được cái ý niệm của một người từng trải, rằng thế giới tồn tại bởi sự lễ độ, ngay cả với những hạt vật chất bé nhỏ nhất. 

Phải mơ mới thăng bằng cuộc sống

Ông Tường quan niệm đời người không ngủ. Khi ngủ, tâm linh và trí não vẫn làm việc bằng giấc mơ và cõi vô thức. Những giấc mơ không thể thiếu cũng như những vì sao không thể vắng trong đêm. 

Phải mơ mới giữ được thăng bằng cuộc sống. Và giấc mơ lớn nhất của đời ông là được đi chơi khắp thế giới. Chao ôi, một giấc mơ lớn như vậy mà giờ đây thân xác đành phải di chuyển trên xe lăn, suốt ngày không xuống đất, chỉ lăn tới lăn lui trên gác hai căn hộ giấu mình dưới tàng cây long não kề bên nhà thờ Phú Cam khi xưa là nhà của Trịnh Công Sơn. 

Người dân tộc Pakô trên dãy Trường Sơn kể rằng khi con người ngủ một con dế sẽ hiện ra giữa hai chân lông mày, con dế ấy sẽ bay đi, hái lượm chuyện muôn phương về báo cho người biết. Ông Tường chập chừng âm thanh với tôi như vậy. 

Không nghi ngờ gì nữa, sau bao năm chú cháu, tôi chợt nhận ra linh hồn ông là linh hồn một con dế. Một con dế sinh ra từ đôi mắt quan sát tinh nhạy, suốt một đời bay đi thám hiểm tận những nơi vực sâu núi thẳm của hiện thực thế giới, của bản thể tâm linh đa chiều để chắt lọc nên những bài bút ký mà nếu thiếu nó nhân gian này sẽ ít nhiều cô quạnh. 

Đi buôn như Phạm Lãi

Lúc vui khỏe cũng như lúc hoang hoải trên giường bệnh, thần tượng của ông Tường là Phạm Lãi. Vượt qua cả ngàn năm, ông đưa linh hồn Phạm Lãi trở về với ông. 

Ngày xưa Phạm Lãi giúp Việt lấy Ngô. Việt vương Câu Tiễn kính trọng và biết ơn nên phong Phạm Lãi làm tướng quốc; nhưng Phạm Lãi lại treo ấn từ quan, nói là đi ẩn cư nhưng thật ra là đi buôn. Buôn muối. 

Đào Chu công, ông chủ của những tiêu cục muối, chính là Phạm Lãi. Ông Tường yêu Phạm Lãi vì, theo ông, Phạm Lãi không theo Khổng cũng chẳng cần theo Lão, ông Phạm Lãi kinh doanh vì sự tự do lựa chọn của mình. Làm tướng quốc vẫn nghèo, chỉ kinh doanh mới giàu. 

Ông kể chuyện xưa nhưng tôi biết ông đang mơ điều gì. Ôi thiên hạ, nếu tướng quốc nào cũng nghèo (mà muốn giàu thì phải đi buôn) thì thiên hạ thái bình lắm thay. Tôi hỏi nếu đi buôn ông buôn gì. Ông Tường gù gật: "Nếu đi buôn mình sẽ buôn vua chứ buôn bán lẹt phẹt như mấy bà ngoài chợ xép thì lời lãi gì đâu!". 

Như Liệt Tử cưỡi gió mà đi, ông Tường cứ mơ bay khắp thế giới, ông cứ buôn vua mặc sức vì không ai, kể cả Thượng đế, ngăn cản được quyền mơ của ông, miễn sao từ những rẻo mơ của ông tôi và mọi người được đón nhận những hiện thực tinh khiết mà ông đã chắt chiu để bước vào cuộc sống với tấm lòng nhẹ kiếp nhân sinh như ông hằng mong nhớ qua từng trang văn ông đã và sẽ trút xuống cho mặt đất này xanh thêm màu hi vọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận