11/10/2003 16:08 GMT+7

Không thể "ăn xin của trời"

ĐÌNH LONG
ĐÌNH LONG

TTCN - "Làm chủ tịch mà để dân nghèo, để vườn tược xác xơ thì tự ái lắm! Nhưng tự ái thôi thì chưa đủ, cái quan trọng là phải làm gì và làm thế nào để người dân khá lên". Mở đầu cuộc trao đổi với tôi, anh Nguyễn Thận - chủ tịch xã Tân Minh, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - đã tâm sự như vậy

JTKtgBit.jpgPhóng to
Chủ tịch Nguyễn Thận "học ở dân một nửa"
TTCN - "Làm chủ tịch mà để dân nghèo, để vườn tược xác xơ thì tự ái lắm! Nhưng tự ái thôi thì chưa đủ, cái quan trọng là phải làm gì và làm thế nào để người dân khá lên". Mở đầu cuộc trao đổi với tôi, anh Nguyễn Thận - chủ tịch xã Tân Minh, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - đã tâm sự như vậy

* Trên một chuyến xe đò về đây, một nông dân nhận xét về anh thế này: "Cha chủ tịch ấy được đấy!". Một số nhà khoa học cũng có nhận xét tương tự như thế về anh. Anh có vui với nhận xét đó?

- Tôi tự nâng mình lên bằng cách học từ sách vở một nửa, học ở dân một nửa. Cứ thế, tôi tích lũy dần dần rồi đúc kết, sàng lọc để ứng dụng những cái hay vào thực tiễn. Có lẽ thế nên khi nói chuyện với dân về một vấn đề gì đó, họ nhận xét: "Cha chủ tịch này nói nghe có lý".

* Nhưng câu trả lời thuyết phục nhất lại xuất phát từ những gì anh làm chứ?

- Năm 1989, tôi được bầu làm chủ tịch xã, trước đó làm phó chủ tịch. Cái đầu tiên chúng tôi xác định cần phải làm ngay lúc đó là phải chuyển đổi thói quen của người dân từ chỗ nhiều năm dựa vào khai thác thiên nhiên (rừng) để sống sang dựa vào sức mình để tạo ra của cải vật chất. Nếu cứ "ăn xin của trời" làm sao khá nổi.

* Vì sao là "ăn xin của trời"?

- Đây là vùng đất "bán sơn địa" với sự qui tụ dân cư "thất cơ lỡ vận" từ hơn 40 tỉnh thành của cả nước. Đã thế, đất đai lại bạc màu, khô cằn. Thu thập của đại bộ phận dân cư chủ yếu dựa vào "của trời cho": đốt than, đốn củi và khai thác gỗ trái phép bán đắp đổi qua ngày. Thậm chí khi rừng trên địa bàn xã đã "cơ bản bị tiêu diệt", người dân lại tấn công sang các xã khác. Họ ăn chính vào da thịt của mình mà không ý thức được hậu quả chính họ sẽ phải gánh chịu!

ktKbWzyN.jpgPhóng to
Vườn ươm giống điều cao sản
* Và chính quyền can thiệp bằng biện pháp hành chính?

- Bức xúc quá, chúng tôi "ra tay" đập 80 lò đốt than. Đập nhưng thấy ray rứt vì "đập vỡ nồi cơm" của người dân rồi! Thế nhưng, nạn phá rừng vẫn diễn ra vì cái nghèo vẫn tiếp tục đeo đẳng. Giữa lúc đó "đại dịch" sốt xuất huyết cấp tính lại đổ ập xuống bất ngờ. Hàng trăm người, nhiều nhất là trẻ em, đã bị chết. Đến mức trạm xá không đủ chỗ cho người bệnh, phải huy động cả hai nhà thờ để làm bệnh viện dã chiến.

Vẫn không đủ! Cuối cùng, ngành y tế buộc phải huy động cả máy bay trực thăng chở người đi cấp cứu và phát thuốc cho dân. Bản thân tôi cũng bị sốt hành hạ bốn, năm cơn đến vàng mắt, xanh da.

* Trước tình cảnh đó, anh có thấy mình nao núng, bi quan?

- Cũng dao động chứ! Nhưng trong cái thế "bước đường cùng" ấy chúng tôi cũng nhìn thấy... những cơ hội giúp người dân có thể làm giàu. Với trên 80% đất đai còn bỏ hoang hóa nên dễ hình thành mô hình kinh tế trang trại, sẽ có cơ hội để đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Địa bàn xã nằm dọc theo quốc lộ sẽ thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đa phần người dân từ tứ xứ đổ về mang theo nhiều ngành nghề truyền thống khác nhau nên có thể phát triển dịch vụ.

* Như vậy vấn đề là phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào để khai thác những tiềm năng ấy?

- Đúng rồi! Trong mỗi người dân ai cũng tiềm ẩn khát vọng làm giàu! Để "nội lực" ấy biến thành thành quả chúng tôi phải phải "đánh" giáp công: kích thích khát vọng ấy bùng lên, đồng thời mở lối đi cho họ. Tuy nhiên, "anh" chính quyền phải đi trước dân thì mới thuyết phục được dân.

* Thế anh đi trước thì ra sao...?

- Bằng khơi gợi, hỗ trợ và tác động. Ví dụ để hỗ trợ nông dân đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, chúng tôi tập hợp ngay ba "anh"(hội nông dân, khuyến nông, làm vườn) vào ngồi chung "một bàn" thay vì mạnh anh nào anh này làm.

Từ đó cùng phối hợp chuyển giao kỹ thuật, nhân nhanh giống chất lượng cao làm chỗ dựa giúp nông dân chuyển sang trồng rừng, bắp, đậu, điều hay nuôi bò thịt, heo, gà... thay vì đốt rừng làm rẫy.

Và nhờ đó, chỉ riêng bắp và mía có năm nông dân thu nhập được 22 tỉ đồng; 175 lò đường thủ công, 54 lò đường ly tâm hoạt động "ì xèo". Tỉ lệ thương mại dịch vụ từ vài phần trăm tăng lên 15%

* Nghe nhiều viện, trường nói anh thường hay "làm phiền" họ?

- (Cười) Nhà khoa học thì muốn "chất xám" của mình được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả, chứ có mấy người muốn nghiên cứu xong để mốc meo trong tủ! Anh nông dân thì muốn ứng dụng kết quả nghiên cứu đó để tăng năng suất, chất lượng nhưng lại không biết tìm ở đâu do thiếu thông tin hoặc thiếu tiền. Hai anh đều có nhu cầu "kết hôn" vậy thì chúng tôi phải đứng ra làm "bà mai" để họ "xe duyên kết tóc".

* Để có "những đứa con kháu khỉnh ra đời"?

- Đơn cử như nhờ có giống điều cao sản của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam mà năng suất điều từ chỗ chỉ 4-5 tạ/ha nay tăng lên 1, 7-2 tấn/ha. Nhờ Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nông dân có giống nhãn tốt, giá hạ từ 7.000-8.000 đồng/cây xuống còn 2.000 đồng/cây; Chúng tôi còn kéo được cả Hội ái hữu Tân Minh tại Pháp ủng hộ 600 triệu xây trường học, trạm y tế và đầu tư nông nghiệp.

0ixVmquE.jpgPhóng to
Vườn ươm cây để trồng rừng
* Bí quyết nào để anh "lôi kéo" các nhà khoa học về với nông dân?

- Thật ra mỗi lần đến gõ cửa các viện, trường nhờ các thầy giúp đỡ nông dân tôi thường chỉ mang mấy ký đường, đậu, khoai... do chính quê tôi làm ra để "dụ". Giá trị tính ra tiền của nó nhỏ nhưng cái quan trọng là mình biết trân trọng công lao của các nhà khoa học nên họ giúp đỡ hết mình và quyến luyến lắm!

* Nghe đồn anh còn "dụ" được doanh nghiệp từ nơi khác đến đây đầu tư?

- Tôi nghĩ khác: nếu không có thương lái, không có doanh nghiệp thì dân bán sản phẩm cho ai. Bởi thế nếu có cơ hội là tôi cố gắng mời gọi họ về làm ăn. Một lần đọc tin trên báo thấy có một công ty tại quận Tân Bình (TP.HCM) vừa xuất 16 tấn nha đam sang châu Âu, tôi nhờ một người bạn thăm dò xem tiêu chuẩn cây nha đam xuất khẩu thế nào. Tiếp đến, mua giống nha đam tốt về trồng thử nghiệm. Rồi mời nhà khoa học phân tích xem trồng ở đâu là phù hợp, chất lượng có đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu không...

* Nhiều nơi người dân thường than phiền về cách quản lý còn quan liêu, hách dịch cửa quyền, còn muốn gặp được chủ tịch thì "khó như gặp VIP", anh có thuộc loại ấy?

- Cán bộ xã từ dân mà ra, do dân bầu, sống cùng xóm... không lẽ lại hách dịch với hàng xóm của mình! Tôi nhớ có một nông dân khiếu nại về việc mua phải phân kém chất lượng của một công ty. Công ty này không chịu bồi thường, tôi mang mẫu phân đó lên nhờ một viện khoa học kiểm nghiệm đánh giá một cách khách quan. Sau đó mời nông dân và doanh nghiệp lên đối chất. Cuối cùng công ty ấy phải chấp nhận bồi thường cho dân gần 400 triệu đồng!

* Bây giờ cũng có nơi đùn đẩy mọi chuyện đóng góp tiền bạc cho dân lạm dụng khẩu hiệu "nhà nước và nhân dân cùng làm" khiến họ bất bình?

- Bản thân chủ trương này không sai. Thực tế là nhờ nó mà chúng tôi xây được trường cấp 3, nâng cấp Trạm y tế thành Phòng khám đa khoa khu vực với quy mô 20 giường bệnh. Rồi dân còn đóng góp dân đóng góp 5 tỉ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, nội đồng hay đóng góp 2, 5 tỉ xây dựng đường xây hạ thế...

* Tiếp xúc hằng ngày với dân, anh thấy hiện dân đang bức xúc gì nhất và cần gì ở Nhà nước nhất?

- Những cán bộ có năng lực, tâm huyết. Tiếp đến là đầu tư đường sá, trường học, cơ sở chế biến... Trước khi đầu tư, nên khảo sát kỹ và phải lấy hiệu quả kinh tế làm đầu chứ không áp đặt hay đầu tư theo phong trào.

Trong thực tế, cách đầu tư của ta còn lãng phí quá. Như đầu tư một cái nhà máy đường 124 tỉ đồng, sau mấy năm hoạt động lỗ 84 tỉ đồng. Lỗ vì đầu tư theo kiểu áp đặt chủ quan. Các chủ trương, chính sách thì đã có rất nhiều rồi nhưng nhiều khi nó chỉ nằm trên giấy chứ không đi vào thực tiễn.

ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên