24/09/2003 10:16 GMT+7

HLV Tam Lang chia tay Cảng Sài Gòn

HUY THỌ
HUY THỌ

TT (TP.HCM) - 15g trưa hôm qua (23-9), trận cầu tôn vinh HLV Phạm Huỳnh Tam Lang - người đã gắn bó với Cảng Sài Gòn hơn 28 năm được tổ chức trên sân Thống Nhất giữa đội bóng Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM với đội cựu cầu thù Cảng Sài Gòn qua các thời kỳ. Một trận cầu chia tay rất cảm động...

G2H0uF56.jpgPhóng to

Cựu danh thủ Võ Thành Sơn (phía sau) đã từ Mỹ về để được so giày với Tam Lang

Dưới sân, hơn 60 cầu thủ của hai đội Cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn và Hội Liên hiệp hữu nghị đứng dàn hàng ngang, mặt hướng về khán đài A sân Thống Nhất.

Trên khán đài A, hơn 1.000 khán giả đồng loạt đứng dậy. Tất cả cùng vỗ tay miên man không dứt, khi từ trên bục tam cấp khán đài A ông Phạm Huỳnh Tam Lang bước xuống sân trong bộ trang phục thi đấu màu xanh - trắng truyền thống của CSG và mang số 5 - số áo ngày xưa mà ông mặc. Thật cảm động buổi chia tay của sự kết hợp đã thành niềm tự hào của bóng đá Sài Gòn: Tam Lang - Cảng Sài Gòn...

Việc trăm dâu trút một đầu tằm sau thất bại của CSG ở mùa bóng 2003 đã khiến ông Tam Lang quyết định ra đi. Nói một cách thật công bằng, sự ra đi này lẽ ra đâu có gì ghê gớm, khi ông vẫn còn gắn bó với bóng đá bằng việc đào tạo cầu thủ trẻ cho Thành Long, hay cũng chẳng phải là một cuộc chia tay sân cỏ của một danh thủ vừa mới qua thời vàng son.

Thế mà cả ngàn người đã đến sân Thống Nhất. Trên khán đài, chúng tôi bắt gặp một cụ già tóc trắng như bông. Cụ cho biết tên mình là Trần Kim Sa, ở Mỹ về và đọc báo Tuổi Trẻ thấy có tổ chức trận đấu Tam Lang chia tay CSG nên lặn lội đến sân.

Hay các cựu cầu thủ CSG, khi nghe tin người đồng đội, người thầy của mình chính thức chia tay CSG sau 28 năm gắn bó, đã vội vã tụ về.

Võ Hoàng Tân đang đi công tác tại Hải Phòng đã vội vội vàng vàng thu xếp quay vào. Ông Trần Văn Tạo - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM và cũng là đội trưởng đội Hội Liên hiệp hữu nghị - đang có việc ở Hà Nội cũng cố thu xếp cho nhanh về dự.

Thậm chí cựu danh thủ Võ Thành Sơn đang ở Mỹ khi nghe tin cũng hộc tốc về góp mặt. Anh Sơn cho biết: “Chiều 24-9, nhóm cựu tuyển thủ miền Nam chúng tôi sẽ có một trận đấu với anh Tam Lang nữa đấy, cũng ở sân Thống Nhất này”.

Cái gì đã làm cho sự kiện bé hóa thành to như thế này?

Jua8h6mP.jpgPhóng to

Cả ngàn người hâm mộ đã đến với ngày Tam Lang chia tay CSG

Cựu danh thủ Võ Thành Sơn cho rằng: “Trong làng bóng đá ở miền Nam có ai qua được anh Lang. Anh ấy có những kỹ thuật đã trở thành huyền thoại của bóng đá miền Nam. Khi tôi bước vào thời đỉnh cao phong độ cũng là lúc anh Lang bước vào buổi xế chiều, thế mà anh ấy vẫn là một trong những hậu vệ mà tôi ngán nhất.

Những cú tắc của anh Lang tôi chưa thấy được ở một hậu vệ nào khác. Khả năng chơi đầu của anh cũng vô song khi nó chẳng kém đôi chân tài hoa, đó là phá bóng bằng đầu nhưng luôn đến chân đồng đội chứ không bừa phứa. Một người tài như anh Lang xứng đáng được tôn vinh như hôm nay”.

Còn ông Tư Lê, người đồng đội ở tuyển Sài Gòn đăng quang Merdeka 1966 lẫn ở đội CSG sau này, nói: “Tài năng của anh ấy thời còn là cầu thủ thì đã quá rõ. Đoạn sau của Tam Lang, khi làm HLV CSG, cũng là chuyện đáng nói khi anh ấy tạo được cho đội bóng này một phong cách chơi bóng thật nhẹ nhàng, uyển chuyển đúng theo gu người Sài Gòn vốn chuộng bóng đá đẹp.

Nhưng cái mà chúng tôi quí Tam Lang hơn cả là tính cách anh ấy. Một đội tuyển Sài Gòn hồi đoạt cúp Merdeka đâu phải thiếu tài năng, ví dụ như anh Vinh “đầu sói” khét tiếng châu Á chẳng hạn. Đã vậy, Tam Lang còn nhỏ tuổi hơn nhiều, nhưng băng đội trưởng vẫn được tín nhiệm trao cho Tam Lang. Có bao giờ mọi người thấy Tam Lang nổi nóng, có hành động không đẹp trên sân cỏ chưa? Một con người như thế thật đáng tôn vinh, đồng thời cũng lo cho CSG sau này không biết có còn giữ được phong cách mà Tam Lang đã gầy dựng không!”.

Anh Tường Vy - một đồng nghiệp đàn anh- kể chuyện hồi đi theo đội CSG trong những năm cuối thập niên 1980 đã bắt gặp một hình ảnh hiếm thấy ở các đội khác, đó là trên những chuyến xe rong ruổi dự giải vô địch quốc gia, anh Tam Lang luôn trầm ngâm với cuốn tiểu thuyết trên tay.

Ở anh không có chuyện nhậu nhẹt ầm ĩ; không hề nghe thấy một tiếng chửi thề, quát tháo; khi anh vui với đội bóng đoạt cúp, lúc anh buồn vì đội bóng xuống hạng thì cũng chỉ thấy một cái nhoẻn miệng. Đó là một con người sống bằng nội tâm, hơi khác với tính cách chung của dân “quần đùi áo số”.

Cái tính cách ấy của anh đã góp phần tạo nên những học trò cũng đáng mến như Nguyễn Hồng Phẩm, Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn... Vì vậy, nên mừng khi nghe tin anh về với Thành Long để lo sự nghiệp “trồng người” cho bóng đá TP.HCM.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên