15/09/2003 08:38 GMT+7

Điêu đứng vì...dịch rẹm

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT (Kiên Giang)- Rẹm phơi trắng sân, lấn luôn lòng đường, nông dân An Minh (Kiên Giang) đang “vật vã” với rẹm. Tất cả già trẻ, lớn bé đều nhào vô tham gia “chiến dịch” diệt trừ rẹm với đủ kiểu: câu, đặt lú, giăng lưới...

X4d2rMhc.jpgPhóng to
Rẹm đặc vuông tôm của ông Trương Văn Đông, ấp Tám Biển 2, Thuận Hòa

Một người nuôi tôm rầu rĩ nói: “Đổi đời đâu không thấy, bây giờ tiêu rồi chú ơi! Mỗi ngày tui phải thuê 6-7 người câu rẹm với giá 300đ/kg, người câu được nhiều lên đến cả trăm ký, trung bình mỗi hecta có 1,5 - 2 tấn rẹm”.

Chúng tôi về xã Thuận Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) - nơi bị rẹm gây thiệt hại nặng nhất trong thời điểm dịch rẹm đang hoành hành dữ dội.

Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là một không khí u buồn, lo lắng đang bao trùm lên người nuôi tôm ở đây. Toàn bộ hơn 4.500ha tôm đều bị rẹm tấn công, mất trắng gần 80%, trong đó ấp Xẻo Bần A, Xẻo Quao thiệt hại 100%.

OzKFTRB2.jpgPhóng to
Rẹm làm cho người nuôi tôm Kiên Giang khốn khổ
Hơn một tháng nay, chỉ riêng ở ấp Tám Biển 2, thương lái Nguyễn Thị Ba - một người dân địa phương - đã đứng ra thu mua được 30 tấn rẹm khô tương đương gần 100 tấn rẹm tươi. Có lẽ những thương lái thu mua rẹm là người lời nhất trong “phi vụ” làm ăn này (chở lên Cần Thơ bán cho nhà máy thức ăn gia súc, lời cả ngàn đồng/kg rẹm).

Trong khi những người dân đang “dở khóc dở mếu” với con tôm, ngay cả ông Trương Văn Đông (Ba Đông) - người nuôi tôm giỏi, có kinh nghiệm nhất khu vực này - cũng bị rẹm tấn công, đành thất bại nặng nề.

Năm 2002 ông thu lãi 300 triệu đồng, được chọn báo cáo điển hình triệu phú nuôi tôm. Năm nay ông đầu tư 40 triệu, tăng diện tích từ 5ha lên 6,5ha, cả gia đình đổ bao công sức. Ông tính nhẩm ít nhất vụ này cũng bỏ túi 400 triệu đồng. Vậy mà đến kỳ thu hoạch chỉ được vỏn vẹn 22 triệu đồng và 4 tấn rẹm.

Theo ông Nguyễn Vân Thanh - phó giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, rẹm thuộc bộ 10 chân (Decapoda), lớp giáp xác (Crustacea), ngành chân khớp (Arthropoda), là động vật ăn tạp: ăn cá, động vật chết, cây mắm, lá đước... Ban đêm hoạt động mạnh để tìm mồi, vì thế chúng làm đảo lộn môi trường sống của con tôm.

Ngành thủy sản Kiên Giang đã khuyến cáo về loại dịch rẹm, nhắc nhở người nuôi tôm xử lý ao vuông, đặc biệt phải lọc nước khi bơm vào, nếu phát hiện rẹm phải dùng lưới, vợt ngăn chặn ngay.

Tuy nhiên, do người dân ít vốn, lại chưa vấp lần nào nên chủ quan, bơm nước vào vuông tôm lọc không kỹ, trứng rẹm, ấu trùng, rẹm con vào vuông phát triển nhanh; đồng thời tấn công, cạnh tranh thức ăn, ăn thịt tôm.

Đặc biệt rẹm lại cùng dòng máu với tôm nên tuyệt đối không thể dùng thuốc diệt vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sự sinh trưởng của con tôm cũng như cây lúa trong những vụ sau.

Trưởng ấp Tám Biển 2, xã Thuận Hòa, Nguyễn Quang Chức trăn trở: “Giá tôm sú sụt giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư con giống, phân bón, vôi, nhân công, thức ăn đều tăng lên vùn vụt. Bà con đang hừng hực khí thế vì vụ rồi thắng lớn nhờ con tôm chuyển dịch thì nay lại đối mặt với những khó khăn chồng chất. Toàn ấp này có 307 hộ nuôi tôm trên diện tích 548,5ha, bị thiệt hại 70-80%. Đa số bà con đều phải vay vốn ngân hàng hoặc vay của tư nhân với lãi suất 10-15%. Toàn bộ thu nhập đều trông chờ vào vụ tôm này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm - phó chủ tịch UBND huyện An Minh - cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, đến đầu tháng 9-2003 này toàn huyện An Minh có khoảng 8.000ha tôm bị thiệt hại, trong đó 80% mất trắng, thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Trước tình trạng này, bắt đầu từ 12-9, huyện chủ trương mở chiến dịch toàn dân tham gia diệt rẹm, coi dịch rẹm như dịch ốc bươu vàng”.

Để đảm bảo qui hoạch tôm lúa phát triển bền vững, vụ đông xuân này huyện đưa hết 15.200ha đất nuôi tôm sang trồng lúa theo qui hoạch một vụ tôm, một vụ lúa. Đồng thời UBND huyện cũng đã chỉ thị các trung tâm giống trên địa bàn, yêu cầu tạm ngưng cung cấp giống cho nông dân trong huyện.

Huyện cũng sẽ đầu tư xây dựng mỗi xã, thị trấn 1- 2 mô hình điểm về việc sản xuất lúa trên diện tích nuôi tôm. Lãnh đạo huyện An Minh còn làm việc với ngân hàng để đề nghị tiếp tục giải ngân cho nông dân đầu tư sản xuất vụ đông xuân này theo kế hoạch, kể cả những trường hợp còn nợ do thiệt hại trong nuôi tôm.

Nuôi tôm “siêu rủi ro, siêu lợi nhuận” - đó là câu cửa miệng của dân nuôi tôm. Sự chuyển đổi cơ cấu quá nhanh chóng, đại trà đã mang đến một kết quả “lợi bất cập hại”.

Nhiều hộ vì lợi nhuận không tuân thủ nguyên tắc một vụ tôm một vụ lúa, thả tôm liên tục; có những người nuôi hai vụ tôm, một vụ lúa, hậu quả là môi trường sinh thái bị đảo lộn, rong tảo - nguồn thức ăn của tôm - bị cạn kiệt, cộng thêm điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột... tạo điều kiện tốt cho rẹm vào sinh sống và bùng phát, khiến nông dân và cả ngành chức năng tỉnh Kiên Giang không kịp trở tay.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên