06/09/2003 16:00 GMT+7

Cuộc sống bên trong Baghdad: "Không ổn đâu, ông ơi!"

Mario Vargas Llosa (Trang Anh trích dịch, theo The Guardian 5-9-2003)
Mario Vargas Llosa (Trang Anh trích dịch, theo The Guardian 5-9-2003)

TT - Hình bóng duy nhất của quyền lực là những xe tăng, xe bọc thép, xe tải, xe jeep và những toán quân Mỹ tuần tiễu, bê súng trường, súng máy đi qua đi lại, làm rung chuyển các tòa nhà bởi các phương tiện của họ. Những binh lính đó trông cũng bất lực và hãi sợ chẳng kém gì người dân Baghdad.

ArwcUEwW.jpgPhóng to
Không có đồn cảnh sát, không nhà băng. Quân Mỹ thì bị thù ghét, sợ hãi đến rúm ró. Hở ra món đồ nào là bị chôm, bị phá. Hi vọng nào cho người dân Baghdad?

Từ khi tôi đến đây, đã có 30 lính Mỹ bị giết và khoảng 300 bị thương. Chẳng có gì ngạc nhiên khi họ luôn nghi kỵ và bẳn tính, ngón tay lúc nào cũng lăm lăm trên cò súng. Giữa cái nóng địa ngục, họ vẫn đội nón sùm sụp, khoác áo chống đạn và mang vác những thứ vũ khí quân trang, khiến cho hoàn cảnh của họ coi mòi còn tồi tệ hơn cả người địa phương.

”Không ổn đâu, ông ơi!” - ông bạn Kahtaw K Al-Ani nói với tôi như thế.

Iraq ngày nay quả là miền đất tự do nhất thế giới, chỉ có điều sự tự do đó không có luật lệ nên biến thành đại họa. Vì không có hải quan nên chính quyền lâm thời do ông Paul Bremer điều khiển đã bãi bỏ mọi thuế nhập khẩu. Kết quả là vùng biên giới Iraq trở nên sôi sục. Mọi thứ hàng hóa tuồn qua đó dễ như bỡn... chỉ trừ vũ khí ra.

Ở biên giới Jordan, một sĩ quan Mỹ cho tôi biết tuần này mỗi ngày có 3.000 xe chở hàng hóa đi vào Iraq.Chính vì thế mà trên hai đại lộ Karrada Vào và Karrada Ra chạy ngoằn ngoèo xuyên Baghdad như hai anh em song sinh đã mọc lên hằng hà sa số những quầy hàng thực phẩm, quần áo, hàng công nghiệp. Chúng trào cả xuống đường, biến vỉa hè thành một siêu hội chợ, một thiên đường của băng đĩa lậu và hàng giả, hàng nhái.

Mặt hàng dân Baghdad mua nhiều nhất là ăngten parabol để xem truyền hình vệ tinh tin tức khắp thế giới, điều mà trước đây là vô phương. Các giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ rất hậm hực chuyện này vì họ coi cơn sốt tivi là “sự xâm lược bại hoại của văn hóa khiêu dâm phương Tây”.

Ngày nay, người Iraq cũng được vào mạng thoải mái, điều mà thời ông Saddam bị xem là có tội. Thật thú vị khi thấy những quán cà phê Internet mọc lên như nấm ở Baghdad. Người Baghdad, đặc biệt là giới trẻ, rất mê cái món đốt thời gian mới này.

Hoạt động buôn bán trên đường phố giống như một khu chợ nguyên thủy. Tất cả đều được giải quyết bằng đồng dinar. Người mua bê theo hàng cọc tiền, có khi là cả vali tiền... để rồi có thể bị trấn lột bất cứ lúc nào: các Ali Baba có mặt trên từng cây số. Không cảnh sát, không tòa án, và dĩ nhiên chẳng có báo cáo nào về các vụ cướp bóc, giật dọc.

Các bộ vẫn tiếp tục đóng cửa. Các cơ quan công quyền và bưu điện cũng thế. Điện thoại công cộng không hoạt động, và chẳng có luật lệ nào qui định dân chúng có thể làm gì và không thể làm gì. Tất cả đều phó mặc cho bản năng và sự cảnh giác của từng cá nhân. Chính vì vậy mà người ta cảm thấy bất lực và hãi sợ.

Tôi thử bắt chuyện với một vài anh lính Mỹ - nhiều anh còn trẻ măng, chưa kịp mọc râu - bốn lần, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời nhát gừng. Mồ hôi họ nhễ nhại, tròng mắt lúc nào cũng láo liên, hệt như con châu chấu đang dè chừng. Nhưng Morgana, con gái tôi, đã cạy miệng được một lính Mỹ gốc Mexico. Ngồi trên nóc xe tăng, anh chàng này đột nhiên dốc ra bầu tâm sự: “Tôi đang làm cái quỉ gì ở đây thế này! Sáng nay hai bạn chí cốt của tôi đã bị giết! Tôi muốn về với vợ con lắm rồi. Chết tiệt!”.

Lần đầu tiên trong lịch sử người Iraq được hưởng quyền “tự do báo chí” hoàn toàn. Riêng ở Baghdad hiện đã có 50 tờ báo. Thế nhưng thông tin trên báo thì cứ loạn xạ, mâu thuẫn nhau và đầy chất hoang tưởng. Tôi đến nhà Al-Ani vì nghe đâu gần nhà ông ta vừa xảy ra một vụ lộn xộn làm nhiều người bị thương. Lính Mỹ tuần tiễu xộc vào từng nhà tìm vũ khí bằng cách đạp tung cửa.

Giải phóng kiểu gì đây khi mà vô cớ bạn bị tước việc làm, và bỗng dưng hàng vạn gia đình lâm vào cảnh lầm than? “Không ổn đâu, ông ơi !” - Al-Ani nói, mồ hôi tuôn thành hột. Con ông ta lấy khăn giấy chậm mồ hôi cho cha và luôn miệng xin lỗi vì quạt máy không chạy được do cúp điện.

Trước đây Al-Ani thù Saddam và Đảng Ba'ath, còn bây giờ thì ông ta thù lính Mỹ... Lúc chia tay, Al-Ani chỉ cho tôi chiếc xe của ông ta. Ông ta không dám đưa xe ra khỏi nhà vì sợ bị chôm mất, và chính ông cũng không dám ra khỏi nhà vì sợ tổ ấm của mình bị cướp bóc và đốt phá. “Không ổn đâu, ông ơi!” - ông ta nói.

Các Ali Baba lột và phá tất cả mọi thứ. Còn người Mỹ thì, trong khi muốn đẩy nhanh sự việc, đã đẻ ra một hiện tượng chưa từng thấy: chủ nghĩa phá hoại đại trà.

Đã đành rằng sự thù hận có thể là lý do khiến nhiều người Iraq phá phách dinh cơ của những quan chức cũ và các tòa nhà liên quan đến chính quyền ông Saddam. Thế nhưng, tại sao họ lại phá cả những nhà máy? Nhà công nghiệp kỳ cựu Nagi al-Jaf cho tôi biết Nhà máy bia Farida ở Baghdad mà ông ta có phần hùn đã bị các Ali Baba cướp phá tan hoang.

“Cướp đồ để tiêu thụ hoặc đem bán thì tôi còn hiểu nổi, nhưng phá hủy máy móc và đốt sạch sành sanh kiểu này thì...”. Có bao nhiêu nhà máy ở Baghdad bị tàn phá như thế? Câu trả lời là: “Tất cả!”. Tôi bảo ông ta hãy khách quan đi, đừng có phóng đại. Al-Jaf ngước nhìn bầu trời Suleymania một hồi lâu rồi lặp lại: “Tất cả!”.

Do không có các dịch vụ công cộng và cảnh sát giao thông nên lái xe ở Baghdad là cả một cực hình. Xe hơi chạy tứ tán theo bất cứ hướng nào mà người lái mong muốn, cho nên tai nạn giao thông là chuyện vặt và những vụ kẹt xe có thể làm người ta nổi điên. Nhưng chính ở đây ít ra còn xuất hiện những dấu hiệu hi vọng. Khi kẹt xe lên đến đỉnh điểm, thường xuất hiện những người tình nguyện trang bị còi và gậy giúp lập lại trật tự.

Tương tự, nhiều khu phố đã tự lập ra các nhóm tự vệ để ngăn chặn trộm cướp hoặc để thu dọn và đốt những đống rác tích tụ ở đầu đường, góc hẻm. Chính vì vậy mà khách đến Baghdad không chỉ bị vây bọc bởi rác rến, chim quạ, gạch vụn và những tòa nhà cháy sém mà còn lọt thỏm giữa những đám khói hăng hắc của những công dân Baghdad tìm cách tự bảo vệ trước cơn thủy triều rác đang đe dọa nhận chìm họ.

Việc thiếu điện và nước uống có lẽ là cái họa lớn nhất. Cúp điện diễn ra thường xuyên ở một số khu vực và kéo dài nhiều ngày giữa nhiệt độ không bao giờ dưới 400C trong bóng râm và đôi khi leo lên đến 500C. Dưới lò lửa đó, bóng tối mịt mù và sự thiếu thốn nước sinh hoạt quả là sự tra tấn.

Ngay trong tuần đầu tiên đến Baghdad, ở nhà người bạn Tây Ban Nha, tôi đã thấu hiểu nỗi khổ của người dân Iraq trong suốt ba tháng qua. Để tránh bị thiêu sống trong các phòng ngủ - lò lửa, chủ nhà đã lôi chăn chiếu ra vườn, thà làm bạn với giun gián còn hơn là để bị chết ngộp...

Mario Vargas Llosa (Trang Anh trích dịch, theo The Guardian 5-9-2003)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên