Mỹ & cuộc đảo chính Diệm Nhu: Ngày đầu tiên của Cabot Lodge tại Sài Gòn

HỮU NGHỊ 24/08/2003 19:08 GMT+7

TTCN - Từ cách bờ biển VN 150km, chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ chở đại sứ Lodge đến Sài Gòn đã được một phi đội chiến đấu cơ Mỹ nghênh tiếp và hộ tống. Song Lodge không được đưa ngay đến Sài Gòn, mà được các quan chức sứ quán Mỹ mời đi “kinh lý” ngay đồng bằng sông Cửu Long.

Kỳ 2: Ngày đầu tiên của Cabot Lodge tại Sài Gòn

Phóng to

Sân bay Tân Sơn Nhất 1963

TTCN - Từ cách bờ biển VN 150km, chiếc máy bay của không lực Hoa Kỳ chở đại sứ Lodge đến Sài Gòn đã được một phi đội chiến đấu cơ Mỹ nghênh tiếp và hộ tống. Song Lodge không được đưa ngay đến Sài Gòn, mà được các quan chức sứ quán Mỹ mời đi “kinh lý” ngay đồng bằng sông Cửu Long.

Tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa giải mật (FRUS) cho biết đại sứ Lodge đang ở tại Tokyo trên đường đến VN. Ông định ghé ở Hong Kong trước khi đến Sài Gòn. Nửa đêm 21-8 ông nhận được một cú điện thoại từ Nhà Trắng báo cho biết việc Diệm ban bố tình trạng thiết quân luật, lệnh cho Lodge đến ngay Sài Gòn càng sớm càng tốt, rằng tổng thống cho phép không quân cung cấp ngay một máy bay quân sự cho Lodge. Sáng 22-8 vào khoảng 11g, Lodge lên máy bay trực chỉ Sài Gòn. Ông đến Tân Sơn Nhất vào lúc 9g30 tối.

Morris West, trong tác phẩm L'ambassadeur (bản tiếng Pháp của Nhà xuất bản Plon, 1965), đã thuật lại những ghi nhận ban đầu của Lodge như sau:
“Người ta giải thích với tôi là để cho tôi có một cái nhìn đầu tiên về tình hình chiến sự. Khu vực đồng bằng này là bãi chiến trường của một trong những trận đánh nghiêm trọng nhất của cuộc chiến tranh. Bi kịch tàn nhẫn của cuộc nội chiến hiện ra trong đời sống của từng gia đình. Tối đến, dân làng rút về sau lũy tre cùng với bầy gia súc của mình. Mỗi gia đình góp một ngọn đèn dầu rọi sáng ngôi làng và một người canh gác ngăn ngừa Việt cộng từ ngoài ruộng bò vào tấn công.

Thế nhưng, người đang canh gác bên trong làng và người đang bò ngoài kia lại là anh em hoặc bà con với nhau. Thế là ngọn đèn dầu tắt ngúm và một bàn tay giơ ra để giúp kẻ bên ngoài kia bò vào trong làng. Tiếp tế gạo, thuốc men. Có khi bằng một thỏa hiệp ngầm, Việt cộng nghỉ ngơi trong bụi chuối trong khi dân làng ngủ yên sau lũy tre. Đối với bộ chỉ huy quân đội (Hoa Kỳ), đó quả là một cơn ác mộng. Đối với dân làng trong các ấp chiến lược này, đó chẳng qua chỉ là một sự thích ứng với hoàn cảnh.

Chúng tôi bay qua khu vực ở độ cao khoảng 5.000m vì lý do an ninh. Một viên thiếu tá chỉ cho tôi xem một ngôi làng nhỏ. Một đàn trực thăng quần đảo bên trên như một bầy chim hoảng loạn. Chúng tôi nhìn thấy những làn khói trắng từ sau các quả tên lửa, những tia chớp của các loạt đạn và khói bốc lên từ các lùm cây.

Sau khoảng 10 phút lượn vòng, chúng tôi quay lại hướng bắc hướng về Sài Gòn. Khi đến gần sân bay, tốp máy bay hộ tống “buông” chúng tôi và chúng tôi hạ cánh. Quá nhanh, theo cảm nhận của tôi. Viên thiếu tá lạnh lùng giải thích rằng do Việt cộng hoạt động ngay sát sân bay và đã có lần bắn trúng một chiếc máy bay đang hạ cánh. Khi máy bay dừng hẳn và cửa mở ra, mới thấy đang ở ngay giữa một doanh trại bít bùng. Khắp sân bay đầy trực thăng và máy bay chiến đấu”.

Đoạn văn trên là một “dẫn nhập” đưa Lodge vào bối cảnh chiến tranh Việt Nam năm 1963 trong bề nổi và bề sâu của nó. Thật ra, chiến tranh không là một điều xa lạ đối với Lodge. Trong Thế chiến thứ hai, Lodge đã từng là trung tá hiện dịch từng chiến đấu ở các chiến trường Địa Trung Hải và châu Âu, sau này leo lên đến cấp bậc thiếu tướng thuộc lực lượng dự bị.

Lodge cũng không xa lạ gì với đề tài chiến tranh VN: năm 1962, Lodge đã viết nhiều bài phân tích về chính sách Hoa Kỳ tại VN (nguồn: Death of a generation: How the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam war). Có xa lạ chăng chính là tính chất kỳ lạ của cuộc chiến tranh này: vì sao những người bên này và bên kia lũy tre xanh của các ấp chiến lược lại bảo bọc nhau, bất chấp sự ngăn cách đó?

Đoạn văn trên còn cho thấy Diệm - Nhu , thừa rõ quá khứ binh nghiệp của Lodge cũng như ý nghĩa của việc bổ nhiệm Lodge thay thế Nolting, nên đã tổ chức đón tiếp với lễ nghi quân cách: các tướng lĩnh ra đón cùng với đạo binh danh dự gồm lính dù. Một cuộc đón tiếp không thường tình dành cho một đại sứ ! Một nhắn nhủ của Diệm gửi đến ngài tân đại sứ: ngài đến đây là để tiếp tục cuộc chiến tranh chứ không để làm “công chuyện” gì khác.

Diễn biến tình hình ngày 22-8-1963 đó rất nghiêm trọng cho chính phủ Diệm: cả bộ trưởng ngoại giao Vũ Văn Mẫu lẫn đại sứ VN tại Mỹ, Trần Văn Chương (cha ruột của Trần Lệ Xuân, tức Madame Nhu) lần lượt từ chức cùng trong ngày hôm đó để phản đối Diệm. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tất nhiên đã không bỏ qua những diễn biến này. Phụ tá ngoại trưởng George W. Ball gửi cho Averell Harriman, thứ trưởng ngoại giao đặc trách chính trị và chủ tịch nhóm công tác đặc biệt chống lật đổ, một mẩu nhắn nội dung như sau:

“Washington, 22-8-1963,
Averell,
Tôi thật sự lo ngại về việc chúng ta sẽ giữ quan hệ giữa Washington với Sài Gòn như thế nào, nay khi Lodge đã có mặt tại chỗ. Tôi rất muốn bàn với ông về việc này. Hãy gọi cho tôi.
Tôi nghĩ rằng bức điện đầu tiên gửi cho tân đại sứ của chúng ta tại Sài Gòn sẽ không dài dòng và trịnh trọng sáo ngữ theo cung cách của bộ ngoại giao.Chúng ta cần chậm rãi khuyến cáo Lodge rằng loại bỏ gia đình Nhu sẽ là một trong những hành động đầu tiên của ông ta.Hãy để cho ông ta cơ hội đánh giá tình hình rồi cho chúng ta một bản báo cáo mới mẻ.Tôi nghĩ rằng Lodge sẽ bực dọc nếu chúng ta quá lộ liễu ra lệnh.
Ký tên
George (Ball).

Qua bức điện trên có thể thấy quyết định bổ nhiệm Lodge sang Sài Gòn của Kennedy đã gây lúng túng như thế nào cho Bộ Ngoại giao Mỹ: không thể không ra lệnh cho Lodge, nhưng kể ra cũng ngài ngại khi phải ra lệnh cho Lodge. Quyết định bổ nhiệm này thật ra là một nước cờ chính trị của Kennedy.

Sau khi liên danh Kennedy-Johnson của Đảng Dân chủ chiến thắng liên danh Nixon - Lodge của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm1960, Lodge đã phải nhường ghế đại sứ Mỹ tại LHQ cho người của Đảng Dân chủ là đại sứ Stevenson, sau khi đã giữ chức vụ này trong gần hai nhiệm kỳ của tổng thống Eisenhower thuộc Đảng Cộng hòa. Việc Kennedy bổ nhiệm “cựu đối thủ” của mình vào chức vụ đại sứ tại “điểm nóng” Sài Gòn chính là để “gắp lửa bỏ tay người”, một khi cần phải dứt khoát với Diệm.

Trong hồ sơ giải mật FRUS của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không thấy có lưu cuộc đàm đạo sau đó giữa Ball và Harriman, song có lưu hồ sơ đánh số POL 2-4 S VIEI Secret, tức bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho Lodge. Bức điện này còn được gửi cho CINCPAC, bộ tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ, “để theo dõi”:

Washington, 22-8-1963, 7g56 tối.
Hilsman gửi Lodge. Chúng tôi tin rằng ông sẽ nhất trí rằng hiện có ba khả năng để ngỏ là: (a) cánh quân đội đang kiểm soát tất cả trong thực tế và rằng Diệm vẫn miễn cưỡng tiếp tục là tổng thống - (b) Diệm và quân đội đang cộng tác với nhau, điều này càng làm tăng vị thế của Diệm - (c) Nhu ra lệnh trong tất cả mọi việc. Còn có khả năng là cho dù cánh quân nhân không chịu trách nhiệm về tình hình thiết quân luật, song họ có thể đang tận dụng cơ hội này để thủ lợi. Nếu quả là như thế, hãy khôn khéo đừng gây sức ép buộc tháo bỏ lệnh thiết quân luật.

Chúng tôi sẽ hoan nghênh đánh giá của ông về tình hình cán cân quyền lực hiện nay giữa các nhóm và cá nhân khác nhau, cả quân sự lẫn dân sự.

Bất luận ai đang là chủ chốt, chúng ta cũng phải tiếp tục đeo đuổi các mục tiêu sau. Đó là một chính phủ có tinh thần trách nhiệm hơn và mang tính đại diện hơn, có khả năng tiến hành chiến tranh một cách có hiệu quả. Nếu chúng ta nhấn mạnh được yêu cầu này nơi mọi cấp chính phủ và quân đội VN, chúng ta có thể đạt được một số tiến bộ không chỉ trong cuộc khủng hoảng hiện tại mà còn về lâu về dài. Chúng tôi nghĩ rằngchúng ta cần tạo ảnh hưởng để giảm thiểu hoặc loại khỏi quyền hành vợ chồng Nhu”.

Lodge đã dành cả ngày hôm sau để thu thập tin tức từ các cộng sự của mình và để soạn bức điện trả lời sau đây:

“Sài Gòn, 23-8-1963, 8g tối.
Ngay lúc này, chúng tôi có đủ lý lẽ để tin chắc rằng không có đảo chính và rằng dinh (Gia Long) đang kiểm soát tình hình. Vai trò chính xác của Diệm, Nhu và bà Nhu chưa rõ rệt song các bằng chứng hiển nhiên cho thấy ảnh hưởng của Nhu vẫn chưa giảm. Đài phát thanh quân đội vẫn phát thanh hậu thuẫn Nhu. Cũng ghi nhận rằng trong 24 giờ qua, đài phát thanh vẫn phát đi lời kêu gọi của Nhu gửi đến tổ chức Thanh niên Cộng hòa yêu cầu hậu thuẫn hành động của chính phủ.

Cánh quân nhân có vẻ như đang cộng tác với nhau và chúng tôi không thấy có sự bất đồng nào giữa họ. Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng quân đội có thể được xem như là một cơ cấu thuần nhất. Đặc biệt, chúng tôi tin rằng ít nhất cũng có ba nhóm quyền lực trong quân đội mà đại diện là tướng Đôn, tướng Đính và đại tá Tung.

Chúng tôi biết chắc rằng tướng Đính và đại tá Tung sẽ không tuân lệnh tướng Đôn. Đính và Tung, được biết là ghét nhau, cùng có quân trong Sài Gòn. Nếu quân đội quyết định ra tay lật đổ Diệm, khả năng đánh nhau to trong Sài Gòn sẽ là rất lớn. Do lẽ đại tá Tung nhất định sẽ bảo vệ Diệm. Tung bị quân đội ghét và không tin tưởng do lẽ tất cả quyền hành đã chỉ có được từ nơi dinh (Gia Long).
Lodge”.

Qua bức điện này, có thể hình dung lại tình hình Sài Gòn vào thời điểm đó. Tại sao Lodge lại báo cáo ngay rằng “đài phát thanh quân đội vẫn phát thanh hậu thuẫn Nhu”? Trong chế độ cũ, đài phát thanh quân đội luôn là hiện thân cho sức mạnh của quân đội. Quân đội ngả bên nào bên đó mạnh. Hồi Diệm mới lên làm thủ tướng, rồi sau đó truất phế Bảo Đại, đài phát thanh quân đội lúc đó, do thoát thai từ quân đội thuộc Pháp, đã nghiêng về phe Bình Xuyên kịch liệt chống Diệm.

Thế cho nên, lần này cũng thế, trong tình hình thiết quân luật ở Sài Gòn, dấu chỉ đầu tiên của cán cân quyền lực cần theo dõi, chính là đài phát thanh quân đội. Đã thành cái lệ: hễ có biến cố chính trị, người dân đều nghe đài này để xem phe nào đang làm chủ tình hình. Ngày 22-8-1963, đài phát thanh quân đội còn cất tiếng ủng hộ Diệm, có nghĩa là Diệm còn chưa đến nỗi nào, ít nhất cũng trên bề nổi.

Thế nhưng, chi tiết “Nhu kêu gọi Thanh niên Cộng hòa hậu thuẫn chính phủ” lại là một chi tiết đáng chú ý. Tại sao Nhu không kêu gọi quân đội hay “Liên đoàn Công chức cách mạng quốc gia” hậu thuẫn mình mà lại gọi đến “Thanh niên Cộng hòa”? Tám ngày trước, ngày 15-8-1963, Nhu cũng đã từng lên tiếng “kêu gọi Thanh niên Cộng hòa hậu thuẫn chính phủ”. Chi tiết này cho thấy Nhu đang quẫn trí, ở vào thế cùng đường, nên mới nghĩ rằng, trong giờ phút khó khăn đó, có thể dựa vào cái đoàn thể hữu danh vô thực này.

Ghi nhận thứ nhì là việc Lodge nêu tên Đính, Đôn, Tung trong bức điện. Đôn lúc đó là tư lệnh Quân đoàn III và đang là quyền tổng tham mưu trưởng thay cho tướng Lê Văn Tỵ đang công cán ở nước ngoài. Đính là tổng trấn Sài Gòn từ ngày hôm trước, 21-8. Tung, đại tá chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, được xem là rất trung thành với Diệm - Nhu. Dự báo của tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn về mối quan hệ thù ghét nhau giữa các tướng tá Sài Gòn với Tung là chính xác. Tung sẽ là người đầu tiên bị phe đảo chính bắn bỏ để trừ hậu hoạn ngay tại bộ tổng tham mưu vào những giờ đầu tiên của cuộc đảo chính.

______________________________________

Kỳ tới: Tướng Harkins, tư lệnh Bộ chỉ huy quân viện Mỹ tại Sài Gòn, đã tiếp xúc như thế nào với tướng Đôn?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận