20/12/2003 14:51 GMT+7

Đầu tư để thể thao VN vượt tầm Đông Nam Á

HUY THỌ
HUY THỌ

TTCN - “Chúng tôi đã chứng minh đúng lời hứa với Thành ủy và nhân dân Hà Nội (HN) từ cách đây mười năm khi xin và được chấp nhận bằng chỉ thị 28 (Chiến lược phát triển TDTT thủ đô) nhằm chuẩn bị lực lượng vận động viên (VĐV), cơ sở vật chất để đến đầu thế kỷ 21 đăng cai thành công SEA Games...

4KeHPDpn.jpgPhóng to
Ông giám đốc Sở TDTT tự tay ghi hình tất cả các giải đấu quốc tế để xem xét thực lực VĐV VN và nước ngoài
TTCN - “Chúng tôi đã chứng minh đúng lời hứa với Thành ủy và nhân dân Hà Nội (HN) từ cách đây mười năm khi xin và được chấp nhận bằng chỉ thị 28 (Chiến lược phát triển TDTT thủ đô) nhằm chuẩn bị lực lượng vận động viên (VĐV), cơ sở vật chất để đến đầu thế kỷ 21 đăng cai thành công SEA Games...

Các VĐV HN chỉ chiếm 35% quân số của đoàn thể thao VN nhưng đã đoạt 90 HCV/158 HCV; trong đó có 68 HCV cá nhân. Ở đây không nên tách bạch hiệu quả đầu tư từ tiền của HN, của UB TDTT hay của Chính phủ. Bởi tiền nào cũng là tiền ngân sách cả, miễn sao phải sử dụng đúng mục đích: nâng tầm thể thao VN”. Ông Hoàng Vĩnh Giang, giám đốc Sở TDTT HN, đã tâm sự với TTCN như vậy sau khi SEA Games 22 kết thúc.

- HN đã thực hiện vai trò “cảm tử” khi quyết định đầu tư cho các môn: thể dục dụng cụ, nhảy cầu, đua thuyền, wushu, đấu kiếm... từ rất lâu và nó đã cho kết quả trong một, hai năm gần đây. Để có điều kiện cho VĐV thi đấu, chúng tôi chấp nhận đưa VĐV vào đội tuyển bằng con đường tranh đấu như trường hợp kỷ lục gia 1.500m Lan Anh.

* Đêm đêm ông phải ngồi “vẽ” huy chương từng môn trên giấy để kiếm tiền cho các đội tuyển đi tập huấn?

- Tôi phải có cách thuyết phục, xin và giải trình với lãnh đạo UB TDTT, UBND TP HN và lãnh đạo các ban ngành khác. SEA Games không phải là việc riêng của ngành thể thao, nó là cú hích cho HN, cho VN trên nhiều lĩnh vực để vọt lên một đỉnh cao khác. Trong thâm tâm, chúng tôi mong muốn SEA Games 22 này sẽ làm cho bạn bè quốc tế nhìn HN, nhìn VN với con mắt khác. Nhưng không phải vì huy chương mà các nơi móc hầu bao cho chúng tôi.

zhuIG2Vq.jpgPhóng to
Tại vận động trường SEA Games 21, ông Giang (phải) đã cùng Bộ trưởng Nguyên Danh Thái bàn bạc cho chiên dịch SEA Games 22
Vì tất cả những tính toán này đều nằm trong chiến lược từ năm 1994: HN tập trung nuôi “gà nòi” nhiều năm, dành kinh phí thích đáng mời chuyên gia nước ngoài, đưa VĐV đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài, tập trung vào các môn mũi nhọn để đuổi kịp thiên hạ và giành thành tích cao nhất. Chúng ta phải có thực lực và cả khả năng dự báo nữa.

* Kết quả tại SEA Games này có gì nằm ngoài dự đoán của ông không?

- Tôi ước tính HN chỉ đạt tổng số trên dưới 70 HCV, không ngờ là 90. Đó là 15 HCV ở môn bắn súng, karate dự đoán chỉ 4-5 chiếc nhưng đã vượt con số đó. Điền kinh thì hụt mất HCV nhảy ba bước của Mai Quỳnh, 1 HCV của Nguyễn Chí Đông ở 10.000m hoặc marathon. Giá tập trung cho Đông vào một cự ly thì khả năng đoạt HCV cao hơn. Thất bại nữa là sự trắng tay ở cử tạ, bắn cung và TDDC nam.

* Giới chuyên môn từ lâu đã biết chuyện ông “ém” Lan Anh, Nguyễn Thị Tĩnh và rất nhiều VĐV khác nữa như Vũ Đăng Tuấn, Mai Hải Yến, Ngân Thương... ở Trung Quốc từ mấy năm nay. Họ hầu như không xuất hiện ở trong nước cho đến SEA Games này?

- Trong tương lai, Lan Anh, Tĩnh, Đăng Tuấn... có thể bước đi xa hơn. Đích SEA Games này mới chỉ là đích ban đầu. Nhìn xa hơn, Đông Nam Á đã thấy rằng VN có những đội tuyển không thể coi thường. Bước đi sau đó phải là những bước đi châu Á. Cho nên các VĐV phải chấp nhận hi sinh tuổi thiếu niên ở nước ngoài 6 - 7 năm qua. Đó cũng vì tương lai nền thể thao VN và tương lai của bản thân họ.

* Ông đã đề ra mục tiêu “tuyển chọn VĐV có kế hoạch, độ tin cậy cao để tiết kiệm kinh phí, không đầu tư nhầm, không đầu tư muộn”. Mục tiêu ấy được thực hiện như thế nào?

- Không làm thế không thể có thành tích cao được vì không thể ngộ nhận thể thao quần chúng phát triển ở đỉnh cao là thể thao thành tích cao. Thể thao chuyên nghiệp phải khổ luyện từ nhỏ, VĐV phải chấp nhận mất cả tuổi thơ. Gia đình phải hi sinh rất nhiều. Và trước lúc có thể tung vào các cuộc đấu lớn thì phải biết giấu quân. Nguyễn Thị Tĩnh có thể xuất hiện sớm hơn SEA Games rất nhiều nhưng nếu chưa cần thiết thì chưa tung cô ấy vào cuộc được.

Vì kiên trì đào tạo VĐV, chúng tôi phải đưa cả hội đồng chấm thi học kỳ, thi hết năm sang Trung Quốc để các VĐV nhảy cầu hoàn tất học vấn từng năm mà không bị gián đoạn quá trình tập huấn. Chưa có nước nào dám làm kiểu ấy.

* HN đã lấy cả 5 HCV judo vốn là môn mạnh của TP.HCM. Có những thay đổi gì để đạt được thành tích ấy, thưa ông?

XgWtqCZ7.jpgPhóng to
Các VĐV đội tuyển kiếm tập huấn ở Nhi Sa Dau (Trung Quốc) trước ngày mang hai HCV đầu tiên cho VN tại SEA Games
- Đó là kết quả thay đổi về chiến lược tập luyện. Nhiều người nghĩ rằng Nhật Bản là nước xuất xứ môn này, nếu theo Nhật Bản hay một số nước mạnh khác là VĐV sẽ giỏi. Điều này tôi không phủ nhận, nhưng muốn “ấm” thân VĐV nhất thì phải là hiệu quả tập luyện bao gồm: giáo án, lượng vận động, chế độ ăn và quan trọng nhất là cọ xát với những VĐV đỉnh cao.

Nhóm VĐV đi Nhật Bản đã thiếu những cái đó, không rõ vào tập nhà ông HLV nào. Còn nhóm đi Hàn Quốc, đối tượng cọ xát của VĐV ta chỉ là sinh viên. Còn các VĐV đoạt HCV ở SEA Games 22 đều từ Trung Quốc trở về. Họ tập huấn với các võ sĩ giỏi ở Liêu Ninh, Quảng Đông.

* Nhiều người đặt câu hỏi còn điều gì chưa được biết đến trong thành công của Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh. Trong thời gian tập huấn ở Trung Quốc, liệu có món gì như kiểu “tiết rùa của Ma Zhu Rhen” (bí quyết của người HLV đã từng đưa nhiều VĐV điền kinh Trung Quốc vô địch Olympic - NV) được áp dụng cho các VĐV VN không?

- Không có đâu. Món ăn tốt nhất cho VĐV chạy cự ly dài chính là mì sợi và những món dễ tiêu hóa, tích lũy được lượng đường nhiều. Cách ăn của VĐV cự ly dài phải khác các VĐV khác. HN còn cấp tiền mua cho 40 VĐV các loại thuốc bổ từ Bắc Kinh. Các loại thuốc bổ này không phải là doping, được phép uống trước, trong và sau khi tập luyện.

* Tại sao đích đến tập huấn của các VĐV của HN là Trung Quốc mà không phải các nước khác?

- Không có nước nào điều kiện tốt và giá lại rẻ như ở Trung Quốc. Chúng tôi gầy dựng mối quan hệ với Quảng Tây từ năm 1991, nơi có hai trung tâm huấn luyện mạnh là Đại đội Thể công I và II. Tính ra đào tạo một VĐV đỉnh cao suốt 6-7 năm nay, mỗi ngày cần từ 8 - 10 USD/người.

Có những địa điểm như Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm giữ mức giá ấy cho VĐV VN suốt bao năm nay. Gần đây, khi tăng giá rồi thì 16 USD, cá biệt có VĐV phải đầu tư 25 USD/người/ngày. Chúng tôi quyết đổi vàng thật lấy vàng thật với tính toán hợp lý nhất... Nếu đi tập huấn ở nước khác, lên đến 30 USD/người/ngày, lấy đâu ra tiền!

* SEA Games 23 tại Philippines chắc chắn sẽ không còn sự cổ vũ hết lòng của khán giả và khả năng giữ hạng đầu là rất khó. Theo ông, sẽ phải làm gì để không lặp lại tình cảnh của Malaysia: từ hạng nhất SEA Games 21 đến hạng năm SEA Games 22?

- Thứ hạng đầu khó giữ vì chưa biết nước chủ nhà chọn những môn gì. Nhưng chắc chắn VN sẽ vẫn là một trong ba nước dẫn đầu vì thực lực chúng ta rất mạnh ở những môn thể thao cơ bản và thể thao VN đang phát triển theo đúng con đường chuyên nghiệp. Kinh tế của VN cho phép UB TDTT và các địa phương đầu tư mạnh. SEA Games 23 sẽ là cuộc tranh chấp giữa Thái Lan, VN và Philippines. Thể thao Philippines hiện nay đang phát triển đúng hướng và bằng chứng là họ đã vươn lên hạng tư, trên Malaysia ở SEA Games 22 này.

* Ông nghĩ gì khi các môn khác đều giành được kết quả tốt nhưng riêng bóng đá nam vẫn chưa đạt đến đỉnh cao nhất?

- Bóng đá VN còn nhiều việc phải làm. Khi còn tiêu cực, còn dàn xếp tỉ số, chuyên nghiệp hóa mới bắt đầu... thì khó có kết quả như mong đợi được. Tôi nghĩ rằng khi nào chúng ta biết đầu tư gửi “gà nòi” ra nước ngoài đào tạo từ nhỏ và có nhiều tuyển thủ VN thi đấu ở các giải chuyên nghiệp nước ngoài, lúc ấy mới có thể nghĩ đến thành tích tốt được.

* Hiện nay, wushu, silat hay một số môn khác đã có phong trào rộng và thành tích cao, nhưng tại sao liên đoàn (LĐ) thể thao các môn này chưa ra đời?

- Không nên thành lập LĐ một cách giả tạo. Một LĐ muốn sống được phải có thực lực và có thu nhập để đào tạo VĐV, chứ không thể sống mãi chỉ bằng tiền đầu tư của ngành và tồn tại một cách gượng ép. HN chỉ có vài LĐ thôi, mà nếu không cần thiết có thể giải tán, chỉ nên giữ lại một vài người làm được việc.

* Đến thời điểm này, SEA Games còn là mục tiêu chính của ông và ngành thể dục thể thao HN không, hay còn một cái đích nào khác nữa?

- SEA Games vẫn là ngày hội của khu vực Đông Nam Á và chúng ta vẫn phải nghĩ đến đầu tiên, không thể viển vông được. Mục tiêu ở châu Á của thể thao VN là phấn đấu vào top 10, còn tham dự Olympic, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta không phải có mặt chỉ để góp vui...

Người hùng thầm lặng

Kỳ tích 158 HCV giúp đoàn thể thao VN đứng đầu tại SEA Games 22 là công sức của các VĐV-HLV và hào khí ủng hộ của người hâm mộ trên các sân đấu. Nhưng, sẽ là một thiếu sót lớn nếu quên đi người hùng thầm lặng - ông Hoàng Vĩnh Giang...

Giỏi tiếng Trung Quốc, thạo tiếng Anh, nói tiếng Nga “như gió”; thời trẻ từng là kỷ lục gia nhảy cao; mê võ thuật đến độ mất ăn mất ngủ - đó là cái vốn giúp ông Giang trở thành người duy nhất trong làng thể thao VN có thể “chiến đấu” một cách sòng phẳng với quan chức các liên đoàn thể thao quốc tế. Với tư cách tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN, ông là người vạch ra toàn bộ chiến lược SEA Games 22. Ông đi đi lại lại các nước như đi chợ để làm thuyết khách, và từ đó mới có được 28 HCV cho wushu, mới có sự xuất hiện của lặn, cờ vua, sports aerobic... - những môn thế mạnh của thể thao VN tại SEA Games 22.

Trong làng thể thao, người ta vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện không ít các chuyên gia Trung Quốc, chuyên gia Nga đã tắc tị khi tranh luận về chuyên môn với ông. Thậm chí có chuyên gia còn lẳng lặng bỏ về nước khi thấy ông! Đơn giản bởi hồi trẻ đi du học ở Nga, Trung Quốc ông là sinh viên giỏi có tiếng; trong khi một số chuyên gia mà các liên đoàn thuê sang đều lẹt đẹt cuối lớp thời sinh viên.

Đã thế, ông lại còn rất “máu”. Trong vai trò đứng đầu ngành thể thao Hà Nội, ông nóng mũi với chuyện điền kinh, thể dục... cứ mãi thua các địa phương khác. Thế là ông về chỉ đạo đi săn lùng tài năng trẻ gửi sang hẳn Trung Quốc ăn, tập nhiều năm ròng rã. HCV có được vừa rồi là kết quả của sự “nóng mũi” ấy. Đó cũng chính là tầm nhìn chiến lược của ông, cái mà nền thể thao nước nhà đang cần!

Nhưng, cái mà người ta thích nhất ở con người này là sự táo bạo. Trong khi thể thao các địa phương khác rầm rộ chuyện thi đua, thì ông lắc đầu: “Đó là mầm mống của sự mất đoàn kết”! Với ông, tính hiệu quả trong thể thao là chiến thắng trên sàn đấu chứ không phải là cờ, là bằng khen, là các con số báo cáo rực rỡ.

Một cái tài nữa không thể không nói đến ở ông, đó là tài “xin tiền”! Thể thao không thể phát triển mạnh nếu ít tiền, nhưng với ông thì thể thao Hà Nội chẳng bao giờ thiếu. Cái tài ấy có được từ uy tín của ông. Lãnh đạo Hà Nội không tiếc tiền chi cho thể thao (ngân sách cho thể thao Hà Nội - thành phố chỉ 3 triệu dân - có phần cao hơn cả TP.HCM với 7 triệu dân), bởi người ta biết chắc ông Giang sẽ gặt hái thành công; chứ không phải giao tiền để chẳng biết sẽ thu lại được cái gì đáng giá như nhiều nơi khác!

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên