21/09/2003 12:14 GMT+7

"Dịch"...sách dịch!

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTCN - Dịch giả Phạm Viêm Phương cầm trên tay bản dịch một tập truyện ngắn của John Steinbeck mà bức xúc quá đỗi. "Tôi có gần như đầy đủ các bản nguyên tác của John Steinbeck, do đó có thể đối chiếu với bản dịch đang được phát hành: sai sót thật là kinh khủng". Nhìn rộng ra, thị trường sách dịch ở ta hiện nay đang hết sức tùy tiện và bát nháo.

9Mx5tOGu.jpgPhóng to
Sai sót... ra đến tận ngòai bìa sách!

Sai sót trong ruột lẫn ngoài bìa

Nhà nghiên cứu dịch giả Nhật Chiêu cho rằng hiện nay "có một sự thi đua cẩu thả giữa các nhà xuất bản (NXB) trong việc làm sách dịch" (ở đây được hiểu là các sách văn học dịch - NV).

Nói thế cũng không ngoa bởi không chỉ có những sai sót thuộc về nội dung (trong ruột sách) mà còn "nhan nhản trên các bìa sách, thật không thể hiểu nổi" như lời ông Nhật Chiêu.

Chẳng hạn như in sai tên tác giả: tác phẩm Tiếng sóng của Mishima Yukio (NXB Hội Nhà Văn) tên tác giả in thành Yokio.

Còn NXB Văn Học vừa mới cho ra đời bộ truyện Thủy HửHậu Thủy Hử ba quyển, ngoài bìa ghi tên tác giả là La Quán Trung.

Giới dịch giả ngơ ngác hỏi nhau liệu đã có một nghiên cứu hay phát hiện nào vừa công bố cho rằng Thủy Hử là của La Quán Trung? Bởi Thi Nại Am mới là tác giả Thủy Hử như xưa nay mọi người đều biết.

Ngay từ năm 1999 NXB Văn Học đã in một quyển Hậu Thủy Hử với hai tác giả là Thi Nại Am và La Quán Trung. Nếu có công bố một phát hiện mới nào đó về tác giả những bộ sách kinh điển này thì NXB tối thiểu phải có thông báo trong lời tựa chứ!

Trong khi đó bìa tập truyện ngắn (của NXB Văn Hóa Thông Tin) Miếng bíttết, tựa một truyện ngắn của Jack London, ghi là "truyện ngắn lãng mạn Pháp" dù trong tập truyện này có năm truyện Mỹ (của Jack London, Hemingway, Frank Runy, Ring Lardner), một truyện Anh (Conan Doyle), một của Ấn Độ (Balvang Garghi) và chỉ có một truyện của tác giả người Pháp là Louis Aragon; nhưng Aragon cũng không phải là nhà văn thuộc chủ nghĩa lãng mạn mà thuộc chủ nghĩa siêu thực của thế kỷ 20.

Cách làm như vậy có thể gây tai hại cho những bạn trẻ vốn chưa am tường về các trào lưu, chủ nghĩa của văn học nước ngoài khi họ tiếp cận với nguồn tư liệu tham khảo kiểu này. Không khéo rồi đây lại có những bài làm của sinh viên viết rằng Jack London là nhà văn lãng mạn Pháp cũng nên!

Bát nháo khắp nơi

Ngay trong các trường đại học với những người dịch có học hàm học vị thì chất lượng bản dịch của họ cũng thật đáng ngờ.

Xin đơn cử: hiện trên thị trường đang bán quyển Truyện cực ngắn của Ernest Hemingway do NXB Văn Nghệ in từ năm 2001. Quyển này không ghi tên người dịch, nhưng theo chúng tôi biết thì đây là bản dịch của một vị tiến sĩ thuộc Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Có điều những "truyện" trong tập này chẳng phải là "truyện cực ngắn" gì cả mà chỉ là những đoạn chapeau (đề từ) trước mỗi chương của một tập truyện có tên In our time (bản tiếng Anh, in tại Mỹ năm 1958). Hemingway có sống lại cũng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu cái tập truyện "cực ngắn" này ở đâu ra!

Còn cuốn Tuyển truyện John Steinbeck mà Phạm Viêm Phương nói ở trên thì đúng "đầm đìa" lỗi sai. Nhưng đâu phải độc giả nào cũng có khả năng tìm ra những lỗi sai như thế. Chính dịch giả Phạm Viêm Phương đã lấy nguyên tác tiếng Anh ra so sánh với bản dịch và không chịu nổi những sai sót ngớ ngẩn trong cuốn truyện đã in mà ông đã tự sửa lại đến nát cả trang sách!

Có những lỗi cho thấy trình độ của người dịch rất kém, chẳng hạn như nguyên tác viết là: "con rắn cuộn thành vòng số tám" lại được dịch thành "con rắn cuộn thành tám vòng tròn".

Từ năm1986 thầy giáo dạy Anh văn Cao Xuân Nghiệp đã dịch toàn bộ trường ca Calêvala của Phần Lan và được NXB Mũi Cà Mau in. Đến năm 1991 cũng NXB này tái bản trường ca này nhân dịp ông Cao Xuân Nghiệp được nhận huy chương của Phần Lan vì đã góp phần phổ biến văn học Phần Lan ở VN.

Thế nhưng mãi đến đầu năm 2003 ông Cao Xuân Nghiệp mới phát hiện bản dịch của mình đã bị nhà sách Hồng Ân tại TP.HCM lấy cắp gần như toàn bộ và liên kết in với NXB Văn Nghệ (năm 2000) dưới cái tên Truyện dân gian Phần Lan do Tô Đình sưu tập (!); trong khi trừ ba trang đầu và một chương cuối, tất cả các chương còn lại sao y toàn bộ bản dịch của ông Cao Xuân Nghiệp!

Trên đây chúng tôi chỉ mới điểm qua những bát nháo và tùy tiện trong tình hình sách văn học dịch hiện nay, còn đề cập đến một hệ thống sách dịch là cả vấn đề lớn của nền học thuật nước nhà.

Thời buổi mở cửa, anh không thể "đóng cửa nhai văn" như ngày xưa Cao Bá Quát đã nói. Song dịch sách thì cần thiết phải dịch có hệ thống. Nhiều dịch giả than phiền rằng hiện nay sách dịch ở xứ ta bán đầy các nhà sách lớn nhỏ nhưng những bản dịch có giá trị tham khảo, nghiên cứu thì chẳng là bao. Vì ta dịch tùy tiện quá; ai thích truyện nào, ở đâu, của tác giả nào thì cứ dịch, rồi tìm chỗ in, không hề có cái nhìn hệ thống đối với một nền văn học và các tác giả của nền văn học đó.

Và cho đến nay vẫn chưa có NXB nào tổ chức dịch các tác phẩm văn học kinh điển có hệ thống và chất lượng.

Hiện nay dù nhiều người làm sách dịch rât nhạy bén với thị trường nhưng nhìn chung người đọc vẫn thiếu sách dịch có giá trị.

Trong khi đó, rảo qua thị trường sách dịch dê thây một sự mất cân đối nghiêm trọng. Thường những người làm sách dịch ăn theo các sự kiện quốc tế: khi có “sự kiện” Yeltsin thì nhà nhà làm sách Yeltsin, khi xuất hiện nhân vật Putin thì nhà nhà chạy đua làm sách về Putin.

Đó là chưa kể việc Cục Xuất bản cho phép hai NXB cùng in một cuốn sách dịch (Nhật ký lúc nửa đêm của Yeltsin, NXB Công An Nhân Dân và NXB Chính Trị Quốc Gia cùng xuất bản).

Trong tình hình sách dịch như vậy những sai sót ra đến tận... ngoài bìa như đã kể trên vẫn hãy còn rất nhỏ.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên