15/09/2003 08:12 GMT+7

Xem "Hãy cười với nhau": nửa mừng, nửa...khó chịu!

N.CHƯƠNG
N.CHƯƠNG

TT (TP.HCM) - Ngay trong đêm đầu tiên của chương trình Hãy cười với nhau (diễn ra tại Nhà hát TP.HCM, đêm 13 và 14-9-2003), khán giả kéo đến ngồi đầy dưới nhà và trên lầu nhà hát. Phải chăng ban tổ chức đã có thể xoa tay mừng khấp khởi?

1Jx1uekc.jpgPhóng to
Tiểu phẩm Viện dưỡng lão của nhóm Hữu Lộc

Quả là ba chàng trai Hữu Lộc, Văn Long, Lê Hoàng với tiểu phẩm Viện dưỡng lão không chỉ tạo thiện cảm bởi kiểu diễn rất sáng tạo, linh hoạt, hóm hỉnh mà còn vì cái “vị” mằn mặn đọng lại của tiếng cười, chợt chùng lòng xuống.

Họ vào vai ba ông lão, mỗi ông đều nhắc đến và bênh vực con của mình cho dù chính con cái họ đã đẩy họ vào viện dưỡng lão, cho dù con cái như thế đã là bất hiếu rõ mười mươi nhưng ba ông lão cứ tranh nhau “khoe” con mình giỏi, “khoe” con mình hay bằng những câu chuyện… tưởng tượng. Cười mà nhói.

Tiểu phẩm Tiên 2000 với Bảo Chung, Tấn Hoàng khiến khán giả cười nghiêng ngửa bởi hình thức siêu tưởng tượng về một ông tiên thoát khỏi chiếc bình cổ nhưng là “tiên nhà nghèo”, tiên của dân đen nên thúc thủ trước nhiều việc trái tai gai mắt, chỉ còn mỗi tấm lòng trắc ẩn vậy thôi.

Và quả là nhóm Nhật Cường, Việt Ninh… với tiểu phẩm Những con vịt cũng đáng được xếp vào kiểu hài tình huống nhiều tìm tòi khi tạo được tiếng cười rất nhộn về cái thói hóng chuyện, thêu dệt “tam sao thất bổn”… tràn lan trong đời sống đô thị.

Cũng còn có thể kể đến tiết mục Vùng quê yên tĩnh của nhóm Lê Quốc Nam, lạ vì cách xây dựng hài lồng trong một không khí ma quái rờn rợn.

Và, thế là hết. Tiết mục Chuyến tàu mùa xuân lần lượt trôi đi với hàng loạt diễn viên (ngoại trừ Hoàng Sơn, Thế Phương) diễn như trả bài, nhàn nhạt. Tiết mục Đêm tân hôn sau vài tình tiết ban đầu tạo ấn tượng là lạ, thế rồi diễn viên cũng như nhân vật hóa thành vô duyên.

Đáng nói hơn là Chuyện ấp mới quê tôi: ngoại trừ Bảo Trí vào vai một thư ký quèn ở ấp được diễn rất sinh động về tính cách lẩm cẩm trong cái thói xun xoe bợ đỡ, rất tiếc đề tài về phê phán căn bệnh thành tích đã bị trôi đi chiều sâu cần có, lại biến thành một kiểu “tuyên truyền cổ động”, hao hao văn nghệ nghiệp dư của các đội thông tin lưu động (uổng cho sự có mặt của hàng loạt diễn viên chuyên nghiệp).

Đỉnh điểm của sự đáng ngại là với tiết mục Chia gia tài của Kiều Oanh, Anh Tuấn, nhiều khán giả đã phải lấy làm khó chịu: chỉ đơn thuần là kiểu tấu hài sáo mòn, tấu qua tấu lại, hát qua hát lại nhạt thếch, rồi chọc cười bằng những từ ngữ thô thiển, dung tục (như “nắm dây xích dẫn chồng…”, “càng vuốt càng cứng rắn”).

Kiểu hài dung tục vẫn cứ lềnh khênh ở một số tụ điểm. Đáng ngại là những kiểu hài như thế lại nghiễm nhiên xuất hiện trong một chương trình được hình thành từ sau “Lớp tập huấn cho diễn viên hài”. Tại sao?

N.CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên