11/09/2003 07:07 GMT+7

"Mong đừng ai phải khổ như tôi"

NGUYỄN BAY ghi
NGUYỄN BAY ghi

TT (TP.HCM) - Người mẹ gần 60 tuổi luôn tay xoa bóp đôi chân bất động của con gái. Bà nhắc mãi câu “tiền mất, tật mang, mừng là hắn còn sống trở về”. Cô gái 27 tuổi là chủ tiệm may ở ấp chợ Kim Long hoạt bát ngày nào nay ít nói, biếng cười. Chị là Lê Thị Bê, quê ở Thạnh Long, Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, do Công ty Vinaconex Sài Gòn đưa đi lao động tại Đài Loan tháng 3-2003 và trở về ngày 4-9-2003. Chị nói trong ràn rụa nước mắt: “Tôi muốn đừng ai phải như tôi”.

H0pgUtjy.jpgPhóng to
Hiện chị Lê Thị Bê không thể tự vận động, khi ngồi phải dùng áo giáp định vị cột sống
TT (TP.HCM) - Người mẹ gần 60 tuổi luôn tay xoa bóp đôi chân bất động của con gái. Bà nhắc mãi câu “tiền mất, tật mang, mừng là hắn còn sống trở về”. Cô gái 27 tuổi là chủ tiệm may ở ấp chợ Kim Long hoạt bát ngày nào nay ít nói, biếng cười. Chị là Lê Thị Bê, quê ở Thạnh Long, Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu, do Công ty Vinaconex Sài Gòn đưa đi lao động tại Đài Loan tháng 3-2003 và trở về ngày 4-9-2003. Chị nói trong ràn rụa nước mắt: “Tôi muốn đừng ai phải như tôi”.

Những dòng kêu cứu từ “phòng tạm giam”

Cuộc sống bình dị của người dân vùng biển chúng tôi bỗng “nóng” lên bởi không khí chộn rộn của những gia đình có con em chuẩn bị đi Đài Loan.

Ba xã Quảng Thành, Kim Long, Xà Bang (thuộc huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có trên 10 người được Công ty Vinaconex Sài Gòn đưa đi trong tháng 3-2003. Mỗi người chi phí 12-15 triệu đồng, gồm tiền đóng cho công ty 500 USD cùng các khoản làm hộ chiếu, khám sức khỏe và chi phí phát sinh trong thời gian học tiếng ba tháng tại VN.

Theo những người môi giới, lương chúng tôi tối thiểu 2,8 triệu đồng/người/tháng sau thời gian thử việc 40 ngày. Công ty đưa đi còn khẳng định chắc chắn: kết thúc hai năm, mỗi lao động thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng.

Theo bộ phận quản lý lao động VN tại Đài Loan, số lượng người Việt làm việc có thời hạn tại đây trên 39.0000 người (đến tháng 5-2003), phần lớn thuộc lĩnh vực chăm sóc người bệnh và giúp việc gia đình.

VN có 128 công ty xuất khẩu lao động được cấp phép hoạt động thông qua các công ty môi giới Đài Loan. Trong số 1.272 công ty môi giới nước sở tại được Ủy ban Lao động Đài Loan cấp phép đến cuối năm 2002 có đến 19 công ty bị rút giấy phép, tám công ty đang trong giai đoạn ngừng kinh doanh, 418 công ty còn hiệu lực song ngừng hoạt động nghiệp vụ.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động, nhiều công ty xuất khẩu lao động VN “mang con bỏ chợ”, chỉ quan tâm đến việc thu phí, sau đó không hề theo dõi chế độ lương bổng hay điều kiện làm việc của người lao động.

Vì thế nhiều trường hợp bị đổi chủ, ngược đãi, thậm chí bị chuyển đến những công ty “chui” làm việc bất hợp pháp mà các “ông chủ” đưa đi không hề hay biết.

Ngày đầu đến xứ người, chúng tôi đã quá bàng hoàng bởi câu chuyện của những người đang bị mắc kẹt ở công ty môi giới Đài Loan (Cao Sủng): người đi làm quần quật mà bị quịt lương, người làm 6-7 tháng chỉ gửi về gia đình được 1-2 triệu đồng, khủng khiếp nhất là những trường hợp không phù hợp với gia chủ, người môi giới vẫn ép đi làm, không đi thì bị đánh và nhốt biệt lập.

Trong các “phòng tạm giam” (chúng tôi gọi như thế) của tòa nhà bốn tầng mà công ty môi giới “chăn dắt” chúng tôi trong khi chờ việc đầy những dòng chữ VN: “Cha mẹ ơi cứu con, anh ơi chị ơi... cứu em”.

Bài học cay đắng

Theo thỏa thuận với Công ty Vinaconex Sài Gòn, tôi giữ em bé thông qua công ty môi giới Đài Loan là Ding Yi International-Broker, nhưng đến nơi tôi lại được chuyển sang một công ty khác là Cao Sủng, công việc cũng hoàn toàn khác: làm việc nhà (ba căn) cộng thêm chế biến trầu cau theo nghề của gia đình chủ.

Mỗi ngày bắt đầu từ 5g sáng, trưa và chiều ăn cơm hộp tại chỗ, làm liên tục đến 22g có khi 24g. Mỗi tháng, công ty môi giới đều đến nhà chủ nhận tiền lương đầy đủ nhưng trong tài khoản cá nhân tôi không nhận được bất cứ đồng nào.

Thêm vào đó, họ luôn đe dọa hủy hợp đồng, trả tôi về nước nếu không làm việc chăm chỉ. Các điều khoản trong hợp đồng đều bất lợi cho chúng tôi: phải bồi thường chi phí môi giới, phí quản lý cho công ty dịch vụ (cả hai nước). Vì thế trong khu nhà chúng tôi ở, nhiều chị bị áp lực đến độ khủng hoảng thần kinh, la hét tối ngày, một người thì bị điên luôn.

Làm việc ở nhà chủ được ba tháng, đại diện Công ty môi giới Cao Sủng đến thanh lý hợp đồng và thông báo tôi sẽ chuyển đến chủ mới. Có người phiên dịch, tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản hợp đồng thanh lý toàn tiếng Trung Quốc mà tôi chỉ có việc phải lăn tay, viết ba chữ tên mình.

Tuy nhiên, tôi bị mang về lại Công ty Cao Sủng, bị nhốt vào phòng biệt lập, tôi hình dung mình giống như kẻ nô lệ không lối thoát. Nhiều đêm, không gian tĩnh lặng, tiếng la hét của những người bị nhốt làm tôi rùng mình và việc rơi từ lầu hai xuống đất trong tình trạng hôn mê khiến tôi không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra, hai chân tôi đã bị liệt.

Còn rất nhiều người đang mắc kẹt tại Công ty Cao Sủng Đài Loan, họ muốn về mà không có tiền, không được ai giúp đỡ.

Công ty xuất khẩu lao động VN có ghi những địa chỉ, số điện thoại tại Đài Loan để cầu cứu khi cần, nhưng với công việc quần quật suốt ngày, thời gian đi vệ sinh cũng bị kiểm soát nói gì đến việc viết thư hay điện thoại.

Không được đi ra ngoài, không liên lạc với bất kỳ ai. Biết tôi chuẩn bị về nước, mọi người phải lén lút viết thư nhờ tôi mang về VN cầu cứu. Đây, mười lá thư không có tem vì không ai có tiền...!

NGUYỄN BAY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên