17/08/2022 09:06 GMT+7

Dự án giao thông trọng điểm: Làm nhanh có thưởng

NGỌC AN - TUẤN PHÙNG
NGỌC AN - TUẤN PHÙNG

TTO - Với nhiều dự án, công trình giao thông đang có nguy cơ chậm tiến độ, chế độ thưởng cho nhà đầu tư - nhà thầu gấp rút hoàn thành dự án được xem là cơ chế khuyến khích.

Dự án giao thông trọng điểm: Làm nhanh có thưởng - Ảnh 1.

Các nhà thầu thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố ximăng tại gói thầu 11-XL dự án đường cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Tuy vậy, làm thế nào để tạo nên chính sách thưởng vừa có tính khả thi, đủ hấp dẫn tạo thành động lực để những dự án giao thông hàng nghìn tỉ đồng về đích sớm?

Làm thế nào để được thưởng?

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chế độ thưởng với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông. Cơ chế này được xây dựng trong bối cảnh việc triển khai các dự án đầu tư công, dự án nhóm A còn chậm tiến độ dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

Do vậy, việc xây dựng cơ chế này đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện theo quy trình rút gọn, nhằm tạo nên một cú hích lớn góp phần khuyến khích, tạo động lực cho các bên liên quan triển khai dự án, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường cao tốc, hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông. 

Theo dự thảo, nguồn tiền thưởng hợp đồng sẽ được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu, gồm cả phần tiết kiệm chi phí do chỉ định thầu và các nguồn hợp pháp khác. Mức tiền thưởng được xác định trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện công khai, minh bạch và công bằng. 

Việc thưởng sẽ áp dụng cho gói thầu cụ thể, với số tiền thưởng không vượt số tiền còn dư sau đấu thầu, chỉ được xem xét với các gói thầu không vi phạm quy định pháp luật có liên quan.

Trường hợp thưởng hợp đồng sẽ được xác định nếu các bên liên quan rút ngắn được thời gian thực hiện gói thầu từ các giải pháp thông thường hoặc áp dụng các giải pháp, công nghệ mới, có sáng kiến, sáng tạo mà vẫn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Số tiền thưởng sẽ được xác định trên cơ sở số tiền dư sau đấu thầu, tỉ lệ thời gian rút ngắn và hệ số khuyến khích. 

Chủ đầu tư dự án quyết định việc thưởng hợp đồng, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện, trên cơ sở thống nhất các mốc thời gian để xác nhận khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, đánh giá hiệu quả dự án.

Dự án giao thông trọng điểm: Làm nhanh có thưởng - Ảnh 2.

Hầm Tam Điệp dài 245m, có 3 làn xe/ống hầm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 do nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải thi công vượt tiến độ 6 tháng - Ảnh: T.PHÙNG

Bàn thêm về tiêu chí thưởng

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về dự thảo nghị định, một số chuyên gia cho rằng thưởng tiến độ cũng còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, tiến độ gói thầu mà tư vấn lập ra cũng là dự kiến chứ không phải là con số chính xác tuyệt đối, được chốt cứng từ đầu. Ví dụ dự án có thể làm trong 24 tháng mà tư vấn tính thành 30 tháng, sau đó nhà thầu thi công chỉ 24 tháng cũng gọi là vượt tiến độ, đương nhiên phải được thưởng.

PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - cho rằng dự thảo nghị định không nên chia trường hợp được thưởng là rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu bằng giải pháp thông thường để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện bằng áp dụng giải pháp công nghệ mới. 

Chỉ cần nhà thầu thuyết minh được việc vượt tiến độ nhưng vẫn kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện thế nào để gói thầu về đích trước tiến độ đề ra là được thưởng. 

Bởi vì ngoài giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới để gói thầu hay dự án đạt tiến độ tốt còn có yếu tố khoa học về tổ chức thi công, kỹ năng quản trị là yếu tố quan trọng để dự án về đích đúng hạn, đảm bảo chất lượng.

"Coi trọng kỹ năng quản trị chứ cứ hùng hục, bắt công nhân làm việc 3 ca 4 kíp cả ngày lẫn đêm để đẩy nhanh tiến độ cũng không phải là hay, không nên tính thưởng. Tổ chức thi công khoa học trong đó có ứng dụng công nghệ là yếu tố quan trọng hơn. Và yếu tố quan trọng để xét thưởng thì ngoài tiến độ phải đảm bảo chất lượng hàng đầu. Thưởng như thế người ta nhìn vào cũng khâm phục" - ông Chủng nhận định.

Ông Phan Văn Thắng - phó chủ tịch thường trực Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - cho rằng việc xác định hiệu quả một gói thầu thường khó hơn xác định hiệu quả của toàn dự án. 

Một dự án thường có nhiều gói thầu, nếu thưởng cho gói thầu này làm nhanh nhưng gói khác làm chậm thì cũng không hay vì sản phẩm làm ra là cả một tuyến đường, không phát huy được giá trị công trình. Lúc đó cơ quan quản lý sợ dư luận phản ứng khi dự án chậm thì có nên thưởng cho gói thầu làm nhanh hay không?

Dự án giao thông trọng điểm: Làm nhanh có thưởng - Ảnh 3.

Thảm nhựa đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Ảnh: Đ.TR.

Thưởng ra sao?

Góp ý cho dự thảo, Bộ Giao thông vận tải cho rằng nguồn tiền thưởng hợp đồng, bên cạnh nguồn tiền dư sau đấu thầu, cần làm rõ "các nguồn hợp pháp khác" là nguồn tiền bên trong hay bên ngoài dự án? Trong khi quy định hiện nay, số tiền thưởng không vượt số tiền còn dư sau đấu thầu thì việc đưa ra các nguồn hợp pháp khác theo bộ này là không cần thiết.

Ngoài ra, việc thưởng hợp đồng chỉ được xem xét với gói thầu không vi phạm quy định, theo Bộ Giao thông vận tải, có thể gây khó khăn trong việc áp dụng quy định về thưởng hợp đồng. Chẳng hạn nếu có trường hợp có vi phạm chung của dự án thì chưa xác định rõ về các vi phạm là thuộc nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn giám sát hay cơ quan có liên quan. Ngoài ra, các kết luận thanh tra, kiểm toán liệu có được xác định là nội dung "vi phạm"?

Đối với công thức xác định số tiền thưởng, bộ này cho rằng nếu căn cứ vào kết quả rút ngắn thời gian thi công bình quân của các gói thầu thì có thể không phản ánh đúng mức độ rút ngắn thời gian thi công do chính nhà thầu chủ động thực hiện. 

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị nên xác định số tiền thưởng trên cơ sở số tiền dư sau đấu thầu và hệ số (K), là tỉ lệ phần trăm được xác định theo tỉ lệ thời gian rút ngắn.

Có thưởng phải có phạt

Theo ông Phạm Văn Khôi - tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, cơ chế thưởng cho nhà thầu là cần thiết để khuyến khích họ đẩy nhanh tiến độ dự án, ứng dụng khoa học công nghệ vào thi công. Tuy nhiên, điều mà các nhà thầu cần hơn cả là Nhà nước ban hành quy định phải dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh những cách hiểu khác nhau khi thực thi.

Bên cạnh thưởng thì phải phạt nghiêm minh, công bằng tất cả chủ thể tham gia dự án. Nhà thầu, chủ đầu tư làm sai, địa phương giao mặt bằng chậm đều chịu phạt như nhau. Tất cả quy định thưởng phạt phải cụ thể như hợp đồng làm dự án vốn ODA và các bên thực thi nghiêm túc.

Như vậy tránh việc nhà thầu chậm thì bị phạt nhưng chủ đầu tư, địa phương giải phóng mặt bằng, phê duyệt, thay đổi thiết kế chậm nhưng không được cộng vào thời gian thi công cho nhà thầu. Các nguyên tắc thưởng phạt đã được Luật xây dựng nêu ra nhưng cần lượng hóa, quy định rõ ràng hơn để thực thi công bằng đảm bảo có thưởng có phạt nghiêm túc.

Nguồn thưởng nên rõ ràng từ đầu

Ông Phạm Văn Khôi cho rằng phải xác định nguồn tiền thưởng rõ ràng từ đầu và nên quy định thành một khoản trong tổng mức đầu tư để nhà thầu thấy có giải thưởng treo ra cụ thể mà phấn đấu, áp dụng giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Bởi vì nhiều khi áp dụng giải pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến để đẩy nhanh tiến độ có chi phí nhiều hơn tiền thưởng.

Ông Phan Văn Thắng cũng cho rằng nên quy định rõ số tiền thưởng là bao nhiêu trong tổng mức đầu tư để nhà thầu tính toán giải pháp thi công, chi phí bỏ ra để giật giải.

Nhà thầu nào cũng muốn làm nhanh nhưng làm nhanh phải đánh đổi bằng chi phí nên họ phải cân đối chi phí được thưởng và chi phí bỏ ra. Cho nên phải nhìn thấy phần tiền để trao thưởng trong tổng mức đầu tư, nhà thầu mới cân đối bài toán lợi ích giữa chi phí bỏ ra so với phần thưởng để đẩy nhanh tiến độ.

Xóa tiền lệ "được thưởng mà tiền… vẫn treo"

QD_CaoToc_DauGiay-PhanThiet_QuocLo1_HuyenXuanLoc_25 1(Read-Only)

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang xây dựng đoạn giao với quốc lộ 1, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trên thực tế, việc triển khai các dự án xây dựng, giao thông cũng đã có những trường hợp thực hiện chế độ thưởng, phạt tiến độ. Đơn cử, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định 70 về quy chế thưởng, phạt tiến độ với công trình sử dụng vốn ngân sách, với mức tối đa không vượt 12% giá trị hợp đồng. Hay tại một số dự án cũng đã triển khai và thưởng cho các bên, nhưng đây chỉ là số ít trong nhiều dự án.

Năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định thưởng tiến độ cho các nhà thầu rút ngắn tiến độ dự án xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Đàm thuộc TP Hà Nội. Thực tế thi công cả ba gói thầu rút ngắn được thời gian thực hiện tới 29 tháng, nên chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long tính toán lợi ích mang lại là 1.499 tỉ đồng, nên đề nghị thưởng cho nhà thầu tối đa 12% tổng giá trị tiết kiệm (12% của 1.499 tỉ đồng) là 180 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc thỏa thuận, xin ý kiến các bộ ngành liên quan để trả tiền thưởng cho nhà thầu gặp vướng mắc nhiều năm khi các gói thầu hoàn thành trong năm 2012 nhưng đến năm 2016 vẫn chưa nhận được tiền thưởng. Lý do là qua nhiều lần trao đi đổi lại giữa các cơ quan quản lý vẫn khó tháo gỡ các vướng mắc như chưa có quy định pháp lý. Việc tính toán lợi ích kinh tế - xã hội không có quy định để lượng hóa và dự án thực hiện bằng ngân sách không có nguồn thu trực tiếp hay nguồn thu tăng thêm từ việc rút ngắn tiến độ; chỉ có chi phí tiết kiệm…

Theo một lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, việc khó khăn trong việc trả tiền thưởng cho nhà thầu nói trên cho thấy nếu đã tính chuyện thưởng tiến độ thì phải bố trí một khoản riêng trong tổng mức đầu tư dự án để làm tiền thưởng. Nguồn tiền thưởng được xác định là tiền dư sau đấu thầu hoặc nguồn hợp pháp khác đều có rủi ro vì dự toán giá trị gói thầu chỉ nằm trên giấy, chưa phải là tiền thật. Trường hợp đấu thầu mà nhà thầu trúng thầu bằng dự toán hoặc cao hơn dự toán thì không còn nguồn tiền để thưởng.

Bên cạnh đó, khoản làm lợi do đẩy nhanh tiến độ cũng là giá trị chưa được lượng hóa cụ thể. Bởi vì tính hiệu quả của dự án không phải bằng sản phẩm đem lại bằng giá trị cụ thể mà tính theo các tác động lợi ích kinh tế - xã hội mà dự án mang lại.

Theo một vị lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, một số nước có điều khoản nếu nhà thầu áp dụng giải pháp khoa học công nghệ mới, quá trình thực hiện gói thầu tiết kiệm được chi phí thì số tiền tiết kiệm được sẽ chia đôi giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Ví dụ, giá gói thầu là 1.000 tỉ đồng, nếu áp dụng khoa học công nghệ mà chỉ làm hết 800 tỉ đồng thì nhà thầu sẽ được hưởng 100 tỉ đồng, chủ đầu tư hưởng (tiết kiệm) 100 tỉ đồng. Phần làm lợi này tính tiến độ hợp đồng, không cần rút ngắn mà chỉ tính việc thi công tạo hiệu quả, đem lại lợi ích tài chính.

TUẤN PHÙNG

Vì sao nhiều công trình chưa áp dụng thưởng - phạt?

Trước đây, dù Luật xây dựng và nghị định hướng dẫn luật này có quy định chung về việc thưởng, phạt hợp đồng xây dựng được các bên thực hiện theo thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế việc thưởng hợp đồng các dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa thực hiện do chủ đầu tư (đại diện Nhà nước) không có thẩm quyền thỏa thuận việc sử dụng vốn nhà nước để thưởng cho nhà thầu (nghị định 10/2021/NĐ-CP không quy định chi phí thưởng hợp đồng tính trong tổng mức đầu tư xây dựng).

Nếu dự thảo nghị định quy định chế độ thưởng với các chủ thể liên quan dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải được ban hành thì đây là lần đầu tiên có nghị định cụ thể hóa việc thưởng hợp đồng các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tiền thưởng hợp đồng cũng chưa quy định rõ là một khoản nằm trong tổng mức đầu tư dự án mà sử dụng từ tiền dư sau đấu thầu và các nguồn hợp pháp khác.

Nguyên tắc trao thưởng: "ai cũng hài lòng"

Theo các chuyên gia, mục đích của thưởng tiến độ là thúc đẩy các gói thầu đúng và vượt tiến độ để dự án về đích nhanh. Tuy nhiên, thưởng cho gói thầu hay một dự án thì đều phải tính đến yếu tố quan trọng bậc nhất là công trình làm xong phải đảm bảo chất lượng, đưa vào khai thác hiệu quả.

e7225fb784bb41e518aa 1(Read-Only)

Thi công đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận) - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trao thưởng do thực hiện vượt tiến độ là việc cần làm nhưng càng trao thưởng càng phải chú ý đến chất lượng để tránh tình trạng công trình được trao thưởng nhưng lại "khập khiễng" về chất lượng. Có như vậy chủ đầu tư, nhà thầu và người dân thụ hưởng công trình mới cảm thấy hài lòng.

Hết bảo hành mới thưởng

"Một dự án đường cao tốc dài 70km chia thành 4 gói thầu nếu 1 gói thầu xong sớm mà 2 gói thầu bên cạnh không xong sớm hoặc chậm tiến độ thì tiêu chí đưa dự án vào khai thác có hiệu quả lại không có ý nghĩa. Nếu thưởng cho gói thầu làm nhanh mà dự án chậm thì dư luận lại không hài lòng" - ông Trần Chủng nói.

Theo ông Chủng, sản phẩm nhà thầu làm ra là con đường, cây cầu có đảm bảo chất lượng hay không phải được chứng minh trong quá trình khai thác, vì khai thác mới bộc lộ yếu tố về chất lượng. "Giống như một cái đòn gánh làm xong, chưa gánh thử thì khó xác định sẽ gánh được bao nhiêu, lắp xong cái xe mà không chạy thử thì chưa đánh giá được chất lượng thế nào" - ông Chủng ví von.

Theo ông, thực tế có những công trình nói kiểm soát chất lượng rất tốt nhưng đưa vào khai thác lại bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng. Vì thế, nên chăng xem xét gói thầu làm nhanh, đảm bảo chất lượng sẽ được thưởng sau khi hết thời gian bảo hành để giải thưởng này xác đáng. "Việc này cũng tránh tình trạng thưởng gói thầu này nhanh nhưng gói thầu khác vẫn chậm và cả dự án chậm. Nếu chưa khẳng định được đảm bảo chất lượng mà thưởng thì ý nghĩa không cao" - ông Chủng nói.

Ông Phan Văn Thắng cũng cho rằng để nghị định có khả năng thực thi cao, trước hết cần phải quy định rõ từng loại tiêu chí để góp phần rút ngắn tiến độ gói thầu để xét thưởng như: tiêu chí về sáng tạo, tiết kiệm được chi phí; rút ngắn tiến độ; đảm bảo chất lượng công trình… Trong đó tiêu chí cao nhất là công trình phải đảm bảo chất lượng.

Tiêu chí thưởng: đọc phải hiểu ngay

Ông Thắng nói việc ban hành quy định pháp lý như trên là nên làm để khuyến khích các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đem lại lợi ích sớm của dự án về kinh tế - xã hội. Cơ chế thưởng cũng khuyến khích nhà thầu phát huy hết năng lực, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, góp phần nâng tầm các nhà thầu. Tuy nhiên, các tiêu chí trên được đưa một cách đầy đủ, chi tiết vào nghị định để thống nhất thực hiện sẽ hay hơn là ban hành thêm thông tư hướng dẫn mà "đọc không hiểu thực hiện thế nào".

Các tiêu chí trên sẽ là cơ sở đàm phán ký hợp đồng với nhà thầu để các bên làm cơ sở thực hiện, thay vì ký hợp đồng với điều khoản chung nhưng sau lại nói không có nguồn để thực hiện hay tư vấn nói động vào cái này phức tạp tôi không chịu trách nhiệm.

Nghị định cũng cần tính toán sự phù hợp các quy định pháp luật khác để thuận lợi cho các cơ quan, nhà thầu thực hiện, tránh tình trạng làm xong, xét thưởng thì nói vướng luật này, luật kia. Việc ban hành tiêu chí, phương thức tính toán và nguồn tiền thưởng rõ ràng, phù hợp các luật liên quan sẽ đảm bảo khả năng thực thi của nghị định. Như vậy khuyến khích nhà thầu nghiên cứu giải pháp sáng tạo, đầu tư, ứng dụng công nghệ thay vì cứ làm theo lối mòn.

Hiệu quả kinh tế khó định lượng

Về đánh giá hiệu quả kinh tế của việc rút ngắn tiến độ gói thầu để tính hệ số thưởng, theo ông Thắng, với các dự án đầu tư công việc xác định hiệu quả này thường khó khăn vì chưa có các quy định pháp lý mang tính định lượng. Trong khi với dự án BOT, nếu xong sớm một ngày, tức thu phí sớm một ngày thì doanh thu cụ thể để lượng hóa.

Việc cơ chế thưởng tiến độ chỉ áp dụng cho gói thầu làm bằng vốn đầu tư công như dự thảo cũng nên tính hiệu quả kinh tế dựa trên tiết giảm thời gian, nhiên liệu do công trình khai thác sớm (tương tự cách tính giá vé đường BOT) và các hiệu quả kinh tế - xã hội khác.

TUẤN PHÙNG

Chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng: Tăng quyền nhưng phải giám sát Chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng: Tăng quyền nhưng phải giám sát

TTO - Cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền chỉ định thầu cũng như xác định rõ các tiêu chí lựa chọn nhà thầu, đảm bảo công khai, minh bạch và tránh lạm dụng chỉ định thầu nhằm thúc đẩy nhanh hơn các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

NGỌC AN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên