Nuôi bò sữa theo kiểu "phong trào": 1001 chuyện về bò sữa

ĐÌNH LONG 27/09/2003 23:09 GMT+7

TTCN - Nuôi bò sữa đang là một mô hình kinh tế mới ở nước ta. Nhưng kiểu “nuôi bò, xây nhà máy, lập dự án, nhập bò ngoại... theo phong trào” như hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo “đang đi vào vết xe đổ của ngành mía đường, đánh bắt xa bờ, sắt thép, ximăng...”. Vì sao?

Phóng to
Mô hình "nuôi bò sữa công nghệ cao" tại TPHCM
TTCN - Nuôi bò sữa đang là một mô hình kinh tế mới ở nước ta. Nhưng kiểu “nuôi bò, xây nhà máy, lập dự án, nhập bò ngoại... theo phong trào” như hiện nay, nhiều chuyên gia cảnh báo “đang đi vào vết xe đổ của ngành mía đường, đánh bắt xa bờ, sắt thép, ximăng...”. Vì sao?

66 dòng tinh bò...

Nguồn giống quyết định đến 60-70% thành bại của người chăn nuôi bò sữa, nhưng theo thạc sĩ Vương Ngọc Long (Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam): "Đến nay ta vẫn chưa chủ động được giống, chưa quản lý được giống bò sữa". Dẫn chứng cụ thể: hiện có khoảng 66 dòng tinh bò đang được sử dụng, chủ yếu nhập từ trên 10 nước khác nhau, nhưng lại... không ai giám sát được chất lượng.

Hệ quả: 70% số bò cái được gieo tinh nhưng không biết nguồn gốc tinh từ "lò" nào ra. Rất có thể đó là nguồn tinh kém chất lượng, mang mầm dịch bệnh. Nghiêm trọng hơn là có nguy cơ sinh ra một "thế hệ" bò sữa đồng huyết, dị tật, chậm sinh, vô sinh, viêm vú...

Giá ảo, chất lượng ảo

Nông dân, các cơ quan chức năng nhiều tỉnh vẫn tiếp tục săn lùng bò sữa giống, khiến giá giống vượt xa giá trị thật: một con bò sữa (cho 13-15kg sữa/ngày) giá 20-25 triệu đồng, một con bê cái 12 tháng tuổi 10-12 triệu và một con bò cái kèm theo bê lên tới 27-30 triệu đồng. Mức giá này cao hơn 1,5-2 lần so với hơn ba năm trước.

"Với mức này, giá bò sữa VN cao nhất thế giới" - TS Nguyễn Quốc Đạt, Viện Chăn nuôi quốc gia, kết luận. Bỏ tiền nhiều nhưng nếu mua được bò chất lượng cũng "đáng đồng tiền bát gạo". Đằng này có khi lại mua phải bò thải. "Gần đây nghề nuôi bò sữa khá ổn định, không lên xuống thất thường như nhiều loại cây - con khác nên nông dân thường chỉ bán những con loại thải, kém chất lượng, năng suất thấp"- nhiều nông dân tiết lộ.

Mục tiêu chính của việc nhập bò là nhằm giúp nông dân có nguồn giống chất lượng cao. Thế nhưng phần lớn bò HF nhập từ bang Queensland (Úc) vào VN lại là "bò xô", tức không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng, không biết chất lượng tốt hay xấu. Điều này cũng lý giải vì sao bò HF đẻ không đúng lịch trình, bò tơ hóa ra bò già, nói bò mang thai nhưng thực tế không phải bò mang thai... Đây phải chăng cũng chính là lý do khiến công ty nhập bò không cho nông dân được lựa chọn mà phải mua theo kiểu "bốc thăm"!

Nhiều nông dân còn cho biết có khoảng 50% số bê cái do bò HF đẻ ra không phải là bê HF mà là bê… thịt hoặc "không biết là bê giống gì nữa". Chưa hết, với một đàn bò có chất lượng "mơ hồ" như vậy nhưng về VN lại được gắn mác "HF cao sản"... để bán với giá cao.

Tại Queensland, giá một con bò HF chất lượng cao, có đăng ký giống và đã có thai giá khoảng 1.500-2.000 đôla Úc/con (tương đương khoảng 15-20 triệu đồng), còn "bò xô" chỉ khoảng 600-800 đôla Úc/con (6-8 triệu đồng), nhưng nông dân VN phải bỏ ra 20-32 triệu đồng để mua một con. Mặt khác, năng suất sữa của đàn bò HF tại bang này đạt bình quân 4.600 lít/chu kỳ, nhưng về VN nó được "nâng" lên 5.000 - 6.000 lít/chu kỳ!

Theo các chuyên gia về bò sữa, chất lượng sữa tươi VN còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế (độ béo dưới 3,5%, độ khô dưới 12%) nên khi chế biến các nhà máy phải bổ sung các chất khoáng, sinh tố, dầu bơ, bột sữa gầy ngoại.

Mặt khác, giá sữa tươi các nhà máy thu mua khoảng 0,27 USD/kg, trong khi ở một số nước chỉ khoảng 0,23-0,25 USD/kg. Đây là lý do vì sao các đơn vị chế biến thích nhập sữa bột - mỗi năm nhập khoảng 50.000 tấn sữa bột, tương đương 400.000-450.000 tấn sữa tươi - hơn là sử dụng sữa tươi trong nước, dù sữa bột hiện nay đang chịu mức thuế nhập khẩu khoảng 40%! Hơn nữa, giá sữa bột trên thị trường thế giới có xu hướng giảm dần.

Đồng cỏ, giá cỏ

Thức ăn tinh thường chiếm 50-60% tổng chi phí thức ăn cho bò sữa. Tuy nhiên, nếu ở các nước giá thức ăn tinh hỗn hợp chỉ bằng 50% giá 1kg sữa (tức 1kg sữa mua được 2kg cám tổng hợp) thì ở VN giá thức ăn tinh bằng 71% giá 1kg sữa (1 lít sữa chỉ mua được 1,4kg cám tổng hợp). Do chưa chuẩn bị về đồng cỏ nên so với ba năm trước giá cỏ cũng tăng gấp hơn hai lần, lên mức 150-200 đồng/kg, thậm chí có lúc vọt lên 800 đồng/kg. Thức ăn phụ như hèm bia, bã đậu, bã mì... cũng tăng đến 150-350%.

Trong khi đó giá sữa tươi trong mấy năm trở lại đây lại không tăng, bình quân 3.350 đồng/ lít (thực tế người nuôi bò chỉ được khoảng 2.700-2.800 đồng/lít vì nhiều chi phí trung gian). Vì thế, theo các chuyên gia, nếu tính đúng tính đủ mọi khoản chi phí thì chỉ những người nuôi bò giỏi mới có mức lời khoảng 10-15%. Ngược lại chỉ là lấy công làm lời hoặc lời rất ít.

Đội ngũ khoa học về bò sữa

Sự khan hiếm lực lượng khoa học chuyên sâu về bò sữa cũng thật đáng lo ngại. Theo Viện Chăn nuôi, hiện nay đội ngũ khoa học chỉ mới đáp ứng được 30-35% nhu cầu cho chăn nuôi bò sữa (chưa nói đến bò thịt), thậm chí có tỉnh chưa đáp ứng được phần trăm nào cả!

Vì hiếm nên nhiều nơi phải "huy động" cả những cán bộ lâu nay lơ mơ về bò, hoặc chưa biết tí gì về bò để bổ sung vào "đội ngũ khoa học về bò sữa". Thể hiện rõ nhất là lực lượng dẫn tinh viên (gieo tinh nhân tạo cho bò cái sữa của nông dân). Ước tính trong một năm một dẫn tinh viên gieo tinh cho khoảng 600 con bò sữa. Có điều rất nhiều người trong số đó vừa gieo tinh vừa chữa bệnh cho bò và kiêm luôn... chữa bệnh cho heo, gà, vịt, ngan, ngỗng.

Thế nên mới có chuyện gieo tinh bò cao sản Mỹ nhưng lại đẻ ra… bê cóc, bê Lào, Campuchia. Tệ hơn, nhiều con bò đang khỏe mạnh, cho năng suất sữa cao, sau khi gieo tinh biến thành bò bệnh hoặc "tịt" luôn đường sinh sản!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận