09/10/2003 07:17 GMT+7

Thợ đóng tàu

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TT - Ngày 30-9-2003, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) chính thức bắt tay đóng mới hai con tàu lớn nhất trong lịch sử ngành đóng tàu biển VN: tàu chở hàng 15.000 tấn và tàu dầu 13.500 tấn. Trước đó mấy tháng, những người thợ đóng tàu của nhà máy cũng đã bàn giao con tàu chở hàng 11.500 tấn lớn nhất từ trước đến nay...

k7oSYbCN.jpgPhóng to

Phút nghỉ ngơi của những người thợ hàn ngay tại công trường

TT - Ngày 30-9-2003, Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng) chính thức bắt tay đóng mới hai con tàu lớn nhất trong lịch sử ngành đóng tàu biển VN: tàu chở hàng 15.000 tấn và tàu dầu 13.500 tấn. Trước đó mấy tháng, những người thợ đóng tàu của nhà máy cũng đã bàn giao con tàu chở hàng 11.500 tấn lớn nhất từ trước đến nay...

Đời thợ

“Thợ đóng tàu ư? Phải là những người có “bàn tay vàng”, có sức khỏe, biết chịu đựng hi sinh với cái nghề mà mình đã chọn”- Bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng Đỗ Văn Thức giới thiệu về công việc của hơn 700 đoàn viên thanh niên công nhân (trong tổng số gần 2.000 thợ đóng tàu của nhà máy).

Thuyết phục mãi, cuối cùng đội trưởng Sơn cũng đồng ý cho tôi vào hầm “hấp tôm” thử làm thợ. Chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt. Mùi dầu, mùi tôn mới, mùi cháy khét của kim loại vẫn đặc quánh trong từng khoang hầm chúng tôi chui qua.

Các khoang hầm này chỉ thông với nhau bằng các “cửa giảm trọng” - những lỗ tròn vừa đúng một người chui. Độ nóng của que hàn là 2.7000oC truyền vào những tấm tôn càng tăng thêm sự nóng bức cộng với khói mịt mù làm không khí trong hầm càng ngột ngạt.

kHa1uBDY.jpgPhóng to

Người thợ đóng tàu phải cúi sát xuống những tấm tôn mà hàn

Tôi cố xoay xở để chụp tấm hình và chỉ sau khoảng mươi phút đã phải nhào ra ngay không thể chịu nổi. Đón tôi ở cửa hầm, đội trưởng Sơn cười bảo: “Ăn thua gì so với thợ sơn, mà bây giờ chủ tàu yêu cầu thực hiện kỹ thuật sơn mới, sơn hai đặc tính (sơn và dầu) vừa nguy hiểm, lại độc hại hơn”.

Vì tính chất độc hại nên cánh thợ sơn bị hạn chế làm ngày. Họ chỉ bắt đầu làm việc khi màn đêm buông xuống, lúc những người thợ ở các công đoạn khác đã nghỉ.

Trước khi sơn, tất cả các vật được sơn phải qua khâu đánh gỉ, đánh bóng. Mọi thứ đều phải sạch dưới áp lực của súng bắn cát, chứ không như trước cứ quèn quẹt đánh gỉ bằng tay.

Những người thợ phun cát này luôn phải làm việc trong bụi cát mịt mù. Thợ phun cát Nguyễn Thanh Tùng tháo từng thứ bảo hộ anh mang ra liệt kê: mũ, khăn vải che mặt, hai khẩu trang bằng vải xô chập làm một, bông bịt tai, bịt mũi.

Dù có được “bảo hộ” đến đâu cũng không ai dám chắc mình có dính bệnh bụi phổi hay chưa. Chỉ tính riêng việc suốt ngày làm việc trong môi trường sặc mùi khói hàn, mùi sơn cũng đủ khiến những người thợ này không còn mùi... da thịt người nữa.

“Bệnh ư? Biết lúc nào nó phát”- Tùng bộc lộ sự lo lắng. Đang độ tuổi “băm” (30) tràn đầy sức sống nên Tùng, Thành, Minh, Chung cũng như Cương vẫn chưa thấy biểu hiện gì, chứ người hai ba chục năm trong nghề như đội trưởng Sơn, đội trưởng Thịnh thì giờ trông còm nhom lắm. Ngực anh thỉnh thoảng vẫn đau tức, khó thở, lắm lúc cơm ngon canh ngọt chẳng ăn được, chỉ húp cháo muối, uống nước khoáng mặn vắt chanh mà... tiếp tục làm việc.

Thách thức từ những con tàu lớn

Kỹ sư Vũ Quốc Hùng, phó phòng kỹ thuật nhà máy, bộc bạch: “Gần 60 năm nhà máy chỉ chuyên sửa chữa và đóng mới những tàu cỡ 1.000 tấn rồi đến 3.500 tấn. Mới hai năm nay nhà máy mới đóng những con tàu lớn cỡ 6.500 tấn rồi 11.500 tấn”.

Cũng theo kỹ sư Hùng, để đón nhận những thách thức mới, gần đây nhà máy đã liên tục đưa những người thợ trẻ của mình đi đào tạo ở nước ngoài và sắp tới nhà máy sẽ còn tiếp nhận những thiết bị máy móc hiện đại như cần cẩu cỡ lớn, máy sơn, máy cắt, máy gò tôn... để phục vụ đóng mới những con tàu lớn hơn.

Lê Khánh Ninh (tổ lắp ráp, phân xưởng vỏ 1), một trong những thợ trẻ được cử đi đào tạo, sau ba năm trở về giờ Ninh vững vàng với tay nghề hàn bậc 3 đúng tiêu chuẩn thợ đóng tàu Nhật Bản.

Về sự khác biệt khi đóng tàu nhỏ và giờ là những con tàu cỡ lớn, anh Sơn cho biết thợ hàn bây giờ phải qua một lớp tập huấn, thi tay nghề do phía chủ tàu tổ chức trước khi vào xưởng.

Lê Khánh Ninh bảo “máy móc, công nghệ đóng tàu VN thua kém Nhật Bản rất nhiều, nhưng bù lại người thợ đóng tàu của ta có tính cần cù, chịu khó, ham học”.

Điển hình của sự ham học là Đỗ Duy Hoàng, thợ vận hành máy cắt tôn CNC. Chiếc máy này được nhà máy nhập về hai năm trước. Hoàng chịu khó học và bây giờ anh cùng các đồng nghiệp đã tự lập trình cắt tôn bằng máy vi tính theo thiết kế, không phải cắt bằng tay nữa. Mọi chi tiết của vỏ tàu đều được nhóm thợ của Hoàng lập trình trên máy và chủ động triển khai cắt, gò để chuyển cho tổ lắp ráp.

Bây giờ đóng tàu lớn, mỗi bộ phận, mỗi phân xưởng làm một phần độc lập, làm đến đâu hoàn thiện đến đó, kể cả sơn chống gỉ đến sơn trang trí. Sau đó mỗi phần sẽ được ghép nối thành con tàu hoàn chỉnh mới hạ thủy.

Từ khi đóng những con tàu lớn, những kỹ sư như Hùng, những thợ lành nghề như anh Sơn (thợ bậc 7, tổ trưởng tổ lắp ráp 3, phân xưởng vỏ 1), anh Thịnh (thợ bậc 6, tổ trưởng tổ lắp ráp 5, phân xưởng vỏ 1), anh Hoàng... luôn phải làm thêm giờ, có mặt suốt từ 7g-19g ở công trường để giám sát, hướng dẫn những người thợ trẻ.

Những người thợ có tay nghề cộng với làm thêm được khoảng gần 2 triệu đồng/tháng... Nhưng tiền chỉ là một phần, cái chính là sự yêu nghề, họ vui mừng khi những con tàu do họ đóng cứ to dần, lớn dần vượt đại dương đến khắp năm châu bốn biển.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên